Giải phóng mặt bằng dự án cao tốc: Ráo riết giải quyết ách tắc

CÔNG TÚ 11/04/2016 09:31

Một lần nữa, các địa phương trên địa bàn tỉnh lại lỡ hẹn về đích khi hạn cuối phải hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngày 31.3 đã trôi qua. Công tác tháo gỡ vướng mắc, triển khai biện pháp bảo vệ thi công đang được các địa phương tiếp tục triển khai.

  • Quyết liệt bàn giao mặt bằng dự án cao tốc
  • Ráo riết giải phóng mặt bằng cao tốc đoạn qua Phú Ninh
  • Phú Ninh nỗ lực "gỡ vướng" đường cao tốc
  • Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Khi chủ đầu tư "khát vốn"
  • Tháo "nút thắt" trên mặt bằng cao tốc
  • Thiệt hại do thi công đường cao tốc
  • Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua Phú Ninh
  • Thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chậm bồi thường nứt nhà dân
  • Tháo gỡ vướng mắc dự án cao tốc

Tiếp tục đối thoại

Sau lần lỡ hẹn về đích ngày 31.3 vừa qua (lần thứ 4), một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn còn nhiều điểm vướng mắc trên thực địa. Tại xã Điện Thọ (Điện Bàn), hiện có 8 hộ dân các thôn Phong Thử 1, Phong Thử 2 và Phong Thử 3 chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; nhiều gia đình đã nhận tiền nhưng chưa khẩn trương tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, thu dọn cây cối để bàn giao công địa cho chủ đầu tư. Còn ở Thăng Bình vẫn còn vướng 12 hộ, 1 nhà thờ tộc Trần thuộc các xã Bình Chánh, Bình Quý và Bình Quế chưa giải tỏa. Đến ngày 7.4, Phú Ninh còn dang dở 67 hộ chưa tháo dỡ nhà cửa, 21 hộ chưa đồng ý nhận tiền, 5 ngôi mộ đang xem ngày để di dời. Trong đó, xã Tam Thái có tới 50 hộ dân chưa khai phóng mặt bằng dù đã nhận tiền, 20 hộ khác chưa đồng thuận nhận tiền. Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho hay, Núi Thành hiện có 87 trường hợp chưa nhận tiền và 8 hộ chưa lập phương án. Huyện cũng còn 130 ngôi nhà chưa di dời, 5 khu tái định cư (TĐC) với 86 lô chưa tiến hành giao đất cho dân. Duy Xuyên cũng chưa tháo gỡ hoàn thành 21 trường hợp tại xã Duy Sơn (13 hộ đã nhận tiền) và 1 nhà thờ ở xã Duy Trung...

Tiến độ xây lắp dự án cao tốc qua Quảng Nam bị ảnh hưởng vì vướng mặt bằng.  Ảnh: C.T
Tiến độ xây lắp dự án cao tốc qua Quảng Nam bị ảnh hưởng vì vướng mặt bằng. Ảnh: C.T

Nguyên nhân chậm GPMB chủ yếu là chậm bàn giao đất TĐC, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ dân tại nơi ở mới… Hiện các địa phương lên nhiều phương án để tháo gỡ vướng mắc. Theo UBND huyện Phú Ninh, địa phương đang nỗ lực thực hiện quyết định TĐC và cấp sổ đỏ cho các hộ dân thuộc diện TĐC ở các xã Tam Phước, Tam Đàn, Tam Thái và Tam Đại. Đồng thời tập trung xử lý tháo gỡ trường hợp các hộ Đỗ Xuân Đồng, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Tấn Anh, Phạm Thị Bông, Nguyễn Ngọc Văn (Tam Thái) và nhóm hộ Võ Thắng, Võ Đáo, Nguyễn Diệu (Tam Đại). Để giúp huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất Quảng Nam tăng cường cho chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Phú Ninh 2 cán bộ có kinh nghiệm để phối hợp khai thông ách tắc. Đối với Duy Xuyên, địa phương đã tổ chức bốc thăm cho các hộ dân vào khu dân cư Ruộng Sải (Duy Sơn), tiến hành họp và họ cam kết tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Riêng miếu xóm, người dân thống nhất di dời vào mùng 8.3 âm lịch, nhà thờ tộc Nguyễn Khắc cũng đồng ý nhận tiền. Giám đốc chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình - ông Nguyễn Đình Chi cho hay, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, tổ chức đối thoại với các hộ còn chưa đồng thuận. Cạnh đó, địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để cưỡng chế hộ ông Nguyễn Hạnh (xã Bình Chánh) ngay trong tháng 4.

Triển khai bảo vệ thi công

Cưỡng chế một số trường hợp chây ỳ

Tại cuộc họp giao ban GPMB cao tốc cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu các địa phương tập trung cho khâu bảo vệ, cưỡng chế một số trường hợp điển hình để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhất là Phú Ninh. Huyện nào còn nợ sổ đỏ nơi khu TĐC thì khẩn trương cấp cho người dân.

Ngoài hỗ trợ nhân lực cho chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Phú Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn còn yêu cầu đích danh một Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Quảng Nam trực tiếp theo dõi, chỉ đạo quá trình GPMB tại nút giao đường cao tốc với quốc lộ 40B (địa bàn Tam Thái) để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ. Trong quá trình vận động, tuyên truyền, cán bộ có liên quan phải giải thích chính sách một cách nhất quán, tránh tình trạng mỗi người nói mỗi kiểu, gây mất lòng tin nơi nhân dân. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chỉ đạo, Sở TN-MT phải tăng cường quản lý cán bộ, nhân viên tại các chi nhánh trực thuộc nỗ lực thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, một số hộ dân thôn Đa Phú 2 (Tam Mỹ Đông, Núi Thành) đã nhận tiền song chưa bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, vị trí này là “nút thắt” của nhà thầu trong quá trình tiếp cận các đoạn đã có mặt bằng nhưng không có đường vào thi công. Do đó, Núi Thành đang chỉ đạo xã Tam Mỹ Đông đôn đốc, vận động hộ nào đã nhận tiền thì làm thủ tục động thổ xây dựng tại khu TĐC Miếu Bà. Núi Thành cũng đang triển khai kế hoạch bảo vệ thi công, cưỡng chế trường hợp nào đã giải quyết bồi thường, hỗ trợ song vẫn đòi hỏi quá đáng. Đơn cử như 9 hộ dân ở thôn Thạch Kiều (Tam Xuân 2), một số hộ thuộc 2 xã Tam Mỹ Tây, Tam Nghĩa. Tại Điện Bàn, thị xã ưu tiên vận động các hộ Lê Thị Điểm và Phan Quang Tùng (thôn Phong Thử 1) nhận tiền, để 2 hộ này trước ngày 21.4 bàn giao xong mặt bằng. Đồng thời địa phương giải quyết dứt điểm 7 hộ ở các thôn Phong Thử 2, Phong Thử 3 trong tháng 4 năm nay.

Quảng Nam tiếp tục đối diện với nhiều thách thức mới phát sinh trong GPMB cần phải giải quyết. Bên cạnh đó, không ít “điểm nghẽn” cũ vẫn còn đó chưa thể khơi thông. Đến giai đoạn nước rút, hệ thống chính trị ở một vài địa phương mới thật sự vào cuộc “đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm” bằng hành động nên khơi thông thêm một số trường hợp cụ thể. Lãnh đạo UBND tỉnh thừa nhận, hạn cuối ngày 31.3 đã trôi qua mà chưa xong GPMB là điều không ai mong muốn. Thực tế ở cơ sở, người dân sau khi đối thoại với chính quyền tỉnh trực tiếp tại hiện trường thì họ mới thay đổi cách nhìn, ủng hộ chủ trương. Đơn cử như hộ ông Trương Kim (Tam Đàn, Phú Ninh). Ban đầu, gia đình cứ khăng khăng chờ 2 tháng xây nhà xong mới tháo dỡ nơi ở cũ. Nhưng qua vận động, giải thích, ông Kim hứa ngày 18.4 này sẽ bàn giao mặt bằng. “Ngay tháng 4 này, các địa phương phải giải quyết trước mắt những tồn tại, vướng mắc. Để sau đó, chúng ta tập trung vào giải quyết khâu khiếu nại, tố cáo. Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với địa phương, nỗ lực bàn giao mặt bằng cho dự án nhanh nhất có thể.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