Mở đường liên xã lên miền núi

CÔNG TÚ 24/03/2021 10:37

Hạ tầng giao thông liên xã (còn gọi là ĐH) được quan tâm đầu tư thời gian qua đã tạo động lực để các địa phương miền núi xóa đói giảm nghèo và tháo gỡ nhiều vấn đề an sinh xã hội. Ô tô giờ đây có thể về đến trung tâm cụm xã và thôn bản, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Đường được mở rộng kiên cố hóa, ô tô chở hàng thực phẩm tươi sống “di động” vào tận thôn Tứ Nhũ để phục vụ người dân. Ảnh: C.T
Đường được mở rộng kiên cố hóa, ô tô chở hàng thực phẩm tươi sống “di động” vào tận thôn Tứ Nhũ để phục vụ người dân. Ảnh: C.T

Mở hướng thoát nghèo

Thực hiện Đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH (giai đoạn 2015 - 2020) trên địa bàn tỉnh, các huyện miền núi được đầu tư kiên cố hóa 175,6km đường ĐH với tổng kinh phí hơn 532,2 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hơn 356,6 tỷ đồng). Giai đoạn 2017 - 2019, các huyện miền núi được hỗ trợ kinh phí để bảo trì thường xuyên 669km các tuyến ĐH và 181km tuyến ĐX, trung bình mỗi năm là 15 tỷ đồng. Về hợp phần khôi phục cải tạo, giai đoạn 2017 - 2019 có 3 dự án là ĐH1.HĐ (Hiệp Đức), ĐH6.TP (Tiên Phước) và ĐH3.BT (Bắc Trà My) được đầu tư với tổng mức đầu tư 183 tỷ đồng; cạnh đó xây dựng 13 cầu bê tông cốt thép, 1 cầu treo dân sinh và 6 cống bản bê tông cốt thép ở một số tuyến ĐH khác với tổng mức đầu tư 46 tỷ đồng. Hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được kiên cố hóa.

Khách vừa rời khỏi quán tạp hóa nhỏ của gia đình mình, chị Tăng Thị Tâm (trú thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) định bước ra đồng thăm lúa thì nghe tiếng gọi mời mua rau, tôm cá. Người gọi chị Tâm là bà con trong làng, hàng ngày chạy xe máy xuống chợ huyện mua rau củ quả và thực phẩm tươi sống về bán “di động” trên địa bàn xã. Chỉ ít phút sau, một xe ô tô tải nhỏ có gắn loa phát thanh tự động từ đồng bằng lên cũng mời gọi người dân mua lương thực, thực phẩm tươi sống.

“Cách đây chừng 5, 6 năm thôi, xe máy đi trên con đường qua trung tâm Tứ Nhũ đã rất khó, huống hồ gì là ô tô. Giao thương chủ yếu bằng đò ngang, đò dọc lên đầu nguồn sông Thu Bồn này” - chị Tâm kể.

Chỉ vào mấy bình gas xếp để trong quán, chị còn cho biết mấy năm trước đại lý chở gas lên bờ sông bên kia rồi gửi đò đưa sang, bây giờ có xe tải mang đến tận nơi. Hễ ai đau ốm cần cấp cứu hoặc tới kỳ sinh nở, xe taxi hay xe dịch vụ cứu thương vào đưa đi thuận tiện.

Theo ông Trương Ngọc Vũ - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Nông Sơn, cung đường đi qua thôn Tứ Nhũ thuộc tuyến ĐH5.NS, có điểm đầu tiếp giáp với quốc lộ 14H và điểm cuối nằm ven đầu nguồn Thu Bồn.

Tuyến ĐH5.NS có chiều dài hơn 4,7km còn đi qua các thôn Phước Hội, Tứ Trung của xã Quế Lâm bám sườn núi, trước đây “nắng bụi, mưa lầy” nên huyện đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư kiên cố hóa mặt đường khoảng 4km; đang thi công cầu Khe Sé (tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng) để đảm bảo đồng bộ với mặt cắt toàn tuyến. Hiện nay, địa phương tiếp tục làm nền đường 0,7km còn lại và sẽ triển khai kiên cố hóa bề mặt theo chương trình ĐH của tỉnh.            

Nằm giáp biên giới Việt - Lào, 2 xã La Êê và Chơ Chun (Nam Giang) khoảng 8 năm về trước chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; để ra quốc lộ 14D, người dân phải đi lại trên con đường đất lầy lội, nhiều đoạn phải khiêng xe máy mới qua được. Được quan tâm đầu tư, tuyến giao thông huyết mạch liên xã dài 30km này đã kiên cố hóa khoảng 23km (đã qua khu vực trung tâm của 2 xã), còn 7km đang tiếp tục triển khai thi công và sẽ hoàn thành trước mùa mưa năm nay.

Chủ tịch UBND xã La Êê - ông A Viết Sơn nói: “Bà con mình trước đây không dám trồng cây keo, vì có trồng ra cũng không ai vào hỏi mua. Nay có đường ô tô mở thì khác rồi, người dân trồng keo rất nhiều nên có nguồn thu nhập không nhỏ, góp phần xóa đói giảm nghèo cho không ít hộ gia đình”. Cũng theo ông A Viết Sơn, đường liên xã được kiên cố hóa, giao thông nông thôn vì vậy có điều kiện kết nối đến tận thôn, qua các cánh đồng trồng lúa và khu vực trồng cam Vinh, bưởi da xanh… mà huyện đã hỗ trợ cây giống, mở hướng thoát nghèo bền vững.         

Tiếp tục đầu tư

Hệ thống đường liên xã đóng vai trò quan trọng đối với giao thông miền núi, vì vậy thời gian qua hầu hết địa phương đã được dành nguồn lực đầu tư hệ thống ĐH, kết nối liên hoàn với tỉnh lộ, quốc lộ, đơn cử như ĐH5.NS giao nhau với quốc lộ 14H, đường vào La Êê có điểm đầu giáp quốc lộ 14D. Hay như ở huyện Đông Giang, ĐH11.ĐG (xã Kà Dăng - xã Mà Cooih) kết nối tuyến ĐT609 với đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo ông Trương Ngọc Vũ, một số tuyến liên xã trên địa bàn Nông Sơn còn nhiều đoạn chưa được kiên cố hóa (1,5km của tuyến ĐH1.NS), mặt cắt nhỏ nên 2 xe ô tô tránh nhau khó khăn (ĐH3.NS). Cùng với đó, nhiều cung đường chưa có mương thoát nước dọc; cống, cầu không đảm bảo lưu thông, trở thành “nút thắt cổ chai”… cần tiếp tục được đầu tư.

Hạn chế, bất cập kể trên là thực trạng chung ở các địa phương miền núi của tỉnh. Vì vậy ngày 17.9.2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-HĐND về Đề án kiên cố hóa hệ thống ĐH và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.

Cơ chế đầu tư này được ban hành nhằm kiên cố hóa một phần ĐH hiện hữu đến trung tâm xã, thôn và các tuyến có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn để đảm bảo bền vững, có tiêu chuẩn phù hợp, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ra đời trên cơ sở phát huy tính hiệu quả của các đề án phát triển giao thông nông thôn và kiên cố hóa hệ thống ĐH trước đó, đồng thời có bổ sung hạng mục chưa được đầu tư.

Đối với hệ thống ĐH ở miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ đến 80% chi phí đầu tư tính theo đơn giá; ngân sách cấp huyện cân đối phần còn lại theo chi phí thực tế đầu tư và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Như vậy, nhiều tuyến ĐH khu vực miền núi hiện hữu sẽ tiếp tục được cải tạo, tháo “điểm nghẽn” để mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới.

CÔNG TÚ