Đầu tư hạ tầng ở Đông Giang
Hệ thống hạ tầng của huyện Đông Giang đã đổi thay thấy rõ, khi nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn được quan tâm đầu tư.
Chuyển biến
Trong tháng 3 này, Trường THCS bán trú Trần Phú (xã Mà Cooih) sẽ được sử dụng một số hạng mục mới về cơ sở vật chất, sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng. Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Đông Giang cho hay, công trình thực hiện tại Trường THCS bán trú Trần Phú được chuyển tiếp từ năm 2019. Như vậy, trước khi bước qua năm 2020, hạng mục sửa chữa nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục hoàn thành ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Đông Giang (thị trấn Prao), Trường Tiểu học và THCS xã Tư, Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Tư), Trường Tiểu học A Rooi (xã A Rooi). Tổng mức đầu tư cho 5 trường vừa đề cập khoảng 12 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục tỉnh cấp hằng năm.
Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đinh Văn Hươm chia sẻ, ngoài giáo dục, địa phương còn huy động các nguồn lực tập trung thực hiện kết cấu hạ tầng các lĩnh vực khác. Riêng năm 2019, tổng vốn dành cho công tác xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung khoảng gần 212,2 tỷ đồng.
Tháng 12.2018, dự án đường giao thông Prao - Tà Lu - Zà Hung chính thức được khởi công xây dựng với tổng chiều dài 6,7km, mặt cắt ngang rộng 6,5m (mặt đường rộng 5,5m). Công trình có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, trong đó Đông Giang đối ứng 6 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, còn lại ngân sách tỉnh hỗ trợ. Dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành cung đường mang mục tiêu rút ngắn khoảng cách từ trung tâm huyện lỵ với xã Zà Hung, phục vụ giãn dân, tạo thuận lợi phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện Đề án kiên cố hóa mặt đường huyện (ĐH) của tỉnh, năm 2019, tuyến ĐH5.ĐG qua địa bàn xã A Rooi được đầu tư kiên cố đoạn dài 2,79km với chiều rộng 5,5m; kinh phí gần 8,5 tỷ đồng (tỉnh hỗ trợ 80%, huyện đối ứng 20%). Ở xã Tư, bề mặt tuyến đường ĐH1.ĐG qua trung tâm xã tiếp tục được thi công, tạo điều kiện về đích xã nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Đức Huy - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang, nhờ có đề án vừa nêu, giai đoạn 2015 - 2020 địa phương kiên cố hóa 26,12km, tổng mức 65,1 tỷ đồng. Cùng với đó, Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh tiếp tục hỗ trợ kiên cố hóa 12,91km (kinh phí 11 tỷ đồng) đã làm thay đổi diện mạo của các thôn trên địa bàn.
Nhiều hạng mục cần đầu tư
Được biết, Đông Giang đang lập các thủ tục đầu tư và sẽ khởi công tuyến giao thông nội thị thị trấn Prao vào đầu quý II-2020. Công trình có tổng mức 80 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 56 tỷ đồng. Một vài dự án khác cũng được tỉnh quan tâm đưa vào kế hoạch trung hạn để bố trí vốn hỗ trợ thực hiện. Điển hình là kiên cố hóa mặt đường ĐH (còn 110,53km chưa được đầu tư) và phát triển GTNT. Ngược lại, một số tuyến ĐH và GTNT làm từ trước năm 2010 có khổ đường nhỏ, không đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn của nhân dân và hiện đã hư hỏng, xuống cấp cần phải được đầu tư.
Bên cạnh đó, Đông Giang kiến nghị tỉnh tiếp tục xây dựng các đề án kiên cố hóa ĐH và phát triển GTNT giai đoạn 2021 - 2025 để tháo điểm nghẽn. Trong đó ưu tiên xem xét bổ sung danh mục, khối lượng kiên cố hóa mặt đường ĐH năm 2020 cho 3 tuyến đường gồm ĐH1.ĐG, ĐH5.ĐG và ĐH12.ĐG để thi công tổng cộng 8,11km chiều dài còn lại chưa đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Huy chia sẻ, đây là những tuyến đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, mang tính kết nối liên xã, liên vùng. Các đoạn còn lại trên 3 tuyến là nền đất nên đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Huyện miền núi Đông Giang đã quy hoạch các vùng sản xuất rừng gỗ lớn và phát triển cây dược liệu (15 tuyến đường, dài 47,3km), nhưng kinh phí đầu tư nằm ngoài khả năng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh kiến nghị cấp trên bố trí nguồn lực làm các tuyến giao thông vào vùng nguyên liệu. Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục nâng cấp, mở rộng đoạn đường An Điềm - A Sờ, thuộc tuyến ĐT609 nối dài hiện quá chật hẹp, mất an toàn giao thông. Để tạo điều kiện cho Đông Giang phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, địa phương rất mong tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao, Công viên văn hóa Cơ Tu. Đồng thời, đầu tư hệ thống nước sạch tại các xã, làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho 34 thôn sau khi đã sáp nhập xong.
Cạnh đó, hỗ trợ nguồn lực xây dựng trụ sở làm việc xã Mà Cooih đã bố trí mặt bằng, song chưa có kinh phí thực hiện. Việc bố trí vốn để triển khai trường chuẩn theo lộ trình cần tiếp tục phân bổ.
Cũng theo ông Hồ Quang Minh, huyện đã sử dụng hết công suất nguồn điện hiện có. Vì vậy cần sớm lắp đặt một trạm điện hạ thế tại xã Mà Cooih để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng không chỉ trên địa bàn Đông Giang mà cho cả huyện Tây Giang lân cận.