Khi đường đã mở
Thành công lớn nhất trong 5 năm qua của huyện Đông Giang chính là hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đông Giang chú trọng xây dựng mạng lưới giao thông tạo tiền đề cho sự phát triển. Ảnh: N.DƯƠNG |
“Người ta nói, có đường là có tất cả. Muốn xây dựng trường học, trạm y tế hay chợ thì phải có đường. Khi đường đã mở, những dịch vụ khác tự khắc phát triển theo. Đó là điều tiên quyết” - ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang đã khẳng định như thế khi nói về những con đường đã mở trên địa bàn.
Nhiệm vụ trọng tâm
Đông Giang là địa bàn cư trú chủ yếu của người Cơ Tu. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào kinh tế vườn rừng, chăn nuôi. Chính vì vậy, việc mở đường giao thông nông thôn tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. “Đồng bào ở đây chủ yếu phát triển kinh tế rừng, trồng trọt. Trong đó, cây keo, cây chuối được xem là thế mạnh. Trước đây, người dân bị tư thương ép giá cũng đành phải chịu vì chẳng còn cách nào khác để tiêu thụ sản phẩm do không có đường vận chuyển. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ, chính quyền huyện luôn xem việc xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên thực hiện trong phát triển kinh tế địa phương” - ông Đỗ Tài cho biết.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm đó, huyện Đông Giang đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Các tuyến đường quan trọng như Kà Dăng - Ma Cooih, xã Ba - xã Tư, Za Hung - Arooih, Za Hung - Jơ Ngây đã được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng; mở rộng 13,5km đường giao thông thị trấn P’rao, trung tâm Sông Vàng của xã Ba... Đến nay 11/11 xã, thị trấn của huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 90/95 thôn có đường bê tông (tăng 42 thôn so với năm 2011).
Hoàn thiện đồng bộ
Hệ thống giao thông mở ra cũng là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi để Đông Giang dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ. Theo đó, đến nay địa phương đã hoàn thành đầu tư 95/95 thôn có điện lưới quốc gia với 100% số hộ sử dụng điện, 11/11 trung tâm xã, thị trấn có điện đường chiếu sáng. Toàn huyện cũng đã xây mới và sửa chữa nâng cấp 20 công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trụ sở hành chính, trạm xá, hệ thống trường học từ huyện đến xã được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu nơi làm việc, khám chữa bệnh, dạy và học trong toàn huyện.
“Trước đây, cứ đến mùa mưa lũ, địa phương lại phải tìm mọi cách để cứu trợ người dân ở những vùng bị chia cắt; học sinh đi học nơm nớp cảnh không về nhà được hay phải nghỉ học dài ngày. Giờ đường sá đã được đầu tư xây dựng, người dân đi lại thuận tiện, tiếp cận với những cái mới, dân trí cũng từ đó được nâng cao. Có tiếp xúc với bên ngoài mới học được những cách làm hay, những mô hình kinh tế hiệu quả” - ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện ủy Đông Giang nói.
Trên địa bàn Đông Giang hiện có 17 cầu treo, góp phần quan trọng trong việc đi lại của nhân dân các thôn, bản nằm ở vị trí cách biệt. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tài, cầu treo chỉ là giải pháp tạm thời. Trong thời gian tới, huyện không chủ trương xây dựng cầu treo nữa, mà tập trung nguồn lực để xây dựng đường, làm cầu bê tông, bởi cầu treo vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Tiền đề phát triển
Đông Giang có các tuyến giao thông nối liền với nhiều địa phương khác như Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, TP.Đà Nẵng. Trong thời gian tới, Đông Giang xác định chủ trương ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông các tuyến Dốc Kiền (xã Ba) - thôn Nà Hoa (xã Tư), tuyến thôn Cờ Lò (xã Jơ Ngây) - thôn Hiệp (xã Kà Dăng), tuyến thôn A Liêng (xã A Ting) - thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây)… “Việc kết hợp xây dựng đường giao thông và những công trình trọng điểm của huyện sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Đông Giang đang phối hợp xây dựng điểm vùng du lịch cộng đồng gắn với văn hóa vùng, giúp người dân thoát nghèo và có thể vươn lên làm giàu” - ông Nguyễn Bằng cho hay.
Để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, Đông Giang quyết tâm thực hiện đầu tư có trọng điểm, đúng đối tượng và dứt điểm từng công trình, dự án. Vùng thuận lợi có khả năng lan tỏa nhiều hơn địa phương sẽ ưu tiên đầu tư trước, những nơi khó khăn và tác động không đáng kể đến sự phát triển chung sẽ đầu tư sau. Trong đó, sẽ ưu tiên cho khu vực thị trấn P’rao, xã Ba, các xã đặt mục tiêu về đích nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. “Có thể nói, hạ tầng giao thông là bước đột phá lớn nhất của Đông Giang trong giai đoạn 2010 - 2015. Đó là tiền đề để huyện tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển kinh tế, giúp người dân từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống” - ông Đỗ Tài nói.
NGUYỄN DƯƠNG