Giải phóng mặt bằng dự án đường Điện Biên Phủ: Đủ kiểu ách tắc

TRẦN HỮU 14/11/2016 08:50

Dự án đường Điện Biên Phủ (TP.Tam Kỳ)  đang bắt đầu thi công, nhưng nhiều khu vực ách tắc mặt bằng và hàng chục trường hợp người dân chưa đồng ý nhận đất tái định cư.

Chưa chịu giao mặt bằng

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh TP.Tam Kỳ, dự án đường Điện Biên Phủ, kè sông Bàn Thạch (Tam Kỳ) đến nay còn vướng ít nhất 50 hộ chưa chịu nhận tiền bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) bàn giao mặt bằng, cũng như chấp nhận thỏa thuận chuyển đến tái định cư (TĐC). Tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) đường Điện Biên Phủ, đoạn từ Phan Châu Trinh đến Hùng Vương rất chậm. Các cơ quan chức năng nhiều lần làm giá đất cụ thể, giá đất thay thế với nhiều hộ bị thu hồi đất, giải tỏa trắng nên mất nhiều thời gian. Riêng đoạn đường đê Bạch Đằng đến đường Phan Châu Trinh (thuộc phường Phước Hòa), có tổng cộng 97 hộ bị ảnh hưởng (Phan Châu Trinh có 20 hộ; 61 hộ đường Trần Quốc Toản và 16 hộ kiệt hẻm của đường này). Tuy nhiên, thời điểm này còn 9 hộ chưa chịu nhận tiền BT, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Tiến độ giải phóng mặt bằng đường Điện Biên Phủ còn khá chậm. Ảnh: T.H
Tiến độ giải phóng mặt bằng đường Điện Biên Phủ còn khá chậm. Ảnh: T.H

Hộ ông Nguyễn Văn Luật (đường Phan Châu Trinh) có 2 thửa đất. Một thửa đất mặt tiền đường Phan Châu Trinh ông đã thống nhất phương án BT-HT, nhưng chưa đồng ý thu hồi thửa đất sản xuất kinh doanh còn lại. Tổng diện tích sản xuất kinh doanh của hộ ông Luật là 165m2 nhưng bị ảnh hưởng bởi dự án đường Điện Biên Phủ có 80,1m2. Để dễ quản lý hiện trạng xây dựng, thành phố chủ trương thu hồi toàn bộ diện tích còn lại. Tuy nhiên, ông Luật không đồng tình và đề nghị địa phương để lại phần diện tích 84,9m2 chưa thu hồi để gia đình tiếp tục quản lý, sử dụng. Vụ việc đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Một trường hợp khác, hộ ông Nguyễn Tá nằm trên mặt tiền đường Phan Châu Trinh cương quyết không nhận tiền BT và yêu cầu Nhà nước xem xét hỗ trợ thêm tiền di chuyển hàng hóa đến địa điểm TĐC do gia đình sống bằng nghề buôn bán kinh doanh. Ông nói: “Gia đình tôi lâu nay kinh doanh ở mặt tiền đường, giờ chưa biết vị trí đất TĐC nào thuận lợi để làm nhà và di chuyển hàng hóa. Hiện gia đình không đủ điều kiện thuê nhà mặt tiền đường Phan Châu Trinh do giá quá cao, trong khi mức BT của Nhà nước cho gia đình lại thấp”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh  TP.Tam Kỳ, đường Điện Biên Phủ ách tắc mặt bằng nằm ở đoạn Phan Châu Trinh đến Hùng Vương. Mất thời gian, công sức nhiều nhất là vận dụng giá đất cụ thể cho từng trường hợp. Dự án ban đầu phê duyệt phương án BT-HT chỉ có 260 tỷ đồng nhưng sau đó nâng lên 350 tỷ đồng.

So đo đất TĐC

Về giá đất TĐC, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho phép TP.Tam Kỳ áp dụng đơn giá đất ở dự án khu dân cư Đông Tân Thạnh và đơn giá đất ở dự án khu dân cư đường đô thị N10 được UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian theo quy định tại Quyết định số 37/2012/QĐ-UBND ngày 28.12.2012 của UBND tỉnh để tính thu tiền sử dụng đất TĐC cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng của dự án đường Điện Biên Phủ. UBND TP.Tam Kỳ chịu trách nhiệm lập đầy đủ các hồ sơ, thủ tục chuyển từ mục đích đất khai thác sang bố trí đất TĐC để thực hiện giao đất, thu tiền sử dụng đất TĐC và quyết toán tiền sử dụng đất theo đúng quy định.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.Tam Kỳ vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thống nhất chủ trương cho phép địa phương thu hồi nguyên thửa đất đối với các trường hợp có diện tích đất còn lại nằm trong vệt quy hoạch khu cảnh quan cây xanh hai bên đường Điện Biên Phủ. Thành phố chịu trách nhiệm chủ động nguồn kinh phí (không tổng hợp quyết toán chi phí bồi thường của dự án này), quản lý chặt chẽ phần diện tích đất đã thu hồi và thực hiện đảm bảo theo quy hoạch định hướng chung của thành phố đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Riêng các trường hợp có diện tích đất nuôi trồng thủy sản nằm phía bên trong kè sông Bàn Thạch (đoạn qua phường Hòa Hương) không thuộc phạm vi thu hồi đất của dự án nhưng phải lập phương án thu hồi, BT vì khi công trình hoàn thành thì người dân không thể tiếp tục sản xuất.

Hiện nay dự án đường Điện Biên Phủ rắc rối nhất nằm ở việc thỏa thuận  vị trí TĐC cho các hộ bị giải tỏa trắng. Về dự án này, thành phố có 2 khu TĐC chính là khu Đông Tân Thạnh và khu dân cư phường An Mỹ. Tại hẻm kiệt đường Nguyễn Thái Học, có 10 hộ được BT về đất ở đều kiến nghị bố trí TĐC tại khu dân cư phường An Mỹ. Các hộ này được BT với giá đất ở là hơn 1,8 triệu đồng/m2, có sự chênh lệch với đơn giá BT đường Trần Quốc Toản là hơn 2,8 triệu đồng/m2 và kiệt đường Trần Quốc Toản là gần 2 triệu đồng/m2. Các hộ dân này được địa phương đưa ra phương án bố trí đất TĐC về cầu Kỳ Phú 1, Kỳ Phú 2 và yêu cầu nộp chênh lệch về khu TĐC đường Điện Phủ. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đều không đồng ý với lý lẽ đưa ra là gia đình xưa nay sinh sống ổn định và làm việc tại địa bàn phường An Mỹ, nếu chuyển đi nơi khác sẽ làm xáo trộn cuộc sống.

Dù đã được ngành chức năng lần thứ 3 mời lên giải quyết nhưng hộ ông Nguyễn Đức Ân (phường An Mỹ) vẫn cương quyết không nhận tiền BT-HT. UBND TP.Tam Kỳ bố trí TĐC cho hộ ông tại khu dân cư Đông Tân Thạnh. Tuy nhiên, ông vẫn không thống nhất vị trí lô đất TĐC trên vì cho rằng gần miếu Đá Trắng và đề nghị chuyển đổi vị trí khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân đều muốn được bố trí đất TĐC ngay chính địa bàn mình sinh sống, làm việc, chứ không muốn “đất đổi đất” ở địa bàn thuộc phường, xã khác. Nhiều hộ đang ở nhà mặt tiền, kinh doanh ổn định lâu năm nhưng nay bố trí ở vị trí không mấy thuận lợi trong khu dân cư, nên không muốn bàn giao mặt bằng sớm. Bất hợp lý còn ở chỗ, giá đất BT mỗi nơi có sự chênh lệch nhưng khi đưa vào khu TĐC đều mua chung một giá nên khiến người dân so bì quyền lợi, khiếu nại. Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh TP.Tam Kỳ cũng thừa nhận bất cập này và đang cân nhắc tính toán phần chênh lệch đơn giá đất TĐC để đảm bảo tính công bằng. Ông  Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư TP.Tam Kỳ cho biết, đơn vị được UBND TP.Tam Kỳ giao quản lý, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC phục vụ cho dự án đường Điện Biên Phủ. Đến nay đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh TP.Tam Kỳ 200 lô đất TĐC, nhưng cơ quan này cũng mới thông báo bố trí khoảng 60 lô.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU