Đơn giản… cứ làm sai
Mới rồi, Sáu Còi được người bạn đưa đi bằng xe máy trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Đến khu vực ngã tư đường Trưng Nữ Vương - Hùng Vương, anh ta thấy đèn đỏ bật lên nhưng không dừng lại trước vạch mà cho xe rẽ phải qua luôn đường Hùng Vương. Sáu Còi hốt hoảng trách vì sao không tuân thủ quy tắc giao thông, người bạn mới giật mình rồi hỏi: “đèn đỏ không được rẽ phải hả anh?”. Tôi giải thích rằng, người tham gia giao thông tuyệt đối tuân thủ theo các đèn xanh, vàng, đỏ đang hoạt động. Đồng thời chứng minh, khu vực có lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông như ngã ba Phan Bội Châu - Nguyễn Hoàng, người điều khiển phương tiện chỉ được rẽ phải khi cơ quan chức năng gắn thêm biển báo phụ “Đèn đỏ được rẽ phải”. Nghe vậy, anh này thổ lộ quy tắc đơn giản thế mà lâu nay cứ tưởng khi đèn đỏ sáng là mình cứ rẽ phải vô tư, chứ ai ngờ vi phạm luật.
Người dân đi ngược chiều vào làn đường dành cho xe cơ giới rất nguy hiểm. Ảnh: S.CÒI |
Khoản 3, điều 10 của Luật Giao thông đường bộ ghi rõ, tín hiệu đèn đỏ là cấm đi. Tuy nhiên ngoài tín hiệu đèn giao thông, hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ còn có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn. Tại điều 11, Luật Giao thông đường bộ: Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời (biển báo phụ - PV), người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời. Như vậy, nếu đến ngã ba, ngã tư có tín hiệu đèn đỏ, không có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hoặc loại báo hiệu nào khác cho phép được rẽ thì người điều khiển phương tiện không được rẽ để đảm bảo an toàn giao thông. Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô nếu vượt đèn đỏ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng; còn người điều khiển xe gắn máy sẽ bị phạt tiền 200 - 400 nghìn đồng. Ngoài ra, người vi phạm cũng bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 1 tháng.
Ở địa bàn tỉnh ta, đường một chiều (còn gọi là đường đôi) “mọc” lên khá nhiều. Trên đó, cơ quan chức năng có gắn biển báo hiệu “Cấm đi ngược chiều” (biển có hình tròn màu đỏ, ở giữa có vạch kẻ ngang màu trắng). Chủ phương tiện mà cố tình lưu thông ngược chiều sẽ là chướng ngại với các đối tượng tham gia giao thông khác và rất dễ gây va chạm, thậm chí dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Biết đó là đường một chiều, nhiều người vẫn tự nhủ chạy xe máy “ngược” một đoạn thì có sao đâu? Có trường hợp “lấn” sang làn đường dành cho xe cơ giới tạo nên cảnh đối đầu trực tiếp rất nguy hiểm. Theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP, người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và xe gắn máy đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều” (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt tiền 200 - 400 nghìn đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 1 tháng. Chính vì thế, bà con mình cần nghiêm túc tuân thủ pháp luật có liên quan, chớ “linh hoạt” sai kẻo không “tiền mất tật mang”.
SÁU CÒI