Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cần phương án khai thác hiệu quả

CÔNG TÚ 01/08/2017 08:20

Khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần đầu tư cho các tuyến liên thông nhằm tăng cường khả năng kết nối và tránh bị ùn ứ, mất an toàn là vô cùng cần thiết.

Gấp rút hoàn thiện nút giao đường cao tốc với quốc lộ 40B. Ảnh: CÔNG TÚ
Gấp rút hoàn thiện nút giao đường cao tốc với quốc lộ 40B. Ảnh: CÔNG TÚ

Nhận diện nguy cơ

Tỉnh lộ (ĐT) 609 kết nối thị xã Điện Bàn với huyện Đại Lộc có lưu lượng xe qua lại rất lớn. Đặc biệt, mỗi lần có đoàn tàu lửa đi qua, ùn tắc đã xảy ra liên tục tại phía tây và phía đông đường sắt Bắc - Nam thuộc địa phận xã Điện Phước (Điện Bàn). Trong khi đó, cầu Phong Thử cách đường sắt vài trăm mét chưa được mở rộng đã trở thành “nút thắt cổ chai”, cộng thêm người dân ra vào chợ Phong Thử khiến lưu thông diễn ra lộn xộn. Phía trên cầu Phong Thử, nút giao Mỹ Sơn (giao nhau giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với ĐT609) là địa điểm để ô tô lên - xuống khi công trình đưa vào khai thác. Phác họa sơ qua để hình dung, vào giờ cao điểm, lưu thông trên trục ĐT609, đoạn tuyến từ nút giao đường cao tốc đến đường sắt Bắc - Nam với chiều dài chưa đầy 1km sẽ phức tạp đến mức độ nào. Một điểm giao đáng chú ý là quốc lộ (QL) 14E kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại nút giao có tên Hà Lam (xã Bình Quý, Thăng Bình). Tuy nhiên, mặt đường đoạn từ km15+300 cho đến vòng xuyến đường cao tốc (km16+300) hiện còn rất chật hẹp, lồi lõm. Định vị ở giữa là đường sắt Bắc - Nam. Và như thế, đoạn tuyến này không được đầu tư mở rộng, thiếu cầu đường bộ vượt đường sắt sẽ dẫn đến nguy cơ cao mất ATGT. Điểm nghẽn trên QL14E (kết nối đường Hồ Chí Minh - QL1) khiến khả năng kết nối dự án cao tốc trở nên rời rạc.

Bắt đầu từ xã Tam Thanh (Tam Kỳ), QL40B thẳng lên tỉnh Kon Tum được xem là tuyến đường độc đạo nối trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam đến các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My. Cung đường chật hẹp, xuống cấp, có chỗ mặt đường chỉ còn khoảng 3m dẫn đến quá tải, va chạm giao thông thường xuyên xảy ra. QL40B kết nối giao thông của tỉnh với khu vực Tây Nguyên hiện phải tiếp tục gánh vác vai trò kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tại nút giao Tam Kỳ (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh). Khi đường cao tốc được đưa vào khai thác, lưu lượng xe sẽ tăng lên dẫn đến nguy cơ ùn tắc cục bộ trên tuyến, đoạn nút giao trở về hướng Tam Kỳ. Trên địa bàn huyện Núi Thành, đường nối từ cảng Tam Hiệp đến Khu công nghiệp ô tô Chu Lai Trường Hải và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là trục ngang chính phục vụ vận chuyển linh kiện, phụ tùng, vật tư và hàng hóa tại Khu liên hợp sản xuất ô tô Chu Lai Trường Hải và các nhà máy nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai. Đồng thời trên tuyến hàng ngày phục vụ hơn 9.000 cán bộ, công nhân của Công ty CP ô tô Trường Hải đi lại. Vì vậy, việc đầu tư cầu vượt trực thông tại vị trí vừa nêu là điều cần thiết để tránh xảy ra xung đột đáng tiếc, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đặc biệt là tính mạng người lao động.

Cần có giải pháp

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là trục giao thông chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Song công trình chỉ phát huy hiệu quả khi các tuyến liên thông thông suốt, an toàn. Trong lúc ĐT609, QL14E, QL40B đều kết nối liên thông với QL1. Riêng ĐT609 còn kết nối QL14B, ĐT609B - cầu Giao Thủy - ĐT610; với QL14E và QL40B đường ven biển, đường Trường Sơn Đông và đường Hồ Chí Minh. “Trước tình hình trên, Quảng Nam kiến nghị Bộ GTVT bổ sung đầu tư một số hạng mục để tăng cường kết nối, khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết. Theo đó, bộ ngành trung ương cần sớm quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến QL40B, đoạn nối từ nút giao với QL1 trên địa bàn TP.Tam Kỳ đến điểm đầu tuyến tránh thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My (lý trình km8+450-km53+554). Làm việc với đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cuối tuần qua, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu đề xuất mở rộng QL40B, đoạn từ thủy điện Sông Tranh lên trung tâm Tắc Pỏ có bề mặt quá nhỏ, hư hỏng và tồn tại đến 12 khúc cua rất nguy hiểm.

UBND tỉnh còn kiến nghị Bộ GTVT cho bổ sung đầu tư 2 cầu đường bộ vượt đường sắt Bắc - Nam tại vị trí giao cắt giữa đường sắt với QL14E và ĐT609. Được biết, Quảng Nam đang đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ QL1 đi theo QL14E đến km15+300 để kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đoạn tuyến nối từ km15+300 đến vòng xuyến đường cao tốc chưa được đầu tư. Bởi lẽ, tại vị trí giao cắt giữa đường bộ QL14E với đường sắt Bắc - Nam, Bộ GTVT đã quy hoạch xây dựng cầu đường bộ vượt đường sắt và dự kiến đầu tư từ nguồn vốn Đề án lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, dự án vẫn chưa triển khai do chưa cân đối được nguồn vốn. Trong lúc đó, tỉnh đang tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT609 nối từ QL1 đến đường cao tốc. Trên thực tế, đoạn tuyến vừa nêu đang giao cắt cùng mức với đường sắt Bắc - Nam tại lý trình đường sắt km814+012 (lý trình km7+726/ĐT609). Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho Công ty CP ô tô Trường Hải đầu tư xây dựng cầu vượt trực thông. Được biết, Công ty CP ô tô Trường Hải đề xuất phương án xây dựng cầu vượt dạng vòng xuyến với tổng mức dự toán sơ bộ khoảng 600 tỷ đồng, kinh phí do doanh nghiệp bỏ ra. Với diễn tiến trên, Quảng Nam xin Bộ GTVT thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chuyển nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã bố trí cho cầu vượt trực thông (200 tỷ đồng) sang danh mục đầu tư nâng cấp, mở rộng QL40B.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