Tìm nguồn lực cho vùng đông

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC 23/07/2016 07:17

Nằm ở vị trí chiến lược, vùng đông nam của tỉnh được kỳ vọng trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhiều “dự án tỷ đô” đang xúc tiến đầu tư mở ra cơ hội có một không hai nhưng cũng gây ra không ít áp lực cho chính quyền và người dân địa phương. Vốn xây dựng hạ tầng lấy ở đâu, mặt bằng chậm bàn giao cho nhà đầu tư, số phận của hàng nghìn hộ dân thuộc diện giải tỏa sẽ giải quyết ra sao... luôn là những vấn đề cấp bách đặt ra.

Cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho vùng đông. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho vùng đông. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đón đợi...

Chỉ trong tháng 1.2016, Khu kinh tế mở Chu Lai đã cấp phép 4 dự án với tổng vốn hơn 839 tỷ đồng, trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc và Singapore. Sang tháng 4.2016, “dự án tỷ đô” Nam Hội An đã khởi công giai đoạn 1 tại  2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải (Duy Xuyên). Tại Khu công nghiệp Tam Thăng, đến nay đã có gần 10 nhà máy đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka đều chọn vùng đông để khảo sát, lựa chọn đầu tư làm ăn lâu dài. Đặc biệt mới đây, làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định một lần nữa tính khả thi của dự án khí - điện triển khai tại xã Tam Quang (Núi Thành). Vùng đông đã được các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới để mắt đến và hứa hẹn sẽ đem lại cơ hội “lột xác”.

 Phối cảnh một tiểu khu của dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
Phối cảnh một tiểu khu của dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kỳ vọng sự xuất hiện của những nhà đầu tư chiến lược sẽ tác động mạnh mẽ đến các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Nam thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo sâu sát các ngành, chính quyền các địa phương vùng đông bám theo 6 nhóm dự án trọng điểm vùng đông nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đó là nhóm dự án khu đô thị, du lịch Nam Hội An, nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ, nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai, nhóm dự án khí - năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí và cuối cùng là nhóm dự án hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão.

Về những giải pháp triển khai các dự án trọng điểm vùng đông, tại hội nghị Tỉnh ủy diễn ra hồi cuối tháng 3; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang lưu ý, trước tình hình Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách kiểm soát chặt chẽ thì cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, thống nhất chủ trương vay vốn tồn ngân từ các năm trước, vốn Ngân hàng Phát triển và các tổ chức tín dụng để thực hiện bồi thường. Sử dụng phần quỹ đất dư thừa sau khi đã bố trí tái định cư đưa ra đấu giá thu tiền sử dụng đất để tái đầu tư hạ tầng. Khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất khu vực đông nam theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản trong lòng đất tại các dự án khu công nghiệp, đô thị đang triển khai.

Khác với trước đây, chính quyền chờ nhà đầu tư đến đặt vấn đề rồi mới công bố quy hoạch, thì những năm gần đây, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai ngoài huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng còn xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư các dự án có vốn lớn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp FDI. Ngược lại, sẵn sàng từ chối doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm ngặt bảo vệ môi trường; dành quỹ đất đã có mặt bằng sạch, hạ tầng hoàn thiện kêu gọi các nhà đầu tư mới. Như vậy, chính quyền được quyền lựa chọn, quyết định nhà đầu tư chiến lược chứ không phải như trước đây thu hút bằng mọi giá...

Tạo mặt bằng sạch

Ở vùng đông, thuận lợi ở chỗ một số nhà đầu tư chiến lược đã cho chính quyền địa phương “ứng vốn” trước để thực hiện khối lượng mặt bằng sạch. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, đến nay chính quyền huyện Duy Xuyên đã bàn giao gần 100ha đất cho nhà đầu tư là nỗ lực lớn. Quy mô diện tích của Khu kinh tế mở Chu Lai theo quy hoạch chung là sẽ kiến nghị Chính phủ không điều chỉnh nhưng cắt giảm, đưa ra ngoài ranh giới một số xã thuộc huyện Núi Thành không còn phù hợp với lộ trình đầu tư phát triển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những “xung đột” trong quản lý đất đai giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với các địa phương liên quan, tình trạng quy hoạch chồng lấn kéo dài... vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. 

Ở vùng đông, việc quản lý hiện trạng đất đai lỏng lẻo. TRONG ẢNH: Người dân cơi nới, xây dựng trái phép công trình trong vùng triển khai dự án Nam Hội An đoạn qua xã Duy Hải vào cuối năm 2015.
Ở vùng đông, việc quản lý hiện trạng đất đai lỏng lẻo. TRONG ẢNH: Người dân cơi nới, xây dựng trái phép công trình trong vùng triển khai dự án Nam Hội An đoạn qua xã Duy Hải vào cuối năm 2015.

Từ đầu năm, Tổ công tác của UBND tỉnh đã thành lập chỉ làm mỗi phần việc xem xét, đề xuất hướng giải quyết từng trường hợp khiếu nại, kiến nghị đất đai của người dân trong vùng dự án. Chỉ cần chính quyền lơ là trong quản lý hiện trạng, một số đối tượng có thể lợi dụng cơi nới xây dựng để trục lợi chính sách. Theo chính quyền huyện Duy Xuyên, tình trạng cơi nới, xây dựng trái phép của người dân trong vùng dự án đến nay đã không còn “nóng” như thời điểm công bố quy hoạch. Địa phương huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhờ đó mà nhiều diện tích đã giao cho nhà đầu tư đúng tiến độ.

Phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX vừa kết thúc đầu tuần này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh nhiệm vụ then chốt của tỉnh từ nay đến cuối năm là ưu tiên giải quyết những vướng mắc về quản lý hiện trạng đất đai ở vùng đông, nhất là các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và TP.Tam Kỳ. Trách nhiệm đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý hiện trạng thuộc về địa phương, phải làm dứt điểm trong năm 2016. Khâu giải phóng mặt bằng, sắp xếp dân cư phải đi trước một bước. Để không bị động về vốn, các ngành tích cực làm việc với cơ quan Trung ương để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và bố trí vốn cho các dự án trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.

Thời điểm hiện tại, chưa thấy sự phàn nàn của nhà đầu tư về công tác bàn giao mặt bằng. Cái được là từng bước hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư để người dân đến sinh sống ổn định sản xuất. Từ dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, chính quyền sẽ có điều kiện để sắp xếp tổng thể dân cư ven biển, điều còn dang dở trong dự định trước đây. “Nguồn lực dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư là không hề nhỏ, cho nên phải huy động mọi hình thức đầu tư vào kết cấu hạ tầng, có thể kích cầu vốn từ khu vực FDI, tư nhân và vốn ưu đãi từ ngân hàng. Giải bài toán an sinh xã hội tại các khu tái định cư cũng là nhiệm vụ thường xuyên của địa phương” - ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói.

Thực tế, do eo hẹp vốn nên hạ tầng thiết yếu vùng dự án lẫn khâu bồi thường, tái định cư cho dân có nơi diễn ra èo uột.  Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng, để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn, nhất là vốn vay ODA, cần tập trung đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, chú trọng đến tác động của dự án đa lĩnh vực với một địa phương cụ thể. Các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho địa phương từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư, đàm phán đến khâu triển khai thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Những việc cần lo gấp

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ buộc phải cắt giảm đầu tư công, nên Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng. Bắt đầu từ năm 2017, Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách cao gần gấp đôi năm nay, trong khi đó hiện nay nợ tồn đọng lên đến 1.000 tỷ đồng. Hai năm 2017 - 2018, tính toán trả cho xong nợ, rồi huy động vốn không phải là chuyện dễ. Ở vùng đông, tình trạng lấn chiếm đất, chậm đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, quản lý hiện trạng đất đai rất hạn chế. Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến doanh nghiệp “ngại” vào đầu tư.  Cho nên, dứt khoát từ nay đến cuối năm các địa phương vùng đông phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thể chậm trễ hơn được nữa.

