Phập phồng theo bánh tàu lăn - Bài 2: "Điểm nóng" Núi Thành
Núi Thành được xem là “điểm nóng” về mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, khi số trường hợp vi phạm cao nhất trên toàn tỉnh.
Tin liên quan
|
Bất chấp nguy hiểm, nhiều hộ dân xã Tam Nghĩa tự mở lối băng ngang qua đường sắt. Ảnh: C.TÚ |
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê cho hay, tổng cộng 7 huyện, thị xã, thành phố tồn tại 72 đường ngang dân sinh thì Núi Thành có tới 44 địa chỉ (xã Tam Nghĩa 21 vị trí). Ngoài ra, địa phương còn chiếm 31/61 đường ngang hợp pháp; trong đó có tới 8 điểm cảnh báo bằng biển báo nên độ nguy hiểm không khác gì đường ngang dân sinh.
Rộ đường dân sinh
Thực hiện Quy chế phối hợp số 12/QCPH-BGTVT-UBND ngày 25.3.2013 giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND tỉnh về bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, ngày 28.3.2017, Ban ATGT tỉnh cùng với Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị được giao quản lý đường sắt), UBND huyện Núi Thành, UBND xã Tam Xuân 2 và các cơ quan chức năng đã đến hiện trường 2 đường ngang dân sinh (bất hợp pháp) giao cắt với đường sắt tại km872+180 và km872+280 để tiến hành đóng, thu hẹp lối đi nhằm cấm ô tô qua lại. Thế nhưng khi triển khai thực hiện lại gặp khó vì sự cản trở của người dân tại tổ 4, thôn Bà Bầu (xã Tam Xuân 2). “Họ lớn tiếng khẳng định sẽ nhổ bỏ cọc, hàng rào khi nào nhà chức trách rút đi” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, ông Trương Khuê chia sẻ. Về phía người dân thì cho rằng, nếu chỉ chừa đủ chỗ xe máy lưu thông thì máy gặt, máy cày phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa sẽ bị “đắp chiếu”. Vào cuối tháng 7 vừa qua, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cùng đoàn công tác đi kiểm tra tại 2 vị trí đường ngang dân sinh nêu trên. Tại đây, ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 đề xuất nên làm cửa đóng hẹp lối đi, giao chìa khóa người có trách nhiệm trong thôn giữ để chủ động lưu thông. Đồng thời cần hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.
Tương tự, gia đình ông Ngô Văn Đại, trú thôn Định Phước (xã Tam Nghĩa) muốn ra quốc lộ 1 phải băng qua đường sắt tại lý trình km892+250, cách cổng nhà mình chừng 30m. Gia đình ông Đại “xé rào” bằng cách lót vài tấm đan bê tông ở giữa lòng và hai bên là thành lối đi dân sinh. Vợ ông Ngô Văn Đại phân trần: “Chúng tôi định cư ở đây từ năm 1979. Vài chục năm trước đã xin ngành đường sắt cho lót mấy tấm đan để qua lại gần, thuận tiện. Về sau này, bà con lân cận nhìn thấy nên mỗi hộ tự mở lối đi ngay trước cổng nhà mình ra mặt tiền quốc lộ 1 buôn bán”. Thông tin từ đơn vị quản lý đường sắt và qua quan sát của chúng tôi, phía nam và bắc cận nhà ông Ngô Văn Đại xuất hiện hàng chục vị trí băng cắt bất hợp pháp như vậy.
Ông Võ Văn Tường cho biết thêm, trường hợp mới nhất mà tuần đường phát hiện là hộ Nguyễn Minh Thế (thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa) tự ý lót đan để mở lối đi qua lý trình km892+130 để tiện chăm sóc vườn cây cảnh. Dù được vận động, nhắc nhở, gia đình vẫn không chấp hành dỡ bỏ, đơn vị bắt buộc phải lập biên bản gửi chính quyền địa phương đề nghị can thiệp. Đóng thu hẹp thì bị người dân “cưỡng chế” ngược lại. Lúc lối đi vừa manh nha lại xử lý thiếu kiên quyết, trong khi muốn xóa bỏ không hề đơn giản. Còn việc chốt gác, cảnh giới theo quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh thì huyện Núi Thành và các xã, thị trấn liên quan lại “lực bất tòng tâm”.
