Triển khai giải pháp đảm bảo an toàn giao thông dịp 2.9 và khai giảng năm học mới

CÔNG TÚ 31/08/2016 14:17

(QNO) - Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 và khai giảng năm học mới 2016 - 2017, Ban ATGT tỉnh đã có văn bản đề nghị các cấp, các ngành, hội đoàn thể và cơ quan thành viên triển khai nhiều nội dung quan trọng. Cuộc trao đổi giữa PV Báo Quảng Nam với Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Trương Khuê dưới đây sẽ làm rõ hơn những yêu cầu cần phải làm ngay, góp phần kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) ở mức tối đa.

Ông Trương Khuê khẳng định, Ban ATGT các địa phương phải chủ động thực hiện đảm bảo ATGT.
Ông Trương Khuê khẳng định, Ban ATGT các địa phương cần phải chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT. Ảnh: C.TÚ

PV:Xin ông cho biết khái quát tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Trương Khuê: Những tháng đầu năm nay, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh lại diễn biến phức tạp, đặc biệt số người chết tăng cao. Cụ thể, 8 tháng qua đã xảy ra 181 vụ TNGT, làm chết 122 người và bị thương 125 người. So với cùng kỳ năm 2015, TNGT giảm 6 vụ (giảm 3,31%), giảm 31 người bị thương (giảm 19,9%), nhưng lại tăng 5 người chết (tăng 4,27%). Nguy cơ gia tăng TNGT trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 và khai giảng năm học mới 2016 - 2017 là rất đáng lo ngại, khi mà nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao, phương tiện trở nên quá tải và dễ dẫn đến va chạm trên đường với ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay.

PV:Đứng trước thực trạng ấy, Ban ATGT tỉnh đã có động thái nào nhằm phòng ngừa vấn nạn có thể bùng phát?

Ông Trương Khuê: Ban ATGT tỉnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị, các cơ quan thành viên và Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm. Ngày 23.8 vừa qua, chúng tôi nhận được Công điện Hỏa tốc số 1502/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nội dung yêu cầu triển khai những giải pháp đảm bảo trật tự ATGT dịp lễ Quốc khánh 2.9 và khai giảng năm học mới. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng cảnh sát và Công an các huyện, thị xã, thành phố tuần tra, kiểm soát liên tục, xử lý nghiêm vi phạm ATGT đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Trong đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ trên quốc lộ 1 và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đông người và phương tiện như 14B, 14E, 40B, ĐT609, ĐT609B, ĐT610... Tăng cường kiểm soát trước trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông ngày khai giảng.

Tăng cường kiểm soát tuyến du lịch đường thủy Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: C,TÚ
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động phương tiện khai thác tuyến du lịch đường thủy Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: C.TÚ

Lực lượng chức năng chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trực tiếp gây tai nạn, như: vi phạm về tốc độ, về nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ; phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm luồng tuyến, người điều khiển phương tiện chở quá tải trọng, quá chu kỳ đăng kiểm, quá niên hạn sử dụng, không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định. Phối hợp liên ngành triển khai thực hiện bảo đảm an toàn tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Bố trí nhân lực ứng trực tại khu vực giao thông phức tạp, có nguy cơ ùn tắc cao; có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, sẵn sàng giải tỏa, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố.

PV:Vấn đề quản lý về vận tải hành khách, bảo trì đường bộ đã được chỉ đạo như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Khuê: Ban ATGT tỉnh đã đề nghị cơ quan chuyên ngành là Sở Giao thông vận tải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý vận tải hành khách. Ngành chức năng đã, đang yêu cầu các chủ doanh nghiệp huy động tối đa phương tiện vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tổ chức kiểm tra phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến. Chỉ đạo lực lượng thanh tra kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm việc đón trả khách không đúng nơi quy định, nhồi nhét khách, chở quá số lượng người, quá tải trọng quy định. Ngăn chặn và xử lý triệt để chuyện chèn ép, sang nhượng hành khách, tăng giá vé trái quy định. Thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe; công bố doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xử lý ngay việc đảm bảo giao thông tại km4+250, tuyến ĐT609B bị ngập nước suốt mười mấy ngày qua. Ảnh: C.TÚ
Xử lý ngay việc đảm bảo giao thông tại km4+250, tuyến ĐT609B bị ngập nước suốt mười mấy ngày qua đã gây ô nhiễm môi trường và mất ATGT. Ảnh: C.TÚ

Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng thanh tra kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về ATGT đường thủy nội địa; các bến khách ngang sông, các điểm du lịch, lễ hội. Yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ tổ chức xử lý lòng, lề đường, hệ thống thoát nước, đặc biệt là tại các đoạn tuyến đang sửa chữa, nâng cấp. Kiểm tra, lắp đặt bổ sung biển báo, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, các đoạn đường đèo, dốc, bán kính cong ngắn... vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

PV:Vậy đâu là trách nhiệm của ngành GD-ĐT, các hội đoàn thể?

Ông Trương Khuê: Là cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, Sở GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học mới 2016 - 2017. Có sự đổi mới trong khâu nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong trường học, đặc biệt là giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Ngành đồng thời chỉ đạo các cơ sở tổ chức ký cam kết với gia đình và học sinh không vi phạm trật tự ATGT. Cơ quan quản lý, trường học chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT tại khu vực cổng trường.

Ban ATGT tỉnh kỳ vọng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn và các hội đoàn thể khác đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp về bảo đảm trật tự ATGT đã ký kết. Nhất là đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đưa tiêu chí “Văn hóa giao thông” đến hội viên, đoàn viên và để mọi người dân tự giác chấp hành pháp luật. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” tới tận xã, phường, thị trấn, khu dân cư, từng gia đình.

Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra các bến xe khách, bến đò ngang dịp nghỉ lễ. Ảnh: C.TÚ
Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra các bến xe khách, bến đò ngang dịp nghỉ lễ. Ảnh: C.TÚ

PV:Thưa ông, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố cần phải làm gì khi mà TNGT luôn thường trực xảy ra tại địa phương?

Ông Trương Khuê: Ban ATGT các địa phương phải nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả nội dung Công điện số 1095/CĐ-TTg ngày 24.6 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT quý III trên địa bàn. Trước mắt, những người có trách nhiệm cần giải quyết ngay nhiều vấn đề nổi cộm, phức tạp, mất ATGT gây bức xúc dư luận thời gian qua. Chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp, tập trung tại địa điểm có số vụ TNGT tăng cao, khu vực trường học, chợ dọc tuyến giao thông trọng điểm.  

Cạnh đó, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố cần yêu cầu cơ quan chức năng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát tại bến đò ngang vận chuyển hành khách, tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, không phó mặc cho Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Thanh tra Sở Giao thông vận tải. Chỉ đạo Công an huyện xử lý nghiêm vi phạm theo chuyên đề, trọng tâm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Thực hiện biện pháp cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, các đường ngang dân sinh, các đường ngang không có rào chắn; phát quang tầm nhìn, lắp đủ biển báo hiệu cảnh báo. Giữ gìn hành lang ATGT đường bộ, đường sắt; tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn.

PV:Xin cảm ơn ông!

CÔNG TÚ(thực hiện)

CÔNG TÚ