Riêng dự án Nam Hội An, đầu năm 2017 Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai phải bàn giao ít nhất 200ha mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Nhóm dự án khí - điện, tin vui là Bộ Công Thương đã chính thức quy hoạch trung tâm khí - điện ở Núi Thành - Chu Lai. Về cơ khí ô tô, thì đầu tháng 8 sẽ có tàu chở hàng trực tiếp từ Hàn Quốc cập cảng Tam Hiệp. Quan điểm của tỉnh là hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tháo gỡ những ách tắc về đất đai. Trong 6 nhóm dự án trọng điểm vùng đông, sẽ bàn bạc, thảo luận chi tiết từng dự án; tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư có uy tín, làm ăn hiệu quả. Chỉ đạo chính quyền cấp huyện, xã quản lý chặt chẽ hiện trạng, tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi thu hút đầu tư. Huy động vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp. Tóm lại ở vùng đông, trọng tâm là lo giải quyết 4 việc. Đó là triển khai sắp xếp dân cư khu vực ven biển; quy hoạch, quản lý hiện trạng đất đai; giải phóng mặt bằng sạch và huy động vốn đầu tư.


Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Huy động “nguồn lực mềm”

Năm 2016, vùng đông khởi công dự án Nam Hội An và mở rộng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải. Và dự án sản xuất khí - điện Chính phủ sắp thông qua. Thuận lợi của tỉnh trong huy động nguồn lực là nhà đầu tư đã ứng trước tiền để giải tỏa mặt bằng, ứng trước tiền sử dụng đất. Ngoài ra còn vay ưu đãi nguồn vốn ODA, tồn ngân trong kho bạc. Theo Luật Ngân sách, có thể sử dụng nguồn ngân sách địa phương cho xây dựng kết cấu hạ tầng, lấy nguồn khai thác quỹ đất. Thời gian qua, trong vùng dự án đã có nhà đầu tư lo các khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư cho gần 1.000 hộ dân. Chủ đầu tư đã nỗ lực xây dựng hạ tầng thiết yếu vừa phục vụ mục tiêu nông thôn mới, đồng thời đáp ứng chức năng phát triển đô thị. Tính chất đô thị hóa phải thể hiện rõ trong quy hoạch. Vùng đông bước đầu chuyển động tích cực, nhưng phải nhìn nhận rằng có một số dự án tỉnh không theo kịp tiến độ giải phóng mặt bằng, theo yêu cầu của nhà đầu tư. Quản lý hiện trạng đất đai quá lỏng lẻo, nhất là chính quyền cấp xã nên đẻ ra hệ lụy không quản lý được quy hoạch. Đội ngũ cán bộ còn yếu và thiếu, không bắt kịp với áp lực công việc. Cho nên, thời gian đến phải huy động mạnh “nguồn lực mềm”, bổ sung thêm cán bộ giỏi để “tiêu hóa” thực thi nhiệm vụ trôi chảy.

Ở các vị trí cửa ngõ ven biển, chủ trương của tỉnh là đa dạng hóa nhà đầu tư gốc gác châu Âu lẫn châu Á, chứ không ưu ái “độc quyền” cho nước nào, đề phòng nguy cơ mất an ninh trật tự sau này. Tiêu chí chọn nhà đầu tư vào vùng đông nam là phải có uy tín, đáp ứng yêu cầu của dự án đã hoạch định sẵn, phù hợp với định hướng quy hoạch dài hơi. Thu hút dự án ven biển nhưng phải có hành lang pháp lý để kiểm soát tốt môi trường, cảnh quan biển. Phát triển kinh tế gắn kết với đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia khu vực ven biển, trên biển. Rút kinh nghiệm từ sự “bội ước” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI, lần này chúng ta yêu cầu tất cả nhà đầu tư phải cam kết sử dụng lực lượng lao động tại chỗ ở những lĩnh vực phù hợp. Thêm vào đó, chăm lo công tác an sinh xã hội cho người dân vùng dự án, quy hoạch sắp xếp dân cư ven biển theo lộ trình hợp lý.


Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai: Tạo quỹ đất sạch

Đến nay, mối quan tâm của đơn vị là tiếp tục dành vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để bổ sung nguồn vốn đầu tư; cân đối hợp lý vốn ngân sách tỉnh để ưu tiên phát triển hạ tầng, bồi thường giải tỏa để tạo mặt bằng sạch. Nguồn lực đầu tư vào vùng đông không thể ngồi đợi vào ngân sách nhà nước mà hướng đến huy động từ chương trình tăng thu, vượt thu các năm, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ hay thực hiện đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tận dụng các khu tái định cư để sắp xếp dân cư. Chỉ tiêu đưa ra giai đoạn đầu là nắm giữ mặt bằng sạch ít nhất 2.000ha. 

Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (bên trái) tại lễ ký kết hợp tác giữa đơn vị với Ngân hàng TNCP Công thương Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (bên trái) tại lễ ký kết hợp tác giữa đơn vị với Ngân hàng TNCP Công thương Việt Nam.

Rào cản lớn hiện nay nằm ở chỗ vướng mắc mặt bằng, chính quyền địa phương lúng túng xác định nguồn gốc đất, quản lý đất đai lỏng lẻo đã làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Tại vùng dự án, hiện công ty đã mở thầu các hợp phần xây lắp, sắp xếp dân cư. Riêng dự án khí - điện tại xã Tam Quang (Núi Thành), vừa qua Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã về khảo sát và quyết định chốt vị trí đầu tư, xây dựng nhà máy khí - điện, dự kiến giai đoạn 2020 - 2025 sẽ đưa vào hoạt động. Phần việc của năm 2016 là hoàn tất các thủ tục, hồ sơ liên quan đến đầu tư, đàm phán với đối tác để hợp tác làm ăn lâu dài.


Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên: Kiểm soát hiện trạng

Tại các xã Duy Nghĩa, Duy Hải, sau “cơn sốt” xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép trong vùng bị ảnh hưởng dự án Nam Hội An, đến nay chính quyền cơ bản quản lý được hiện trạng xây dựng, ổn định an ninh trật tự, tạo đồng thuận cao từ phía người dân. Các ngành chức năng đang rà soát, hoàn thiện quy hoạch chi tiết tại xã Duy Nghĩa. Vùng đông chủ yếu tập trung ưu tiên cho công nghiệp sạch, gắn với phát triển du lịch sinh thái. Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đi đôi với bảo vệ môi trường, kết hợp với phục vụ phát triển du lịch. Để huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, địa phương sử dụng nguồn ngân sách cấp trên, ngân sách huyện, từ nguồn khai thác quỹ đất.

Nhiệm vụ chỉ đạo xuyên suốt là tháo gỡ khó khăn về thu hồi đất, bồi thường, giải tỏa để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Mục tiêu xây dựng các xã Duy Hải, Duy Nghĩa đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại 5 vào năm 2025. Để triển khai quy hoạch xây dựng đô thị vùng đông, địa phương đã, đang sử dụng nhiều hình thức đầu tư, xã hội hóa đầu tư về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng thiết yếu, quản lý chặt chẽ hiện trạng đất đai. Chính quyền thành lập tổ công tác giải quyết vướng mắc về đất đai, xử lý nghiêm khắc các trường hợp chây ì, cố tình vi phạm, cản trở việc triển khai dự án, không để phát sinh “điểm nóng” khiếu nại, khiếu kiện.

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC