Trông người lại ngẫm đến ta
Vài lần lưu thông trên tuyến quốc lộ 14B đi từ Nam Giang ra TP.Đà Nẵng đúng vào giờ tan tầm cuối buổi chiều, Sáu Còi đều có “duyên” dừng lại bởi gặp phải đèn đỏ của hệ thống tín hiệu đèn giao thông tại ngã tư Hòa Khương (xã Hòa Khương) và ngã ba Hòa Phong (xã Hòa Phong) trước trung tâm hành chính huyện Hòa Vang. Nhờ vậy, Sáu tôi mới nghe được giọng phát thanh viên vang vọng từ hệ thống loa truyền thanh đặt ở khu vực đó. Từ người có giọng đọc truyền cảm và dứt khoát, nội dung chuyển tải nhằm khuyến cáo về những hành vi đơn giản, gắn liền với thực tế hằng ngày người tham gia giao thông đường bộ không được vi phạm. Tuy rất ngắn gọn, xúc tích nhưng đảm bảo yêu cầu dung lượng cần tuyên truyền. Việc triển khai theo hình thức này khiến người đi đường dù chỉ đứng lại trước đèn đỏ thời gian ngắn, song họ “đón nhận” khá nhiều thông tin cảnh báo về tầm quan trọng khi chấp hành đúng pháp luật trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Nhìn lại ở tỉnh ta, công tác tuyên truyền trên lĩnh vực ATGT đã có bước chuyển tích cực về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, hiệu quả đạt được theo như lời người đứng đầu ngành giao thông thừa nhận là còn khá khiêm tốn. Hết năm này qua năm nọ, điệp khúc đánh giá “chưa đến được với mọi người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa” cứ thế mãi xướng lên trong các buổi báo cáo tổng kết. Điều đó chứng tỏ, giải pháp đặt ra và phương pháp thực hiện ở các cấp, đặc biệt là tại cơ sở thật sự có vấn đề. Lãnh đạo các địa phương không phải bàng quan trước thực trạng người dân vi phạm pháp luật về trật tự ATGT để rồi xảy ra vấn nạn đau lòng, nhưng việc trăn trở suy nghĩ và nỗ lực tìm ra phương án nhằm hóa giải tồn tại thì không được mấy ai quan tâm đúng mức. Ngay cả chuyện tham gia các cuộc họp sơ kết, tổng kết, các vị trưởng ban ATGT các huyện, thành phố hoặc xã, phường, thị trấn vắng khá nhiều. Do đó, giải pháp mà cấp trên triển khai xuống cho người có trách nhiệm đứng đầu được lĩnh hội chưa đầy đủ. Kinh phí phục vụ đảm bảo trật tự ATGT không “tiêu hết” hoặc sử dụng vào mục đích tuyên truyền ở lĩnh vực khác.
Lại nói về hiệu quả tuyên truyền trật tự ATGT, Sáu Còi đã từng nghe nhiều lần các chương trình phát thanh ở cơ sở, song chưa mấy ấn tượng với chuyên mục tìm hiểu pháp luật bởi phát thanh viên đọc dài lan man, thiếu trọng tâm. Họ chưa chắt lọc ra những hành vi đơn giản như không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia quá nồng độ, đi sai làn đường, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ… mà người tham gia giao thông thường xuyên vi phạm, và nguy cơ xảy ra tai nạn. Trong khi đó, hệ thống loa đặt chưa đúng chỗ, thời điểm phát chưa trúng vào “giờ vàng” người điều khiển phương tiện xuống đường đông nhất. Nếu không chịu khó học hỏi để làm mới, Sáu Còi nghi ngờ mục tiêu tuyên truyền đề ra theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” còn lâu mới thành hiện thực.
SÁU CÒI