Nhức nhối tai nạn giao thông

CÔNG TÚ 15/01/2019 05:37

Ngoài ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông, hạ tầng chưa tương xứng cũng là tác nhân quan trọng khiến số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) năm 2018 gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Quốc lộ 1 qua địa bàn Quế Sơn không có làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ. Ảnh: C.T
Quốc lộ 1 qua địa bàn Quế Sơn không có làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ. Ảnh: C.T

Ý thức chưa cao

Thống kê năm 2018, Quảng Nam xảy ra 235 vụ TNGT khiến 162 nạn nhân vĩnh viễn không bao giờ được trở về. Chưa kể, thân nhân gia đình của họ và cộng đồng phải chăm lo cho 216 người bị thương tật nặng; thiệt hại về tài sản không hề nhỏ. So với năm 2017, người chết tăng 5,2% đã phá vỡ mục tiêu kiềm chế và kéo giảm quan trọng nhất. Trong đó, đường bộ xảy ra 228 vụ (7 vụ liên quan đến trẻ em), làm chết 155 người và bị thương 216 người. TNGT đường sắt xảy ra 7 vụ khiến 7 người tử vong. Đáng chú ý, nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ và đường sắt đều tăng (đường bộ tăng 6, đường sắt tăng 2). Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho rằng, vấn nạn thương tâm ập đến phần nhiều xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT kém của một bộ phận người dân. Thống kê chứng minh, các vụ TNGT xảy ra do đi sai làn đường, phần đường; chuyển hướng và vượt xe sai quy định; lỗi quy trình, thao tác của lái xe; tránh xe; không nhường đường; vi phạm tốc độ; do người đi bộ và các nguyên nhân khác.

Trên tuyến quốc lộ (QL) 1, hàng ngày người điều khiển xe máy, xe thô sơ đi ngược chiều xe chạy để tránh vòng qua dải phân cách, người đi bộ không đi vào vệt dành cho người đi bộ mà leo trèo qua giải phân cách rất nguy hiểm diễn ra nhan nhản. Mặc dù Tỉnh ủy đã chỉ đạo xử lý kiên quyết, chính quyền địa phương chưa thể dẹp được cảnh người dân xã Bình Phục (Thăng Bình) “bám” hành lang huyết mạch quốc gia để bán ốc. Họp chợ lấn chiếm lòng đường, ngay trên làn xe ô tô chạy với tốc độ cao xuất hiện ở nhiều tuyến đường. Thanh thiếu nhi chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe máy dẫn đến xảy ra sự cố thương tâm. Bến đò ngang không phép, ghe thuyền có gắn động cơ chưa đăng ký, đăng kiểm ngang nhiên hoạt động trước sự thờ ơ của chính quyền sở tại. Cạnh đó, Ban ATGT tỉnh thừa nhận công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa nghiêm, hiệu quả răn đe và giáo dục thấp, tạo cho người tham gia giao thông tâm lý chủ quan, “nhờn luật”.

Tác nhân hạ tầng

Thống kê đáng báo động từ Ủy ban ATGT quốc gia: TNGT do lái xe ô tô gây ra tăng cao so với cùng kỳ năm 2017, chiếm trên 33%. Tỷ lệ TNGT do người điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp điện chiếm hơn 60%; trong khi người đi mô tô, xe máy bị thương vong chiếm hơn 85% tổng số nạn nhân TNGT đường bộ. Mô tô, xe máy sở hữu tỷ lệ hành khách bị tử vong do TNGT cao nhất với mức nguy hiểm cao gấp 4 lần ô tô con, 10 lần xe buýt, 13 lần tàu điện đô thị… Khoảng 70 - 80% vụ tai nạn mô tô, xe máy do các hành vi nguy hiểm của người điều khiển.

Một trong những nguyên nhân làm gia tăng TNGT phải kể đến hạn chế của kết cấu hạ tầng giao thông. Thống kê cho hay, các vụ xảy ra trên các tuyến QL chiếm 105 vụ; các tuyến tỉnh lộ 50 vụ; các tuyến đường nội thị 33 vụ; đường giao thông nông thôn 20 vụ và các tuyến đường khác 20 vụ. Như vậy, TNGT chủ yếu xảy ra ở những tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao, gồm QL và tỉnh lộ. Bên cạnh đó, các địa phương có tuyến QL1 đi qua càng dài thì TNGT càng nhiều. Đơn cử, địa phận Điện Bàn xảy ra 43 vụ khiến 43 người chết và 37 người bị thương; Thăng Bình 35 vụ, 23 người chết và 38 người bị thương; Núi Thành 40 vụ, 15 người chết và 45 người bị thương hay Duy Xuyên xảy ra 13 vụ làm 11 người chết và 13 người bị thương. Nhiều cung đường có bề mặt hẹp, lưu thông hỗn hợp; một số tuyến không có dải phân cách, không có làn đường dành riêng cho mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ; lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao dẫn đến tình trạng lái xe đi không đúng phần đường; tránh, vượt sai quy định.

Với QL1, tuyến này còn đó một số đoạn tránh chưa được mở rộng, chưa có dải phân cách giữa. Đoạn qua các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh chỉ rộng 16,5m, không có làn xe thô sơ nên gây khó khi tránh xe, vượt xe, cộng với lưu lượng phương tiện tăng cao cũng là nguyên nhân chính làm tăng trở lại TNGT trên QL1. Đường sắt qua địa bàn tỉnh có 61 đường ngang và 76 lối đi dân sinh. Trong đó, nhiều đường ngang có mặt đường, tấm đan trong phạm vi đường sắt bị hư hỏng; nhiều đường ngang chưa có gác chắn hoặc cần chắn tự động, việc làm đường gom để xóa lối đi dân sinh gặp khó về kinh phí. Theo ông Lê Văn Sinh, một nguyên nhân khác là do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, làm cho tính phức tạp về giao thông trên các tuyến đường đi qua khu đông dân cư càng tăng. Đơn cử, người dân sống hai bên đường thường xuyên qua lại bất tuân quy tắc; xe máy, xe thô sơ đi lại nhiều; buôn bán dọc đường, hành lang giao thông hầu như không có và đây cũng là nguyên nhân khiến TNGT thường xuyên xảy ra. Chưa kể, Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ lưu hành của phương tiện cơ giới tham gia giao thông đã cho phép nâng tốc độ lưu thông của nhiều loại xe lên cao hơn 10km/h so với trước đây, dẫn đến TNGT vì nguyên nhân này có chiều hướng gia tăng.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