Chậm giải phóng mặt bằng vùng đông
Kế hoạch đến ngày 30.6.2017 sẽ hoàn tất việc quản lý hiện trạng vùng đông và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án là những yêu cầu bức thiết để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Giải phóng mặt bằng ì ạch khiến tiến độ thu hút, đầu tư của các dự án chậm trễ. TRONG ẢNH: Xây dựng khu tái định cư ở vùng đông để di dời người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ảnh: T.D |
Nhà đầu tư than phiền
Khu công nghiệp Tam Thăng phát triển với tốc độ “chóng mặt”, ngay cả ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai cũng bất ngờ. Nhưng đơn vị chủ đầu tư khu công nghiệp này đã buộc phải hãm tốc độ thu hút, từ chối nhiều dự án đầu tư vì hạ tầng đường, điện, nước chỉ đủ để phục vụ 10 nhà đầu tư hiện tại và vì lý do khác là bồi thường, giải tỏa chưa đủ đất, mặt bằng vẫn còn khá nhiều “da beo”. Ông Mindul người Sri Lanca – Giám đốc dự án Fashion Garments nói công ty đã bắt đầu xây dựng nhà máy, nhưng vướng một số hộ dân chưa thể di dời nên phải dừng dự án.
Câu chuyện vướng mắc bồi thường, giải tỏa quá nhiều năm không giải quyết nổi đã khiến Quảng Nam đang trả giá đắt cho sự ì ạch, nham nhở của các dự án đầu tư. Dễ thấy nhất khi nhìn hai hình ảnh trái ngược diễn ra hơn 40km ven biển Sơn Trà tới Hội An. Nếu như ven đường Trường Sa phía Đà Nẵng gần như các dự án đầu tư đã hoàn thành thì phía Quảng Nam vẫn còn nhiều dự án dở dang, kể cả những dự án đã được cấp phép gần 10 năm qua. Hiện chỉ có khoảng 10/33 dự án hoàn thành, khai thác. Số còn lại trở thành những dự án “treo”, lý do là thiếu mặt bằng sạch vì việc xây dựng các khu tái định cư chậm trễ. Trong vài cuộc gặp gỡ với chính quyền Quảng Nam, Giám đốc Công ty CP Hội An Thái Bình Dương - ông Nguyễn Phú Quý cho rằng thiếu đất tái định cư, địa phương chưa giao miếng đất nào thì làm sao triển khai xây dựng đầu tư, nên dự án bị “đứng bánh”. Nhiều chủ dự án đã đồng ý cắt nhỏ dự án theo đề nghị của chính quyền, nhưng rồi cũng không thực hiện được. Chỉ vì sự ì ạch của chính quyền sở tại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Ông Trịnh Anh Toàn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Toàn Phát đã “kêu cứu” lên UBND tỉnh khi 5 năm trời không thể đầu tư hoàn tất dự án nhà máy sản xuất cao su tái sinh và băng tải tại Cụm công nghiệp Đại Đồng 2 (Đại Lộc) khi địa phương mới chỉ giao khoảng 70% mặt bằng. Quá trình thi công, san lấp mặt bằng giai đoạn 1 vẫn còn tồn tại nhiều mồ mả chưa được kiểm kê, đưa vào phương án bồi thường nên đến cuối năm 2015, vẫn chưa thể quyết toán kinh phí bồi thường để lập hồ sơ thuê đất đầu tư dự án theo đúng quy định. “Nhiều lúc công ty đã có ý bỏ cuộc, không thực hiện dự án vì vướng mắc kéo dài quá nhiều năm đã làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Toàn nói.
Khó tháo gỡ
Trong một phỏng vấn về cải thiện PCI mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng chỉ cần có mặt bằng sạch thì chỉ không quá 8 tháng doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Nhưng hiện tại hàng chục dự án đắp chiếu, không thể triển khai vì thiếu mặt bằng. Thậm chí có những nhà đầu tư chân chính như các dự án ven biển phải chờ đợi đến bảy, tám năm vẫn không thể nhận được mặt bằng. Nhà đầu tư thực sự ngán ngẩm vì không biết bao giờ địa phương có thể giao mặt bằng cho họ. Chính quyền mất uy tín với nhà đầu tư.
Thực tế tình trạng giải ngân không đạt tiến độ hay các dự án chậm triển khai có một phần lỗi do cơ chế, chính sách phức tạp. Vướng mắc bồi thường, giải tỏa nhiều năm không giải nổi bởi địa phương đã không thể trả lời được câu hỏi: đất quy hoạch cho tái định cư ở đâu? Trước tình trạng này, chính quyền Quảng Nam đã đưa ra một cuộc cải cách kiên quyết và dứt khoát, rà soát lại tất cả vướng mắc của dự án để làm lành mạnh môi trường đầu tư, lấy lại uy tín từ doanh nghiệp. Chính quyền đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý… không bán hồ sơ thiết kế hay phê duyệt đấu thầu, xây lắp khi chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Văn Chúng cho rằng bổ sung thêm nhân lực địa chính cho các địa phương thì khó khăn này sẽ được giải tỏa. Hiện tại ở xã, phường chỉ có 1 cán bộ địa chính, nếu không có dự án đầu tư nào thì không gặp khó khăn gì, nhưng hễ có tác động từ các dự án thì làm sao nhân viên này có đủ khả năng để đo đạc, kiểm đếm… nên việc bàn giao mặt bằng chậm là hiển nhiên.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, tăng trưởng kinh tế hay tăng thu ngân sách cao phụ thuộc vào sự đầu tư, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể cứ chờ các cơ quan công quyền đổ trách nhiệm qua lại khi thiếu mặt bằng. Quảng Nam đã hội đủ điều kiện để trở thành một trong những vùng kinh tế động lực miền Trung nhưng giải phóng mặt bằng đang là nút thắt. Chúng ta đã làm mất lòng tin nhà đầu tư về sự yếu kém của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo ra nhiều khiếu nại, khiếu kiện. Chính điều này đã mất đi cơ hội huy động vốn. Kế hoạch đến ngày 30.6.2016 sẽ hoàn tất việc quản lý hiện trạng vùng đông. Sẽ rất khó nhưng không gì không thể khi có sự đồng lòng từ mọi cấp. Nếu không, đừng nói hay tính gì đến chuyện thu hút đầu tư và tăng trưởng.
Cam kết tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính, chuyển từ quản lý sang phục vụ, những cơ chế hấp dẫn như được quyền lựa chọn, quyết định dự án đầu tư phù hợp, đơn giá đất có kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp bằng 1/3 so với các khu vực khác hay được hỗ trợ một phần chi phí bồi thường, giải hóng mặt bằng, chi phí đào tạo lao động xây dựng nhà ở công nhân… cũng chỉ là những cải thiện nửa vời khi không thể giải quyết được bài toán cung cấp mặt bằng sạch.
TRỊNH DŨNG