Vài góp ý về phát triển đô thị
Cùng với “đô thị vệ tinh”, “đô thị động lực”,... gần đây có thêm các khái niệm “đô thị tương tác”, “đô thị thông minh”, “đô thị sinh thái - nhân văn”, “đô thị xanh”, hay “dân dã” hơn là “phố làng”... được nhắc đến thường xuyên.
Đây không chỉ là việc gọi tên theo tính chất của mỗi loại đô thị mà còn thể hiện xu hướng phát triển cũng như sự đa dạng của đô thị hiện đại; trong đó đô thị hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, xanh - sạch - đẹp - hiện đại là mô hình ưu tiên. Nói cách khác, trong nhận thức mới về đô thị nói chung, vấn đề là ở chỗ việc phát triển đô thị không đơn thuần chỉ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa là động lực vừa là hệ quả tất yếu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà đó còn/phải là nền tảng để xây dựng xã hội hài hòa, con người nhân văn, môi trường sống thân thiện và cảnh quan thiên nhiên sạch đẹp, trong lành.
Động lực của phát triển
Ở Quảng Nam, hiện trạng đô thị nhìn chung khá “trật tự”, bộ mặt đô thị khá đồng nhất. Trong từng đô thị riêng biệt, không gian và kiến trúc hiện đại từng bước được hình thành, trong khi cơ bản bảo tồn được các không gian đô thị cũ nhưng không lạc hậu, tạo ra bộ mặt phố xá hài hòa, bền vững. Như với Tam Kỳ, các tuyến phố thương mại trước đây vẫn được bảo tồn và ngày càng phát triển sầm uất hơn, trong khi các khu phố mới được quy hoạch theo hướng thân thiện, hài hòa với thiên nhiên. Hay với Hội An, khu phố cổ trầm mặc, cổ kính ở bờ bắc sông Hoài và khu đô thị An Hội với vóc dáng hiện đại ở bờ nam vừa tương phản, vừa hỗ trợ cho nhau cả về cảnh quan lẫn hơi thở và nhịp đập đô thị.
Sự phát triển, mở rộng trong nội tại từng đô thị cũng góp phần làm cho các đô thị ở Quảng Nam từng bước “xích lại” gần nhau hơn, hình thành nên mạng lưới/ hệ thống đô thị liên hoàn và đa dạng, vừa hỗ trợ nhau trong phát triển, vừa tạo nên mối liên kết giữa đô thị và nông thôn. Chuỗi đô thị ven biển gồm đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, TP.Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành... đã và đang có sự kết nối ngày càng khắng khít hơn, từng bước trở thành chuỗi đô thị giữ vai trò chính trong tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bám theo trục giao thông huyết mạch quốc gia - quốc lộ 1A, chuỗi đô thị khác cũng đang thành hình, những Vĩnh Điện, Nam Phước, Bà Rén, Hương An, Hà Lam, Quán Gò đang từng ngày trở nên trẻ trung, phổng phao hơn và cũng xích lại gần nhau hơn. Trong một tương lai không xa, Quảng Nam sẽ có tới 21 đô thị các loại; trong đó có một đô thị loại II (Tam Kỳ), một đô thị loại III (Hội An), 2 đô thị loại IV (Điện Bàn, Núi Thành) và 17 đô thị loại V. Động lực phát triển kinh tế, xã hội, do vậy cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn - tất nhiên, với điều kiện sự phát triển của hệ thống đô thị ấy không cực đoan, không triệt tiêu các giá trị ổn định và hài hòa sẵn có.
Bài toán lượng và chất
Đô thị giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế, xã hội, do vậy trong tương lai, việc phát triển đô thị sẽ vẫn là một trong những mục tiêu ưu tiên của chiến lược phát triển nói chung và trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nói riêng. Theo đó, định hướng chung của tỉnh là sẽ phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ đô thị hóa cùng với nâng cao chất lượng các đô thị hiện có, mở rộng không gian phát triển đô thị ở những nơi có điều kiện. Đồng thời tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị ở từng vùng, từng khu vực, hướng đến kết nối các đô thị, chuỗi đô thị với nhau. Cùng với đó, triển khai xây dựng đô thị thông minh tại một số địa phương phù hợp; chú trọng ứng dụng công nghệ từ quá trình hình thành, quản lý đến vận hành đô thị một cách hiệu quả, thông minh hơn. Trong quá trình phát triển, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, văn minh... Riêng với khu vực đồng bằng ven biển - vùng kinh tế động lực của tỉnh, định hướng chính sẽ là phát triển đô thị gắn với các trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình phát triển, chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Tất nhiên, để giải được bài toán phát triển đô thị trong tương lai, cần phải có những “phương trình” chính xác, khoa học; trong đó có những “phép tính” nhỏ phù hợp và riêng cho từng giai đoạn, từng khu vực cụ thể. Chẳng hạn, với các đô thị hiện hữu, gắn với việc mở rộng, nâng cấp thì còn phải cải tạo - ít nhất là cải tạo để kết nối và đồng bộ hóa hạ tầng. Như ở TP.Tam Kỳ hiện nay, hạ tầng giao thông, kiến trúc và cảnh quan của một số khu dân cư vẫn còn khá xập xệ, thiếu hướng kết nối với các khu vực chung quanh, gây nên sự bức bí, nham nhở, làm xấu đi không gian chung của đô thị. Để Tam Kỳ trở nên hiện đại, xanh - sạch - đẹp, văn minh, một trong những việc cần làm sớm là khắc phục cho được sự lệch pha ấy... Ngoài ra, trong quá trình mở rộng, nâng cấp, cải tạo đô thị nói chung, việc “làm mới” là cần thiết nhưng phải tôn trọng hiện trạng, giữ lại những không gian kiến trúc vốn đã là đặc trưng của mỗi đô thị hay của các khu vực cụ thể của từng đô thị cụ thể. Chỉ khi làm được việc ấy mới hy vọng có được một gương mặt đô thị có tổng quan kiến trúc mang tính đặc trưng, gần gũi, phù hợp với đặc thù văn hóa, tập quán của người Quảng Nam... như mong muốn.
Đô thị của tương lai
Với các đô thị mới hình thành hoặc những khu vực đô thị mở rộng, trong khi quy hoạch phải tận dụng cho được ưu thế về không gian, mặt bằng, nên tránh tình trạng “ngang ngay sổ thẳng”, giải tỏa trắng để sau đó làm mới lại hoàn toàn. Nói cách khác, nên tận dụng, nương theo, dựa vào cảnh quan, địa hình, địa vật, địa thế có sẵn để quy hoạch mới, vừa có thể giảm bớt chi phí giải tỏa bồi thường, giảm bớt các tác động tiêu cực đến dân sinh vừa có thể tạo nên được những “quãng lặng” cần thiết cho đô thị. Triệt hạ cây xanh, san lấp sông ngòi, ao hồ... có thể tạo ra mặt bằng rộng cho việc phân lô, xây dựng hạ tầng, song các hệ lụy về xã hội, về cảnh quan, môi trường cũng chắc chắn là không nhỏ. Khi đó, phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng đô thị sinh thái, nhân văn, thân thiện với môi trường. Trong quá trình quy hoạch đô thị, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nội vùng, nhất thiết phải tính đến liên kết ngoại vùng, bao gồm liên kết về hạ tầng kỹ thuật lẫn liên kết về hạ tầng xã hội. Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại của mỗi đô thị sẽ chỉ phát huy tác dụng một khi nó có sự kết nối với bên ngoài, khi nó là nơi quy tụ của một cộng đồng dân cư thân thiện, nhân ái, có ý thức thị dân đầy đủ.
Phát triển đô thị xanh, sạch, hiện đại, năng động, thân thiện, sinh thái, nhân văn... là mục tiêu ưu tiên. Và, gắn với từng mục tiêu vừa cụ thể vừa bao quát ấy là một loạt vấn đề “chỉ phát sinh khi hình thành đô thị” cần phải được dự báo chính xác để có cách giải quyết tốt nhất. Nhỏ, như việc xử lý rác thải: Có phải mỗi đoạn đường chỉ cần đặt một thùng rác là xong? Vấn đề là làm thế nào để nơi đặt thùng thu rác không trở thành... bãi rác như đã xảy ra ở nhiều nơi.
Để có được đô thị xanh, thân thiện thì phải giải quyết thế nào khi mà mọi công sở, mọi ngôi nhà đều tường cao cổng kín với bê tông và sắt thép? Ở thành phố Bắc Ninh của tỉnh Bắc Ninh, từ nhiều năm nay tất cả công sở đều không dùng tường rào cứng, thay vào đó là tường rào cây xanh. Đây là một gợi ý có thể tham khảo... Cũng vậy, việc xây dựng “làng trong phố” là một ý tưởng hay, rất “xanh”, nhưng cần sớm định hình “làng” ấy phải như thế nào để nó không làm xấu đi hay phá vỡ các giá trị mặc nhiên của “phố”. Trong tương lai, sẽ có những đô thị, những khu phố đặc thù, dành riêng cho các nhóm cư dân khác nhau, chẳng hạn các khu đô thị cao cấp ven biển dành cho dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Nhưng cùng với đó, phải có và tất yếu có các khu phố, các đô thị có sự cộng cư lớn về thành phần xã hội. Hình thành nên đô thị hài hòa, đa dạng, tránh tình trạng phân tầng xã hội... do vậy cũng là điều phải được tính đến.