Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư: Ách tắc từ nhiều phía
Từ năm 2010 đến nay, có hàng nghìn dự án đầu tư lớn nhỏ triển khai đã tạo ra cuộc chuyển động lớn, thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, biến các khu đất cằn cỗi thành vùng phát triển năng động.
Thế nhưng, mặt trái của chính sách thu hồi đất là hàng vạn hộ mất nhà cửa, đất sản xuất, xáo trộn về đời sống an sinh. Quy hoạch sử dụng đất, quản lý hiện trạng lỏng lẻo; cơ chế chính sách pháp luật về đất đai thay đổi liên tục gây ra sức ép lớn cho chính quyền các cấp.
Hơn 5 năm nay, các địa phương trong tỉnh luôn xoay xở chật vật với công tác bồi thường - hỗ trợ (BT-HT), giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC). Cho nên tháo gỡ những rào cản GPMB nhất thiết phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và nguồn lực đất đai cần được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Đất đai khai thác kém hiệu quả do các dự án treo ven biển như thế này.Ảnh: HỮU PHÚC |
MỖI NƠI MỖI KIỂU
Cùng một cơ chế, chính sách BT-HT nhưng mỗi nơi áp dụng một kiểu, thiếu tính thống nhất dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Trong khi đó, giá đất ban hành chưa sát thị trường, thiếu quỹ đất TĐC, quản lý hiện trạng lỏng lẻo làm phát sinh nhiều hệ lụy.
Theo UBND tỉnh, từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh triển khai GPMB 1.215 dự án với diện tích đất bị thu hồi 13.563ha (64.780 hộ bị ảnh hưởng). Trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi 11.945ha (chiếm 88,07%); còn lại các diện tích đất khác chiếm tỷ lệ thu hồi khá thấp. Hiệp Đức là địa phương có diện tích đất thu hồi nhiều nhất với 2 dự án có quy mô thu hồi đất lớn là thủy điện sông Tranh 4 và dự án đường Trường Sơn Đông và địa phương thu hồi diện tích ít nhất là TP.Hội An. Bình quân mỗi năm thực hiện 220 dự án lớn nhỏ. Tổng giá trị BT- HT & TĐC thống kê đến nay khoảng hơn 38.804 tỷ đồng, với khoảng 2.029 hộ giải tỏa trắng, diện tích đất bố trí TĐC hơn 47ha. |
Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh ban hành ít nhất 10 văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện công tác BT- HT, GPMB và TĐC. Sau khi Luật Đất đai 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ và Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30.6.2014 của Bộ TN-MT có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND, số 44/2014/QĐ-UBND, số 45/2014/QĐ-UBND cùng ngày 22.12.2014 (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2015). Sau đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung tại các Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 15.1.2016 và Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 2112.2015 (thay thế Quyết định số 45/2014/QĐ-UBND cùng ngày 22.12.2014). Những văn bản trên được ban hành đã cụ thể hóa khung chính sách do Chính phủ quy định, tạo lập một hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định và thống nhất trong quản lý điều hành nhà nước liên quan đến công tác BT-HT và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, lỗ hổng lại nằm ở chỗ các cơ quan thực hiện một cách tùy tiện cơ chế chính sách.
