Đổi thay diện mạo giao thông vận tải
Những năm qua, ngành giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để đưa diện mạo GTVT trong tỉnh đổi thay toàn diện, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông công chính. Từ đó đến nay, ngày 28.8 hàng năm trở thành ngày truyền thống ngành GTVT Việt Nam.
Rèn luyện trong đấu tranh
Tháng 8.1946, Hội Công nhân cứu quốc tỉnh mở đại hội tại Hội An và quyết định động viên công nhân tham gia xây dựng chính quyền, phát triển hội viên, xây dựng tổ chức công đoàn theo ngành. Trên tinh thần đó, công đoàn ngành dọc hỏa xa, xe hơi, thuyền tải ra đời. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, công nhân ngành GTVT cùng quân và dân thực hiện tiêu thổ kháng chiến, tham gia di chuyển hàng hóa, thiết bị về hậu cứ. Sau khi quân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, Quảng Nam có 2 vùng rõ rệt: vùng tự do ở phía nam, vùng địch tạm chiếm ở phía bắc. Ở vùng tự do, địch không ngừng dùng máy bay ném bom, bắn phá đường thủy, đường bộ, các kho tàng, bến bãi hòng dập tắt mạch máu giao thông của ta. Trong quá trình này, Ban Tiếp tế vận lương được thành lập. Từ năm 1947, hệ thống giao thông ở vùng tự do từng bước được phục hồi, đường thủy phát triển có tổ chức. Năm 1949, ta đã vận động tư nhân lập công ty xe hơi, tiến hành sửa chữa nhiều tuyến đường. Cải tiến xe chạy xăng sang chạy than để đáp ứng nhu cầu vận tải trong điều kiện thiếu nhiên liệu.
Khánh thành dự án thành phần 1, mở rộng QL1. |
Kháng chiến chống Pháp, ngành GTVT Quảng Nam đã tích cực tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí ra chiến trường. Đông Xuân 1953 - 1954, Liên khu 5 mở thêm một số hành lang lên Tây Nguyên, trong đó có 2 hành lang qua Quảng Nam. Hành lang thứ nhất là từ Quảng Ngãi lên Trà Bồng qua các xã của Trà My đến Đắk Glei (Kon Tum). Hành lang thứ hai từ đồng bằng Quảng Nam qua Nước Oa, Trà Giác, Dốc Vượt, Nước Là, Mân Tra và lên Đắk Glei. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiệm vụ lớn nhất của ngành GTVT là khôi phục hệ thống giao thông bị hư hỏng để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều chị em người dân tộc chân yếu tay mềm nhưng vẫn dũng cảm dùng thuyền đưa bộ đội sang sông đánh trận, đón thương binh về hậu cứ. Năm 1967, ta đã tổ chức hành lang đường bộ, đường thủy xuôi ngược sông Thu Bồn lên Bà Huỳnh, Bà Xá; từ sông Tranh lên đến Trà My, nối liền đồng bằng, ven biển đến miền núi.
Ngày 30.8.1968, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương thành lập Ban Giao vận Quảng Nam với 493 cán bộ, chiến sĩ được chia làm các tiểu ban: GTVT, cầu, đường, nhân lực, tài vụ. Cử đồng chí Phạm Thâm làm Trưởng ban. Đề án công tác GTVT 1968 - 1969 đã được xây dựng với nhiệm vụ trọng tâm: “GTVT là một ngành kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong giai đoạn kháng chiến giành lại độc lập - tự do cho đất nước. Nếu GTVT bế tắc, mọi hoạt động của xã hội cũng bế tắc theo”. Đảng bộ Ban Giao vận Quảng Nam nhanh chóng bố trí cán bộ có năng lực, xây dựng bộ máy, tăng cường cán bộ chính trị chuyên môn đủ sức tổ chức thực hiện những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Chiến tranh ác liệt, rất nhiều cán bộ chiến sĩ ngành GTVT đã anh dũng hy sinh, hoặc bị thương, bị bệnh tật hiểm nghèo do sốt rét rừng, nhiễm chất độc hóa học. Ngày 27.2.2002, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Giao vận Quảng Nam, tiền thân của Sở GTVT. Nhà nước cũng đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Sở GTVT vì đã có đóng góp trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Thanh tra Sở GTVT kiểm soát tải trọng phương tiện. Ảnh: C.T |
Trưởng thành và phát triển
Tháng 10.1975, Công đoàn Ban Giao vận Quảng Nam và Quảng Đà hợp nhất. Để đáp ứng yêu cầu mới, ngành GTVT tăng cường hơn 10 nghìn lao động được tuyển dụng trong lực lượng thanh niên, trong đó 70% có trình độ mới cấp 1, cấp 2. Giai đoạn 1986 - 1995, đất nước vẫn đang bị bao vây cấm vận, ngân sách nhà nước hết sức khó khăn nên ngành GTVT tập trung nguồn lực cho công tác duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn giao thông và triển khai xây dựng một số công trình thực sự cấp bách. Năm 1997, tỉnh Quảng Nam được tái lập. Sở GTVT tiếp tục thể hiện vai trò đi đầu. Nhiều đồng chí ở Đà Nẵng tạm xa gia đình đi xây dựng quê hương Quảng Nam thân yêu. Họ khắc phục mọi khó khăn về đi lại, làm việc và tâm tư tình cảm hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ và đã tạo nên bao đổi thay kỳ diệu. “Các thế hệ đi trước nay hầu hết đã nghỉ hưu, song để lại một đội ngũ cán bộ kế thừa có trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đưa ngành đổi thay toàn diện. Nhờ đó, Quảng Nam bây giờ có cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không” - nguyên Giám đốc Sở GTVT Trương Văn Cận nói.
Bên cạnh quản lý chuyên ngành, Sở GTVT còn là đơn vị tham mưu, thực hiện tốt công tác phối hợp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thời gian qua, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh luôn giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Hoạt động của các tổ liên ngành do Ban An toàn giao thông tỉnh thành lập ngày càng phát huy hiệu quả, trong đó có đóng góp không nhỏ của Sở GTVT. Mặc dù lực lượng mỏng và trang thiết bị chuyên dụng hạn chế, Thanh tra Sở GTVT đã khắc phục khó khăn, đảm đương tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo đặt ra. |
Thống kê về đường bộ cho thấy, năm 1997 trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ (QL) tổng chiều dài 253km, tỉnh lộ (ĐT) 338km, huyện lộ (ĐH) 1.087km (800km đường đất), đường thôn xã (GTNT) 3.000km (1% đường nhựa). Vậy mà đến nay, trên địa bàn Quảng Nam có 9 tuyến QL với tổng chiều dài 656km, tuyến ĐT 338km bề mặt nhựa, ĐH 1.998km được rải nhựa, GTNT 6.560km với 4.226km đã bê tông hóa. Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Nhân cho biết, để đạt được thành quả trên, ngành đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư, bình quân hàng năm 1.000 - 2.500 tỷ đồng. Qua tham mưu của Sở GTVT, tỉnh đã tập trung xây dựng và nâng cấp các tuyến đường đô thị, ĐT và QL với tổng vốn đầu tư phát triển hơn 35 nghìn tỷ đồng (đơn vị trực tiếp quản lý 15 - 25%). Những công trình nổi bật đã hoàn thành như QL14D, đường Nam Quảng Nam (QL40B), Trà My - Sông Trường, Nam Phước - Mỹ Sơn, cầu Gò Nổi, mở rộng QL1... Ở TP.Tam Kỳ, các đường Hùng Vương, Trần Phú, Trần Quý Cáp, Nguyễn Văn Trỗi, Lý Thường Kiệt góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt tỉnh lỵ. Cạnh đó, các dự án nổi bật gồm cầu Cửa Đại, cầu Giao Thủy, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Trường Sơn Đông đang triển khai. Mạng lưới đường đô thị (gần 262km) và nội bộ các khu - cụm công nghiệp không ngừng tăng. Ngoài trục ngang QL14B, 14D, 14E, trên địa bàn tỉnh hình thành thêm 3 tuyến QL dài 205km là QL14G (ĐT604), QL40B (ĐT616 và Nam Quảng Nam), QL24C (Trà My - Trà Bồng).
Sân bay Chu Lai khai thác ngày càng hiệu quả, tần suất các chuyến bay được nâng lên. Hệ thống cảng biển Kỳ Hà - Tam Hiệp được nạo vét luồng, xây dựng thêm cầu cảng đáp ứng nhu cầu xuất nhập hàng hóa. Lĩnh vực vận tải và công nghiệp GTVT vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vươn tầm. Các tuyến được mở mới kết nối đến các vùng, miền đất nước với hơn 120 doanh nghiệp tham gia khai thác. Đặc biệt, các đơn vị mở 10 tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt (không trợ giá) trị giá hơn 80 tỷ đồng, 5 tuyến Big C miễn phí. Vận tải đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm tai nạn, phục vụ tốt di dân do bão lũ. Quản lý bến khách ngang sông và phương tiện thủy nội địa được chấn chỉnh. Hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Sở GTVT là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu và có nhiều bước đột phá, đổi mới toàn diện cải cách hành chính. Có thể khẳng định, ngành GTVT có những đóng góp to lớn để vận hành đúng lộ trình mục tiêu đến năm 2020 Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
CÔNG TÚ