Thi công đường nối quốc lộ 1 lên cao tốc: Trở ngại do mặt bằng
Tiến độ thi công dự án đường nối từ quốc lộ 1 (tại ngã ba Cây Cốc, Thăng Bình) đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với quốc lộ 14E tiếp tục đối mặt nguy cơ bị chậm do trở ngại mặt bằng.
Nhà thầu đang thi công nút giao giữa dự án với QL 1. Ảnh: C.T |
Thi công hết mặt bằng
Dự án đường nối từ quốc lộ (QL) 1 (tại ngã ba Cây Cốc) đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL 14E có tổng chiều dài tuyến 3,8km, qua địa bàn thị trấn Hà Lam và xã Bình Quý của huyện Thăng Bình. Trong đó, đoạn đi theo đường cũ QL 14E dài 1,2km, còn lại đi theo tuyến mới. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đại diện chủ đầu tư) - ông Trần Cảnh Hà thông tin, công trình này do Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 80,16 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng chiếm 42,51 tỷ đồng.
Liên danh nhà thầu là Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam (đảm nhận 1,8km) và Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam (thực hiện 2km). Hợp đồng ký kết có thời hạn 24 tháng, kể từ ngày 3.11.2016 và kết thúc ngày 3.11.2018. Đi thực địa trên công trường tuần qua, PV Báo Quảng Nam nhận thấy vị trí có mặt bằng sạch được liên danh nhà thầu triển khai thi công xong. Năm vị trí mới bàn giao mặt bằng nằm rải rác dài tổng cộng chừng 100m cũng đã hoàn thiện phần móng, nền đường. Kỹ sư Trần Quốc Thịnh - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) cho hay, đơn vị thi công tiến hành thảm nhựa đảm bảo trước dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 tại những đoạn có mặt bằng sạch.
Thống kê đến cuối tuần qua, đại diện chủ đầu tư và liên danh nhà thầu nhận được tổng cộng 3,6/3,8km chiều dài mặt bằng toàn tuyến. Giá trị thực hiện thời điểm nêu trên đạt gần 70% khối lượng thực tế. Trên công trường vừa khai thác vừa thi công này, công nhân Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam đang thực hiện móng, nền đường ở nút giao giữa dự án với QL 1 tại ngã ba Cây Cốc. Khi có mặt bằng sạch, nhà thầu nhanh chóng hoàn thiện lớp cấp phối đá dăm cuối cùng, sẵn sàng cho khâu thảm bê tông nhựa. Những vị trí xong hạng mục thảm bê tông nhựa trùng QL 14E, công nhân của nhà thầu này đang khẩn trương làm hạng mục bó vỉa vỉa hè... “Nhiều địa điểm nhận bàn giao mặt bằng sạch theo kiểu dích dắc, song đáng mừng là liên danh nhà thầu không ngại tập kết phương tiện, máy móc thi công ngay, kể cả thảm bê tông nhựa” - kỹ sư Trần Quốc Thịnh chia sẻ.
Nguy cơ chậm tiến độ
Đường nối QL 1 lên cao tốc là đường cấp III đồng bằng; mặt cắt ngang đường 12m với mặt đường 7m (mặt đường bê tông nhựa cấp cao A1), lề đường 2x2,5m. Công trình hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thăng Bình nói riêng và khu vực vùng đông của tỉnh nói chung. |
Còn nhớ năm 2017, khi đi kiểm tra thực địa công trường thi công dự án đường nối từ QL 1 (tại ngã ba Cây Cốc) đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL 14E nói riêng, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thúc đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa vào sử dụng trước ngày 30.4. Tuy nhiên, do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, công trình không thể về đích như dự kiến. Đại diện chủ đầu tư tiếp tục đặt ra mục tiêu cuối tháng 6.2018 phải hoàn thành công trình. Và tháng 4 vừa qua, trong báo cáo gửi cấp có thẩm quyền, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, dự án đang gặp phải nhiều tồn tại, vướng mắc về mặt bằng liên quan đến tháo gỡ ách tắc đất hành lang giao thông, người dân không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vì cho rằng giá thấp, một số hộ thuộc giai đoạn lập hoặc trình thẩm định phương án bồi thường…
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn gửi Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Thăng Bình về việc tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án đường nối từ QL 1 (tại ngã ba Cây Cốc) đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL 14E nói riêng, để kịp thời bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công hoàn thành trong quý II-2018.
Gần cuối tuần qua, toàn tuyến dài 3,8km vẫn còn 22 trường hợp chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng. Trao đổi với PV Báo Quảng Nam, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình - ông Nguyễn Đình Chi cho biết, đoạn qua địa bàn thị trấn Hà Lam đang tồn tại 14 hộ, còn xã Bình Quý là 8 hộ dân. Theo đó, 8 trường hợp tại xã Bình Quý có quyết định công khai đơn giá cho 6 hộ, 2 trường hợp đang trình hồ sơ thẩm định. Cụ thể hơn: Gia đình ông Trần Đình Hoàng yêu cầu bố trí lại đất để xây dựng cây xăng dầu, huyện sẽ giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; 4 hộ khác cho rằng giá thấp nên chưa nhận tiền; 1 trường hợp khác vướng hầm sản xuất nước đá, chủ hộ chưa tìm được địa điểm mới để xây dựng lại. Qua thị trấn Hà Lam, bên phải tuyến tồn tại 10 trường hợp và bên trái tuyến là 4 hộ khác.
Theo ông Nguyễn Đình Chi, vướng mắc chính ở đây là 4 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số trường hợp đã có “bìa đỏ” nhưng đòi bồi thường đất hành lang giao thông không hợp lý. Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình khẳng định, đơn vị đã, đang nỗ lực phối hợp với các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, giải quyết từng trường hợp tồn tại, vướng mắc. Đồng thời phối hợp với cấp ủy đảng, MTTQ, các tổ chức đoàn thể ở địa phương vận động, giải thích, yêu cầu các hộ chấp hành thực hiện bàn giao mặt bằng hoàn thành trong tháng 6 năm nay.
CÔNG TÚ