Thiếu nhất quán
Thời gian qua, có nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, thu hồi đất kéo dài nhiều năm. Riêng ở miền núi, trước đây các đơn vị tư vấn lập, đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính của Bộ TN&MT làm sai lệch giữa hồ sơ và thực tế nên giải quyết các thủ tục đất đai khi triển khai dự án rất phức tạp và mất thời gian. Ông Đặng Phong - Chánh Thanh tra tỉnh cho rằng, nếu dựa vào số liệu đo đạc trước đây là sai hết, thanh tra về công tác BT-HT, GPMB là “dính lỗi” ngay. Nhiều vụ việc cụ thể không dễ để xác định nguồn gốc đất. Đất của Nhà nước nhưng do quản lý lơ là, dân chiếm dụng nhiều năm. Ngay cả chính quyền cấp xã cũng không chứng minh được nguồn gốc đất. “Văn bản nhiều quá, mỗi nơi làm một kiểu. Chính quyền cấp huyện giải quyết sơ sài, đùn đẩy trách nhiệm lên trên nên dai dẳng khiếu nại, khiếu kiện. Chúng ta luôn nói giá đất BT sát thị trường nhưng thực tế có nơi BT thấp hơn 50% làm sao dân chấp nhận được” - ông Phong nêu vấn đề. Tâm lý chung của người dân là muốn giá đất thấp khi làm nghĩa vụ với Nhà nước, ngược lại đòi hỏi BT cao khi bị thu hồi đất, trong khi đó cơ quan làm giá đất vẫn chưa tiếp cận với thị trường trong một thời gian nhất định. Cũng theo ông Phong, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm lâu dài cho người dân vùng dự án không đạt mục tiêu vì hầu như Nhà nước chỉ hỗ trợ bằng tiền. Mục tiêu giảm nghèo cho dân vùng dự án vẫn là con đường gập ghềnh.
Nhờ giải phóng mặt bằng tốt nên hạ tầng tại Khu công nghiệp Tam Thăng được đầu tư đồng bộ. |
Không ít dự án vì áp lực chạy đua với thời gian nên các ngành chức năng cũng vận dụng cơ chế, chính sách linh hoạt. Và thực tế, phát sinh khiếu nại đòi quyền lợi cũng từ đây vì tâm lý người bị mất đất không muốn “thua chị kém em”. Ông Thân Đức Sửu - Phó Giám đốc Sở Tài chính nhìn nhận, chính sách được vận dụng “linh hoạt” mang lại thất bại nhiều hơn thành công. Bản thân cán bộ cũng giải quyết công việc theo chủ quan, cảm tính. Có địa phương muốn làm lợi cho dân mà “xé rào” trong vận dụng chính sách. Đơn cử, năm qua ngành thanh tra đã phát hiện huyện Duy Xuyên đã BT sai quy định, “làm lợi” cho người dân hơn 13 tỷ đồng. Trên cùng một tuyến đường, vị trí nhưng cơ chế hưởng lợi khác nhau. Người dân huyện Thăng Bình khiếu nại liên tục do so bì với chính sách BT-HT tại thị xã Điện Bàn cao hơn khi triển khai một số dự án trọng điểm.
Trầy trật đất tái định cư
Luật Đất đai năm 2013 quy định, khu TĐC dự án tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Thế nhưng, nhiều khu TĐC chủ đầu tư thực hiện theo kiểu... đem con bỏ chợ. Các địa phương vì muốn có nguồn thu nên chăm chú vào khai thác quỹ đất, còn gần như thiếu mặn mà xây dựng khu TĐC đảm bảo chất lượng. Mặc dù BT về đất được xác định theo giá đất cụ thể nhưng đối với khu vực nông thôn thì giá trị BT về đất vẫn khá thấp (tương ứng thực trạng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn). Vì vậy, khi vào nhận đất TĐC, giá đất này thường cao hơn số tiền đã nhận BT dẫn đến người dân không đủ khả năng để nộp phần chênh lệch nên phần lớn không chấp thuận nhận tiền. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT nhận định: “Gần như các địa phương đều không quan tâm đầu tư đất TĐC, nếu có thì chỉ nhắm vào các hang hóc, vị trí xấu, trong khi chạy đua ồ ạt vào khai thác quỹ đất ở các địa điểm thuận lợi. Bồi thường có 200 triệu đồng, mà mua đất TĐC đến 300 triệu đồng thì không khiếu nại, khiếu kiện mới lạ”. Ông Viễn cũng thông tin lập kế hoạch sử dụng đất năm 2016 trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa xong, tất cả là do chờ... cấp kinh phí.
