Hệ lụy của đường xấu

CÔNG TÚ 14/08/2018 08:52

(QNO) - Ở huyện Đại Lộc, tuyến đường nội thị qua tổ 1 và tổ 2 của khu 4, thị trấn Ái Nghĩa liên thông với xã Đại Hiệp bị xuống cấp nghiêm trọng, kéo theo cảnh quan nhếch nhác, ô nhiễm không xứng tầm hạ tầng giao thông đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 4.

Nền đường bị sụt lún nặng. Ảnh: CT
Nền đường bị sụt lún nặng. Ảnh: C.T

Về thị trấn Ái Nghĩa, nếu dò hỏi hạ tầng giao thông nội thị qua khu vực nào xấu nhất thì nhiều người dân nơi đây không ngần ngại trả lời: Cung đường liên thông tổ 1 và tổ 2. Chưa kể đoạn tuyến qua khu vực sản xuất của xã Đại Hiệp, cung đường này dài khoảng gần 700m, kết nối trực tiếp với tỉnh lộ (ĐT) 609B, đoạn ngã ba Hòa Đông - ngã tư Ái Nghĩa (đường Quang Trung).

Theo ông Đoàn Ngọc Quê - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu 4 kiêm Tổ trưởng tổ đoàn kết số 1, cách đây hơn 20 năm đây là đường đất. Vì nhu cầu đi lại sinh hoạt, học tập và phục vụ sản xuất, gần 100 hộ dân của 2 tổ đã đóng góp công sức, tiền của đổ bề mặt bê tông xi măng rộng 1,2m. Năm 2002, thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân hăng hái đối ứng cát, sạn, nhân công. Nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, cây cối, vật kiến trúc để đầu tư mở rộng nền đường (một phần trên nền cũ) ra thành 3m. “Kẹp” bên đường bê tông phẳng lì là con mương dẫn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp chạy dọc theo.

Từng mảng bê tông bị bong tróc. Ảnh: CT
Từng mảng bê tông to tướng bị bong tróc. Ảnh: C.T

Cũng như phần lớn các địa phương khác trên địa bàn Quảng Nam, việc triển khai đầu tư ban đầu, đặc biệt là nền đường lúc đó chưa được lu lèn kỹ do thiếu phương tiện cơ giới chính là hạn chế đáng kể làm giảm tuổi thọ công trình.

Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân cốt yếu mà bởi nhu cầu sử dụng cung đường ngày càng tăng từ phía nhân dân không chỉ riêng tổ 1 và tổ 2. Xe tải chuyên chở vật liệu phục vụ công trình xây dựng tư nhân, giao thương nông sản hàng hóa, nhu yếu phẩm lưu thông không phải là ít. Cộng thêm vùng này thấp, nước từ sông Ái Nghĩa vào mùa mưa lũ thường xuyên tràn vào, có thời điểm ngâm thời gian dài đã gây xói lở nền, mục nát lớp bê tông xi măng.

Ghi nhận hiện trạng, nền đường qua tổ 1 có đoạn dài chừng 30m bị sụt lún gần một nửa bề rộng. Tại tổ 2, lớp bê tông xi măng dày cộm một số đoạn bị bong tróc, tạo nên chỗ lõm chỗ lồi rất nguy hiểm. Nhiều điểm trên tuyến bề mặt nát tương, chỉ còn trơ nền đất. Cây cối mọc um tùm trông khá u ám.

Con đường có khá đông người qua lại nhưng chật hẹp, xuống cấp. Ảnh: CT
Con đường có khá đông người qua lại nhưng chật hẹp, xuống cấp. Ảnh: C.T

Người dân nơi đây cho biết, họ đã gom góp sửa chữa những vị trí hư hỏng, song chỉ được thời gian ngắn thì tình trạng tồi tệ hơn. Người tham gia giao thông, đặc biệt là học sinh thường xuyên bị lạc tay lái do vấp, rồi té ngã gây chấn thương.

Đoạn qua tổ 1, bệnh nhân cần chuyển đến bệnh viện nhanh nhưng xe cấp cứu tiếp cận không được vì nền đường ngon trớn chỉ còn rộng hơn 1m. Nền đường hư hỏng “kéo” mương thoát nước cũng bị đổ theo. Rác trôi ứ đọng lại, cứ thế gây nghẹt cống làm bốc mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Nước tưới phục vụ sản xuất không đến được cuối tuyến.

“Đường sá như thế thì rất khó để dọn dẹp vệ sinh cho gọn gàng, sạch đẹp được. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với cấp thẩm quyền xin đầu tư lại, mở rộng nền đường ra nhưng chưa được toại nguyện” - bà Trương Thị Hoa, một người dân trú tổ 2 trải lòng.

Nhiều vị trí cả bề mặt nền đường bị nát. Ảnh: CT
Nhiều vị trí cả bề mặt nền đường bị nát. Ảnh: C.T

Người dân địa phương cho hay, cách đây hơn 2 năm, có mấy người về ngắm nghía, đo đạc. Sau đó, nghe thông tin con đường sẽ được đầu tư mở rộng. Nhưng mãi từ đó cho đến nay, họ vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa - ông Hứa Văn Hùng chia sẻ, thực trạng con đường liên thông từ ĐT609B, qua tổ 1 và tổ 2 đến xã Đại Hiệp là nỗi bức xúc của nhân dân bao năm rồi. Bà con cũng đã thường xuyên kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri, kể cả HĐND cấp tỉnh. Lãnh đạo địa phương nắm rõ và rất trăn trở trước tình cảnh trên, nhiều lần xin hỗ trợ kinh phí để làm nhưng chưa được. Không như các xã xây dựng nông thôn mới, thị trấn không có nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông nói riêng.

Đường nội thị nhưng trông khá nhếch nhác. Ảnh: CT
Đường nội thị nhưng trông khá nhếch nhác. Ảnh: C.T

Ông Hứa Văn Hùng nói: “Rất mong có sự quan tâm của cấp trên đầu tư xây dựng lại con đường qua tổ 1 và tổ 2, phục vụ nhu cầu không chỉ riêng cho thị trấn Ái Nghĩa. Do nguồn lực có hạn, ngay cả tuyến ĐH1.ĐL (đường Huỳnh Ngọc Huệ), kết nối trực tiếp ĐT609 và ĐT609B, trục giao thông huyết mạch qua trung tâm hành chính thị trấn này cần được mở rộng, song nhiều năm qua bỏ ngỏ thời điểm thi công”.

Thị trấn Ái Nghĩa đang nỗ lực xây dựng hướng đạt các tiêu chí nhằm được công nhận đạt đô thị loại 4. Tuy nhiên, mục tiêu trên khó mà thành công khi đường sá lại đang là “điểm nghẽn” cản trở lưu thông.   

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