Hạ tầng giao thông ở quế sơn

CÔNG TÚ 28/08/2018 07:20

Đường qua huyện Quế Sơn, mương thoát nước, làn dành cho xe máy và thô sơ thiếu hoặc không có; một số trục đối ngoại huyết mạch chưa đầu tư mở rộng, xây mới mà trọng tâm là cầu qua sông khiến cho va chạm dễ xảy ra, hiệu quả khai thác giảm rõ rệt.

Cầu Rù Rì chật hẹp, bị chia cắt vào mùa mưa lũ. Ảnh: C.TÚ
Cầu Rù Rì chật hẹp, bị chia cắt vào mùa mưa lũ. Ảnh: C.TÚ

Nỗ lực từ nhiều phía

Trên địa bàn Quế Sơn, Trung ương đang quản lý 2 trục dọc chiến lược quốc gia với quốc lộ (QL) 1 có chiều dài 8,5km và đường cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi dài 10,2km. Trước tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) trên QL1, đặc biệt là 2 “điểm đen” phía nam cầu Bà Rén và phía bắc cầu Hương An, địa phương tích cực làm việc, đề xuất với Cục Quản lý đường bộ III, Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu và đã lắp đặt hệ thống đèn giao thông. Cho nên, tai nạn tại 2 “điểm đen” vừa nêu được kiềm chế, giảm thiểu. Xuất phát từ ngã ba Hương An, tỉnh lộ (ĐT) 611 được đầu tư nâng cấp, mở rộng kéo dài lên tận địa phận huyện Nông Sơn (qua Quế Sơn dài 35,25km). Vẫn phạm vi tỉnh quản lý, ĐT611B liên thông trực tiếp tại trung tâm huyện lỵ - thị trấn Đông Phú, kết nối vào QL14E tại huyện Hiệp Đức. Nhưng qua quá trình khai thác, ĐT611 xuất hiện “ổ gà” do bề mặt một số điểm hư hỏng, mương thoát nước dọc chưa có khiến nước ứ đọng tràn lan. Theo ông Dương Ngọc Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Quế Sơn, địa phương kiến nghị và Sở GTVT bố trí vốn bổ sung hệ thống mương thoát nước dọc được một số đoạn qua khu dân cư các xã Hương An, Quế Thuận, Quế Long; triển khai kịp thời duy tu bảo dưỡng tuyến đường.

Bên cạnh đó, Quế Sơn huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Điển hình trên tuyến ĐH30.QS, công trình cầu An Phú (xã Hương An) và đường dẫn vào cầu đã triển khai hoàn thành với tổng kinh phí 41 tỷ đồng. Rõ nét nhất trong đầu tư cho hạ tầng “đi trước một bước” đó chính là thành quả thực hiện các đề án kiên cố mặt đường huyện (ĐH), phát triển giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ông Dương Ngọc Hoàng cho hay, tổng chiều dài ĐH trên địa bàn chiếm 193km. Chỉ tính riêng 3 năm qua, huyện tập trung xây dựng mới, nâng cấp 33,69km với tổng mức đầu tư 82,36 tỷ đồng. Vì vậy, đường ĐH đến nay được kiên cố hóa đạt 155,86km (chiếm 80,76%). Trong khi đó, hệ thống giao thông nông thôn, đường dân sinh là 698,71km. Qua 3 năm gần nhất, địa phương tiếp tục có 41,521km được đầu tư, nâng tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn đã bê tông hóa lên 457,70km (đạt 65,51%).

Nhiều hạn chế

Trăn trở nhất của Quế Sơn chính là nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông. Theo thống kê mới nhất, nguồn thu tại huyện (kể cả tỉnh cân đối lại) chỉ hơn 84 tỷ đồng/năm. Chính vì vậy, bản thân nội lực dù đã cố gắng hết mức song nhiều trục giao thông quan trọng vẫn trong tình trạng lỡ dở, không phát huy hết tiềm năng vốn có. Ông Trần Văn Noa đơn cử, tuyến ĐH21.QS dài 22km, chạy dọc theo sông Ly Ly có một số đoạn còn mặt đường đất, hoặc quy mô chật hẹp như giao thông nông thôn mặc dù đi qua thị trấn Đông Phú, các xã Quế Châu, Quế Thuận, Phú Thọ, Quế Cường, Hương An, tiệm cận khu công nghiệp Đông Quế Sơn và kết nối vào ĐT613 (Thăng Bình). Để phát triển vùng nguyên liệu, khai thác và vận chuyển về xuôi cung cấp cho khu công nghiệp Đông Quế Sơn; đồng thời phục vụ chiến lược sắp xếp, bố trí lại dân cư thì việc đầu tư nâng cấp, mở rộng ĐH21.QS là rất cần thiết.

Thuộc dự án mở rộng thành phần 1, QL1 qua địa phận Quế Sơn cùng chịu chung cảnh ngộ với các huyện bạn khi bề mặt ngoài đô thị thiếu làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ. Điều này không chỉ gây mất ATGT, việc phương tiện, nhất là xe trọng tải lớn cứ tăng, giảm tốc liên tục để “thích ứng” từng biển báo tốc độ một phần nào đó ảnh hưởng xấu đến bề mặt đường. Vì vậy, việc khẩn trương nghiên cứu mở rộng vị trí dễ khai phóng mặt bằng như Bộ GTVT từng cam kết là rất cấp thiết. Tại ngã ba Hương An (giao giữa QL1 cũ với ĐT611), Sở GTVT nên thu hẹp đảo giao thông lại để nới rộng làn đường bên trái tuyến ĐT611 cho xe cộ lên - xuống thuận tiện. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không bố trí điểm kết nối (nút giao) trên địa bàn Quế Sơn, nhưng có một trạm dừng nghỉ phục vụ cho quá trình khai thác công trình về sau. “Một đường gom dân sinh bắt nguồn từ trục ĐH01.QS dọc theo cao tốc, hướng về nam nhằm kết nối QL14E tại Thăng Bình hình thành. Do đó, Quế Sơn từng kiến nghị chủ đầu tư dự án cao tốc mở rộng mặt cắt đường gom nêu trên” - Phó Chủ tịch UBND huyện  Quế Sơn Trần Văn Noa chia sẻ. Nếu được như vậy, ô tô gần trung tâm huyện lỵ muốn sử dụng đường cao tốc sẽ lưu thông bằng đường gom, đến QL14E rồi nhập vào nút giao Hà Lam (xã Bình Quý, Thăng Bình) dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Kết nối lý trình km16+000 của ĐT611, tiến qua giáp xã Bình Lãnh (Thăng Bình), ĐH08.QS chưa phát huy hết công năng của một trục giao thông đối ngoại. Chưa kể vào mùa mưa, người tham gia giao thông không thể qua lại cầu Rù Rì trên tuyến do nước ngập sâu. Ghi nhận của PV Báo Quảng Nam, Rù Rì không khác gì cầu tràn, nhưng còn “đón” lưu lượng lớn xe cộ của người dân các xã phía tây Tiên Phước, tây Thăng Bình. Mặt cắt cầu vượt sông Ly Ly vừa nêu hẹp đến nỗi khi một ô tô tải nhẹ đi qua thì ô tô khác đành đứng lại nhường đường. Quế Sơn sở hữu tuyến giao thông huyết mạch khác là ĐH27.QS. Nếu xây dựng cầu Bến Đò May (địa điểm xã Quế Châu) nối đôi bờ sông Ly Ly, cung đường sẽ hanh thông qua ĐH15.TB của Thăng Bình (địa bàn xã Bình Trị). Đến lúc đó, một trục giao thông đối ngoại khác nối liền Quế Sơn - Thăng Bình hình thành, mở ra thêm cơ hội đổi đời cho những vùng đất nghèo khó này. “Với tài chính hạn hẹp, nhân dân và cán bộ huyện Quế Sơn nói riêng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực từ các cấp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông” - ông Trần Văn Noa kiến nghị.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