TĐC hiện nay gần như là một bài toán chưa có hướng giải quyết rốt ráo. Theo quy định, việc lập dự án và đầu tư xây dựng khu TĐC, khu nghĩa trang, nghĩa địa được UBND tỉnh giao cho UBND cấp huyện thực hiện, trong đó hợp phần TĐC phải xây dựng trước khi quyết định thực hiện dự án. Vậy nhưng, nhiều dự án khá bị động và chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, thậm chí là thực hiện theo quy trình ngược: GPMB trước, TĐC sau. Điều này dẫn đến việc người dân phải thuê chỗ ở kéo dài, đời sống bị xáo trộn. Ông Đặng Phong ngậm ngùi: “Các khu TĐC thủy điện Sông Tranh chừ xuống cấp thê thảm, công năng sử dụng không phù hợp với phong tục tập quán và đời sống văn hóa cộng đồng của người dân”. Đánh giá lỗ hổng trong chính sách thu hồi đất, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thẳng thắn, có sự lẫn lộn trong thu hồi đất để phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, công cộng với thu hồi đất vì mục đích kinh doanh. Đã xuất hiện tình trạng chủ dự án thu lợi nhuận “khủng” từ hình thức kinh doanh phục vụ lợi ích công cộng.
KIỂM SOÁT QUY HOẠCH
Đã có những giải pháp trước mắt lẫn lâu dài tập trung tháo gỡ những tắc trách trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng để đạt hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai thì nhất thiết phải quản lý được quy hoạch và hiện trạng, đặc biệt ở vùng đông nam của tỉnh.
Hạ tầng các khu tái định cư đầu tư thiếu đồng bộ nên người dân rất ngại vào sinh sống. Trong ảnh: Khu tái định cư xã Bình Dương (Thăng Bình). |
Nhà nước tạo quỹ đất sạch
Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH-ĐT đề xuất, trong xu hướng đầu tư công bị cắt giảm, khả năng huy động nguồn lực chắc chắn không thuận buồm xuôi gió. Để tháo gỡ vướng mắc GPMB, nhất thiết phải cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, kèm theo đó chính quyền quản lý được hiện trạng chứ không thể lơ tơ mơ như thời gian qua. Cái dở trong đầu tư đã lộ diện là vừa dàn trải vừa mang tính chủ quan, vì vậy quan điểm của tỉnh sẽ không gia hạn tiến độ với những công trình, dự án chậm GPMB. Thiếu quỹ đất sạch là rào cản lớn nhất để Quảng Nam thu hút dự án. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh kiến nghị, Nhà nước chủ động tạo ra quỹ đất để kêu gọi đầu tư thông qua hình thức mua lại đất của dân. Mặt khác, chủ đầu tư và chính quyền phải có trách nhiệm quan tâm đến đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất, nghiên cứu đầu tư đa dạng các khu TĐC để người bị mất đất dễ dàng chọn lựa.
Thời gian qua, GPMB rất bị động do ngân sách nhiều địa phương, kể cả tỉnh chưa chủ động được nguồn vốn. Nhiều dự án, nhà đầu tư phải bỏ tiền ra lo GPMB. Đã có sự thay đổi tư duy trong thu hút đầu tư. Trước đây, chính quyền chờ nhà đầu tư đến đặt vấn đề rồi mới công bố quy hoạch, thì những năm gần đây, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai ngoài huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng còn xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư các dự án có vốn lớn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp FDI. Dành quỹ đất đã có mặt bằng sạch, hạ tầng hoàn thiện kêu gọi các nhà đầu tư mới. Như vậy, chính quyền, chủ đầu tư được quyền lựa chọn, quyết định nhà đầu tư chiến lược chứ không phải như trước đây thu hút bằng mọi giá.
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình khẳng định, diện tích đất của Công ty Du lịch Thăng Hoa đã thu hồi giao về cho Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, quan điểm là không thể giao lại cho người dân trồng rừng như đề xuất của lãnh đạo xã Bình Minh. Ông Vỹ đánh giá thực trạng quy hoạch vùng đông chưa rõ ràng, TĐC kiểu nửa vời. Do đó, phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, giữa Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các địa phương vùng đông (trong đó có Thăng Bình) phải có quy chế phối hợp làm việc, quản lý lãnh thổ cụ thể.
