Hạ tầng giao thông nhanh xuống cấp
Thực tế cho thấy, từ khâu kiểm soát tải trọng (KSTT), xử lý vi phạm đến ý thức bảo vệ hạ tầng giao thông đều đang có vấn đề khiến đường sá nhanh xuống cấp.
Đường nát
Liên tục nhiều tháng nay, người dân sinh sống ven tuyến tỉnh lộ (ĐT) 609, đoạn qua huyện Điện Bàn chứng kiến lượng xe tải nặng lưu thông tăng cao do phục vụ công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Hậu quả là bề mặt ĐT609 “xuống sắc” thê thảm. Một kỹ sư cầu đường nhận định, xe chở quá tải trọng cho phép, chạy với mật độ dày sẽ không tránh khỏi làm mặt đường nhanh hư hỏng. Tuổi thọ các cây cầu trên tuyến có nguy cơ giảm. “Mặt đường qua các xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện An hầu như nứt nẻ, một số đoạn bị sụt lún tạo thành những ổ voi, ổ gà nhưng không thấy ai sửa chữa và chúng tôi không biết đến bao giờ mới được sửa chữa” - người dân bức xúc nói. Mới đây, Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng Quang Đại Việt - nhà thầu thi công đoạn km13+600 - km15+253,29, tuyến ĐT609 đã phải gửi công văn đề nghị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và đơn vị quản lý là Sở Giao thông vận tải (GTVT) có phương án KSTT, ngăn chặn những xe quá tải, quá khổ lưu thông.
Xe chở quá tải “góp phần” làm cho mặt đường ĐT609 hư hỏng nặng. Ảnh: CÔNG TÚ |
Đoạn đường ĐT609B qua khu 4, thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) được Sở GTVT đầu tư hệ thống thoát nước. Mới vừa thoát tình trạng nước đọng thì nay tuyến đường này xuống cấp. Cứ mưa là nước đọng thành vũng còn sâu hơn trước đây khiến xe máy lưu thông trên đường dễ bị “sụp hố”. Người dân ven đường đã giải quyết tạm thời bằng cách chặt cây cắm vào hố làm cảnh báo. Theo người dân phản ánh, nguyên nhân tuyến đường xuống cấp “thần tốc” như vậy là do xe chuyên chở đất đá, cát, xi măng và các loại hàng hóa khác “quên” tuân thủ đúng trọng tải cầu, đường. Chưa hết, một số phương tiện đang đi trên quốc lộ (QL) 1 đã vòng từ cầu vượt Hòa Cầm trên QL 14B, lên ĐT609B tới ĐT609 và lại “đổ” xuống QL 1 tại thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn) nhằm né trạm cân và trạm thu phí đặt tại xã Hòa Phước (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng).
Buông lỏng quản lý?
“Các ban ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố thông báo rộng rãi chủ trương tăng cường KSTT phương tiện từ các đầu mối xếp hàng hóa lớn, các mỏ vật liệu, mỏ quặng, kho hàng đến các doanh nghiệp, cơ sở, đơn vị liên quan để biết và yêu cầu cam kết thực hiện. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc ký cam kết của các chủ hàng, chủ phương tiện. Tăng cường KSTT xe trên các tuyến giao thông đường bộ và xử phạt nghiêm, xử lý tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô hoặc thu hồi phù hiệu xe container vi phạm theo quy định”. (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu) |
Chưa bàn tới chất lượng xây dựng, chúng tôi nhận thấy độ an toàn của đường sá trên địa bàn tỉnh liên tục bị xe quá tải, quá khổ đe dọa. Suốt thời gian dài, thực trạng này để lại nhiều hậu quả, gây lãng phí kinh phí bảo trì, nâng cấp cũng như kìm hãm phát triển kinh tế vùng, địa phương. Trên các tuyến QL 14G, 14B, 14D, 14E, 24C, 40B (ĐT616 cũ) do trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý và 17 tuyến ĐT, tai nạn giao thông xảy ra với mật độ thường xuyên hơn.
Thời gian qua, UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp và đã triển khai KSTT, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải đối với ô tô vận chuyển hàng hóa tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động Quảng Nam. Lực lượng chức năng của tỉnh (thanh tra GTVT và cảnh sát giao thông) tổ chức cân trên QL1 và đường Hồ Chí Minh. Sự vào cuộc mạnh mẽ trên đã tạo hiệu ứng tích cực, được dư luận xã hội ủng hộ, số xe chở quá tải giảm rõ rệt. Biện pháp KSTT mang tính răn đe, vừa giáo dục lái xe và chủ xe ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về tải trọng hàng hóa khi chuyên chở trên đường bộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy vậy, công tác trên đang bộc lộ nhiều hạn chế nhất định. Một cán bộ thanh tra cho hay, lực lượng chức năng đón đường này, tài xế lại tránh né qua đường khác, thậm chí còn xuất hiện “cò mồi” dẫn xe thoát trạm cân. Vì “trọng” cân trên QL1 và đường Hồ Chí Minh theo sự chỉ đạo từ bộ ngành trung ương, các tuyến QL ủy thác cùng 17 tuyến ĐT bị chủ phương tiện lẫn nhà sản xuất, người mua hàng hóa…tận dụng triệt để.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức để 8 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn ký cam kết không vượt quá trọng tải cho phép. Điều này là rất cần thiết song như vậy chưa đủ. Thực tế đã phản biện, nhiều xe chuyên chở xi măng Xuân Thành từ Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ (Nam Giang), hoặc gạch men Prime (nhà máy tại Đại Lộc) là của các đại lý vật liệu xây dựng, chứ không phải thuộc chính doanh nghiệp đó. Cho nên, lực lượng chức năng của tỉnh và địa phương cần phải KSTT ngay trên các QL ủy thác, các tuyến ĐT và cả đường huyện, giao thông nông thôn. Nguyên Giám đốc Sở GTVT - ông Trương Văn Cận cho rằng, lực lượng chức năng cũng phải KSTT ngay khi xe vừa ra tới bến cảng; lắp đặt cân cố định tại các trạm thu phí mới nâng cao hiệu quả đích thực.
CÔNG TÚ