Liều lĩnh xâm phạm
“Điểm đen” lý trình km896+238 Ngay cạnh bên mép trái công trình vi phạm của hộ ông Châu Ngọc Phước là đường ngang hợp pháp có biển báo, nối quốc lộ 1 và tiến hướng nam đến giao nhau với đường sắt tại lý trình km896+238 trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông. Nguyên Cung trưởng cung đường Trị Bình (trực thuộc Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng) - ông Nguyễn Đức Hoàng cho hay, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại đây. Mới đây nhất vào ngày 29.3.2017, tàu hỏa đã tông xe tải đang cố tình tiến tới để vào mỏ đá, hậu quả làm tài xế Nguyễn D. (trú phường An Phú, Tam Kỳ) bị thương nặng, đầu máy xe lửa bị hư hỏng, gãy 5 thanh tà vẹt nên tàu phải chậm gần 3 giờ đồng hồ. Một “điểm đen” hiện hữu, bây giờ lại tồn tại công trình trái phép làm khuất tầm nhìn đường ngang hợp pháp km896+238. Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - an toàn, Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Nguyễn Nam Thắng cho biết, theo quy định, đường ngang hợp pháp bằng biển báo nào trong 1 năm xảy ra quá 1 vụ tai nạn sẽ phải tổ chức người cảnh giới. Chính vì vậy, đơn vị đã phải thuê người chốt gác tại đường ngang km896+238 để cảnh giới, mỗi ngày có 2 ca trực, chi phí 6 triệu đồng/tháng. |
Trên chiều dài 31km đường sắt xuyên Núi Thành, “tận dụng” đất trống nằm trong hành lang ATGT, nhiều hộ dân thiếu ý thức đã trồng cây gây khuất tầm nhìn của lái tàu. Bị che phủ về chiều cao, lại nằm điểm giao với đường ngang dân sinh tạo bẫy vô hình… vào cửa tử. Thiếu không gian để quan sát, người dân chủ quan hoặc liều lĩnh điều khiển phương tiện băng qua đường sắt đúng vào thời điểm tàu hỏa đang lao tốc độ cao không chỉ gây thương vong cho bản thân mà còn đe dọa sự an toàn của hàng trăm hành khách đi trên tàu nếu lỡ bị trật bánh khỏi đường ray. Cung trưởng Võ Văn Tường cho hay, từ khi quốc lộ 1 được mở rộng, tình trạng người dân lấn dần về phía sau nhà ở, “ăn” nham nhở vào hành lang ATGT đường sắt tại địa bàn thị trấn Núi Thành và xã Tam Nghĩa.
Chẳng hạn như ngày 18.4.2017, cung đường An Tân phát hiện hộ ông Trần Thiên Vương, trú khối phố 3 thị trấn Núi Thành đang đổ móng xây dựng hàng rào cao 1,5m, diện tích 6,45m2 vi phạm công trình đường sắt tại lý trình km888+180, cách chân nền đường là 2,7m nên đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu chủ hộ tháo dỡ và trả lại phần đất cho đường sắt. Ngay sau đó, đơn vị báo cáo cho UBND thị trấn Núi Thành đề nghị có biện pháp xử lý, song ông Vương không chấp hành và tiếp tục hoàn thiện công trình. Ngành đường sắt phải có văn bản gửi trực tiếp UBND huyện Núi Thành, rồi UBND tỉnh nhờ can thiệp. Trước đó vào ngày 8.4.2017, ông Nguyễn Thanh Tùng ở thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa tự ý xây tường gạch trên nền quán cũ tại lý trình km892+935 với diện tích 20,28m2, cách mép ray ngoài cùng 5,3m, nằm trong hành lang bảo vệ đường sắt. Cung đường An Tân lập tức lập biên bản đình chỉ, yêu cầu gia đình tháo dỡ và trả lại hiện trạng ban đầu.
“Từ đầu năm đến nay, huyện Núi Thành có hàng chục vụ vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt, hành lang ATGT đường sắt bị phát hiện, chủ yếu thuộc thị trấn Núi Thành và xã Tam Nghĩa. Nhiều vụ việc người dân không chấp hành sau khi lập biên bản, phớt lờ biện pháp xử lý của chính quyền” - một cán bộ của Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho hay. Điển hình tại lý trình km896+250, hộ ông Châu Ngọc Phước trú thôn Hòa Vân (xã Tam Nghĩa) xây móng nền bằng đá hộc cao 1,5m, dựng cột sắt và bê tông xi măng, lợp tôn và rào lưới B40 với tổng diện tích vi phạm hành lang ATGT đường sắt là 75m2 để làm gara sửa xe. Sau khi tuần đường phát hiện vào ngày 17.3.2017, đơn vị quản lý đã tiến hành lập biên bản đình chỉ và báo cáo chính quyền xã Tam Nghĩa đề nghị can thiệp. Ngoài xâm phạm hành lang ATGT, công trình hộ ông Phước xây dựng còn lấn vào phạm vi bảo vệ đường sắt đến gần 5m. Báo cáo của Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, ngày 17.5, UBND xã Tam Nghĩa phải lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt số 57/QĐ-XPVPHC. Còn nhớ tại buổi làm việc với Ban ATGT tỉnh vào cuối tháng 7, lãnh đạo UBND xã Tam Nghĩa báo cáo rằng, ông Phước cam kết sẽ tháo chiều dài 4,8m từ hàng rào lưới B40 trở vào. Nhưng theo quan sát của PV Báo Quảng Nam vào ngày 19.10, hiện trạng vẫn không thay đổi.
CÔNG TÚ
Bài cuối: Tìm lối đi an toàn