Minh bạch, công khai
Trong khi Nhà nước đang hoàn thiện chính sách, cơ chế theo hướng đơn giản, thì nhiệm vụ thường xuyên của các địa phương là kiểm soát quy hoạch. Sở dĩ xảy ra tình trạng phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, lấn chiếm cơi nới đất cũng là do chính quyền thờ ơ, buông lỏng quản lý. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, có hiện tượng địa phương đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cho nên sắp tới sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, gương mẫu của cán bộ đảng viên về chấp hành và giải quyết GPMB. Nhiều giải pháp UBND tỉnh đưa ra là tăng cường cải cách hành chính, giảm bớt những thủ tục phiền hà trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt phương án BT-HT, TĐC, nâng cao chất lượng hiệu quả của bộ phận “một cửa” trong quá trình giải quyết các hồ sơ thủ tục liên quan đến công tác này. Đồng thời giảm thiểu tình trạng giải quyết BT-HT theo từng sự vụ cá biệt như hiện nay. Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm tranh thủ nguồn vốn từ phía doanh nghiệp trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn eo hẹp.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Quảng Nam muốn thu hút được dự án chiến lược thì điều đầu tiên phải có mặt bằng sạch. Ở vùng đông nam của tỉnh, quản lý cho được hiện trạng và hoàn thành tiến độ cấp sổ đỏ cho dân, đẩy nhanh dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Thiết lập chứng thư pháp lý cho từng thửa đất, tạo nguồn cơ sở dữ liệu đồng bộ và thống nhất, thông qua đó tạo điều kiện cho người sử dụng đất được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đất đai, đồng thời để các cấp chính quyền xem xét điều kiện được BT-HT về đất. Cạnh đó, công bố rộng rãi các thông tin về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; minh bạch hóa công tác BT-HT và TĐC.
KHOẢNG TRỐNG TRONG QUẢN LÝ
Tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ có nguyên nhân sâu xa từ ách tắc giải phóng mặt bằng. Ở nhiều địa phương, tình trạng thả nổi quản lý đất đai, hiện trạng đã gây rất nhiều khó khăn khi thu hồi đất.
Người dân thôn Đồng Hành (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) từng dùng cây cối cản đường phản đối thi công đường cao tốc, bắt nguồn từ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: HỮU PHÚC |
Hàng loạt dự án thi công ì ạch, hoặc “đứng bánh” thời gian dài do mất nhiều thời gian xác định lại nguồn gốc đất từ cơ sở. Từ lịch sử quản lý và sử dụng đất đai, cơ chế quản lý sử dụng đất các thời kỳ trước đây chưa chặt chẽ; tập tục sinh sống, sản xuất của các vùng, địa phương khác nhau… dẫn đến có sự khác biệt giữa hồ sơ pháp lý và thực tế quản lý, sử dụng, gây khó khăn trong áp dụng chính sách BT-HT. Gần đây ở một số huyện miền núi xảy ra tình trạng chính quyền không chịu trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân. Lý do không phải cán bộ tiêu cực mà chính quyền lo sợ sau này sẽ phát sinh tranh chấp khiếu nại, khiếu kiện. Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tiết lộ rằng, không riêng gì ở Đại Lộc, Đông Giang mà nhiều xã thuộc các huyện miền núi khác, chính quyền giữ sổ đỏ của người dân năm này qua tháng nọ là có thật. Nếu đưa sổ đỏ ra cho người dân chắc chắn lượng đơn thư khiếu nại, khiếu kiện sẽ tăng đột biến. Lý do chính là số liệu đo đạc sai thực tế. “Bản đồ điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp theo tỷ lệ 1/10.000 phải làm lại thôi, chứ sau này đụng đến thu hồi đất là có chuyện ngay. Đau đầu nhất hiện nay là giải quyết sổ đỏ đã cấp sai” - ông Hưng nói.
Tại vùng đông, vướng mắc điển hình nhất là quản lý đất đai rất lộn xộn. Theo thống kê, ở xã Bình Minh (Thăng Bình), hiện có 1.304 hồ sơ đang tồn kho, giải quyết thủ tục hồ sơ ở cấp xã. Theo ngành chức năng, thẩm định hồ sơ và cấp sổ đỏ trên địa bàn xã rất chậm (chỉ đạt hơn 23% khối lượng nhu cầu hồ sơ cần cấp), trong khi đó kế hoạch tỉnh giao chậm nhất đến cuối năm nay đảm bảo 70% khối lượng cấp sổ đỏ là khó hoàn thành. Tình trạng lấn chiếm đất 5% do UBND xã quản lý để trồng rừng khá phổ biến. Lãnh đạo xã Bình Minh thừa nhận, quản lý đất rừng đã cấp cho dân hiện nay rất khó khăn do quá trình chuyển nhượng, địa phương không quản được. Ông Cao Xuân Tân - Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh cho biết, hiện nay trong nhân dân có luồng tư tưởng không muốn cấp đổi sổ đỏ vì cho rằng sổ đỏ mới thể hiện rõ loại đất ở lâu dài và trồng cây lâu năm sử dụng có thời hạn đến năm 2064 nhưng giấy chứng nhận cũ (cấp năm 1997) thì thể hiện là đất ở và đất vườn sử dụng lâu dài.
Người dân xã Tam Tiến (Núi Thành) phản ứng về dự án nuôi tôm công nghiệp tập trung vào năm 2015 do có liên quan đến các chính sách giải phóng mặt bằng. |
Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT nêu bất cập, bây giờ muốn thu hút dự án đầu tư nào ở vùng đông cũng không phải dễ dàng tháo gỡ rào cản về đất đai. Chỉ riêng loại đất công ích 5% do UBND xã quản lý, giai đoạn trước đây thực tế có thể lên đến 30 - 40% tổng diện tích nhưng vì lỏng lẻo quản lý, người dân đã lấn chiếm, hoặc chính quyền huyện đã cấp đất hết. “Ở đây tìm đỏ mắt cũng không ra quỹ đất 5% do xã quản lý. Có tình trạng trước đây cán bộ cấp đất cho người thân, quan hệ làng xã trói buộc, chừ lòi ra không có bản lĩnh để xử lý đâu” - ông Viễn xót xa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiến độ cấp “sổ đỏ” ở 6 xã vùng đông huyện Thăng Bình diễn ra rất chậm, giữa các đơn vị đo đạc, tư vấn và chính quyền địa phương vẫn chưa chủ động lên kế hoạch giải quyết rốt ráo. Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, ở vùng đông đã không quản lý được tình trạng người dân lấn chiếm đất trồng rừng, việc mua bán, chuyển nhượng đất vượt tầm kiểm soát của địa phương.
Ông Phạm Bê - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT) thông tin, thời điểm này tại 6 xã vùng đông huyện Thăng Bình (gồm Bình Giang, Bình Phục, Bình Triều, Bình Tú, Bình Trung và Bình Nam) đã xác định ranh giới tứ cận được 5.921 hộ với diện tích đo đạc 1.559ha. Cái khó hiện nay vẫn là việc bố trí cán bộ cơ sở, đơn vị thi công cùng với nhân dân xác định ranh giới, mốc giới thửa đất ngoài thực địa, tiến hành kê khai đăng ký cấp sổ đỏ. Theo Sở TN&MT, để đạt tiến độ cấp sổ đỏ như chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị thi công, cán bộ xã phải bắt tay vào làm việc ngay, giải quyết triệt để hồ sơ xét duyêt. Chính quyền cần phải tổ chức quản lý hiện trạng sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đất, có biện pháp chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp cố ý lấn chiếm đất công cộng hoặc xây dựng cơi nới trái phép, trồng cây trên đất đã công bố quy hoạch. Phương án BT-HT và TĐC cho người bị thu hồi đất tuyệt đối phải công bằng và đảm bảo tính thống nhất.
Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC