Vất vả với xe quá tải

CÔNG TÚ 16/06/2014 13:48

Từ khi Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23 đưa vào hoạt động, cũng là lúc nhiều thành viên thuộc các lực lượng chức năng phải “mất ăn mất ngủ” vì ngày đêm kiểm tra và đối phó với những “kế sách” của cánh lái xe quá tải.

Bám đường

Lăn lộn cùng lực lượng Thanh tra giao thông vận tải (GTVT) thuộc Sở GTVT và Cảnh sát giao thông Công an tỉnh trên nhiều tuyến đường huyết mạch đặt trạm cân lưu động, chúng tôi mới cảm nhận được nỗ lực vượt khó của các thành viên. Cái nắng chói chang giữa trưa hè, cộng thêm hơi nóng hừng hực từ bê tông nhựa đường hắt lên khiến cho ai thấy cũng ái ngại, vậy mà mỗi ca trực cân gồm 6 người (4 thanh tra viên) lại chen chúc nhau dưới 2 cái dù nhỏ bé để thực hiện nhiệm vụ. Những lúc đặt cân trên đường Hồ Chí Minh, nhiều thành viên phải cố gắng để không chợp mắt mặc dù đêm khuya núi rừng vắng vẻ, lạnh lẽo. Ý thức trọng trách được giao, lực lượng liên ngành phải chia ca triển khai nhiệm vụ suốt 24/24 giờ để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng xe quá tải vượt trạm.

Mất gần một buổi, trạm cân lưu động trên đường Hồ Chí Minh mới lắp đặt xong.Ảnh: CÔNG TÚ
Mất gần một buổi, trạm cân lưu động trên đường Hồ Chí Minh mới lắp đặt xong.Ảnh: CÔNG TÚ

Tâm sự với chúng tôi, ông Trần Thế Lai - Đội trưởng Đội thanh tra giao thông số 1 (Thanh tra Sở GTVT) cho hay, hiện trạm cân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành. Những ngày đầu, trạm hay bị nghẽn mạch, trục trặc, lỗi đường truyền gây khó khăn cho kiểm tra kết quả cân xe dẫn tới số liệu có sai lệch. Thực trạng đó làm lái xe phản ứng quyết liệt, họ cho rằng cân này “già” hơn so với cân dịch vụ nên không hài lòng với kết quả xử phạt. Ngoài ra, biên chế để trạm cân hoạt động đảm bảo theo quy định phải có ít nhất 8 người cho 1 ca làm việc. Trong khi đó, thanh tra GTVT chỉ có 20 người, ngoài việc cân xe còn phải tiến hành 10 cuộc thanh tra theo đoàn hàng năm và triển khai không ít nhiệm vụ khác được giao. “Đối mặt thời tiết khắc nghiệt, các thành viên thay phiên nhau làm liên tục 24/24 giờ quả là sự cố gắng vượt bậc. Nhiều lần đi trực khuya về, tôi nằm ngủ cũng thấy chiêm bao… trạm cân” - ông Lai thổ lộ.

Lực lượng liên ngành kiểm soát trọng tải xe.
Lực lượng liên ngành kiểm soát trọng tải xe.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cử cán bộ chuyên môn vào khắc phục sự cố nên cân mới vận hành chính xác kết quả. UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho ký hợp đồng thêm 6 người, bổ sung vào Thanh tra GTVT làm nhiệm vụ cân xe. Nhưng theo ông Võ Quang Lâm - Chánh Thanh tra Sở GTVT, lực lượng liên ngành vẫn chưa hết khổ mỗi lần di động lựa chọn vị trí lắp đặt trạm cân phù hợp với quy chuẩn quy định. Nếu chọn được địa điểm đủ rộng, lưu thông an toàn thì lại không bảo đảm độ phẳng, độ cứng mặt đường nên thiết bị cân thiếu chính xác. Quốc lộ 14B có mật độ ô tô tải lưu thông đông, song khảo sát mãi không tìm ra khu vực đặt trạm đúng quy chuẩn. Vấn đề xử lý đối với các ô tô chở xi măng, xăng dầu, nhựa lỏng, chất lỏng, xe đông lạnh, xe chở container vi phạm chẳng hề dễ dàng do không có thiết bị, kho bãi để hạ tải.

Nhiều “chiêu” đối phó

Thực tế khi không còn có lý do phàn nàn chuyện cân đúng cân sai, cánh lái xe liền nảy ra “kế sách” đối phó với lực lượng chức năng. Biết khó “né” vì trạm cân hoạt động suốt ngày đêm, tài xế điều khiển xe chạy vào các tuyến đường nội thị, các tuyến đường tỉnh lộ, đường huyện hoặc giao thông nông thôn đã làm ảnh hưởng xấu đến kết cấu cầu, đường và mất trật tự an toàn giao thông. Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Phạm Ngọc Thanh kể, vừa qua xuất hiện một số đối tượng “cò mồi” hoạt động gần khu vực đặt trạm cân nắm thông tin thời điểm đổi ca để “dắt” lái xe vượt trạm. Có người còn ra giá 500 nghìn đồng/trường hợp dẫn xe đi đường vòng, ngoài tầm kiểm soát của trạm cân đặt tại khu vực đường tránh Nguyễn Hoàng (TP.Tam Kỳ). Khá đông xe chở hàng khô áp dụng “chiêu” nằm lỳ ven đường, khu vực quán ăn, bán xăng dầu…

Trong tháng 5.2014, lực lượng liên ngành kiểm tra 286 ô tô tải, trong đó có 31 xe chở quá tải bị lập biên bản vi phạm hành chính. Thanh tra Sở GTVT đã ban hành quyết định xử phạt số tiền 173,65 triệu đồng; tước giấy phép lái xe đối với 24 trường hợp. Ông Võ Quang Lâm - Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên kiểm tra, nâng cấp phần mềm của trạm cân, đồng thời yêu cầu đơn vị cung cấp bộ cân lưu động hỗ trợ, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật khi địa phương có ý kiến. Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu lộ trình kiểm soát tải trọng xe cho phù hợp thực tế hiện nay. Đơn cử như, xe có trọng tải lớn, phá hoại cầu đường cần áp dụng ngay biện pháp xử lý kiên quyết; còn xe có trọng tải nhỏ, chở quá tải thiết kế nhưng không quá tải cầu đường thì nên có lộ trình nhất định”.

Đầu tháng 6 này, lực lượng liên ngành tiếp tục kiểm soát trọng tải xe trên đường Hồ Chí Minh, đoạn km1372 qua địa bàn xã Phước Xuân (Phước Sơn). Có mặt cùng đoàn ngày đầu tiên, chúng tôi nhận thấy các thanh tra viên mất 3 giờ đồng hồ mới lắp đặt xong trạm cân. Kiểm tra kỹ càng công tác chuẩn bị, lực lượng chức năng triển khai “mở hàng” là xe bồn xăng dầu BKS 43S-9153, do tài xế Nguyễn Văn Tứ điều khiển chở vượt quá trọng tải thiết kế đến 30,4%. Với lỗi vi phạm nêu trên, ông Tứ bị lập biên bản phạt 4 triệu đồng, tạm giữ giấy phép lái xe 60 ngày; đồng thời doanh nghiệp sở hữu phương tiện là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Ngọc Khánh - Đà Nẵng cũng bị phạt 6 triệu đồng. Khi lực lượng chức năng yêu cầu ký vào biên bản, tài xế này “câu giờ” bằng nhiều cách, lúc thì nói đợi điện thoại cho ai đó, khi đề nghị cân lại. Yêu sách đó không được ông Trương Văn Sơn - Đội trưởng Đội thanh tra giao thông số 2 (trưởng ca trực) chấp thuận, lái xe Tứ đổi giọng năn nỉ xin “tháo” giấy phép lái xe, vì phải nằm nhà tới 60 ngày. Trước thái độ kiên quyết, dứt khoát của người thực thi công vụ, Tứ đành chấp nhận hình phạt. 

Không rõ có phải do “bị động”, suốt từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều, đoàn liên ngành mới đón được thêm 2 xe tải chở hàng. Cả 2 xe đều chở đúng trọng tải, trong đó có 1 phương tiện vừa bị cân ở Kon Tum vào sáng sớm. Chúng tôi khảo sát một quãng cách trạm cân khoảng 5km thì thấy tại một điểm kinh doanh ăn uống có hàng chục xe tải trọng lớn chở xi măng, ống nước… nằm chờ cơ hội thoát đi. Theo Trung úy Nguyễn Minh Tài - cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, trạm cân đi vào hoạt động ở tuyến nào thì phương tiện lưu thông qua đó chủ yếu thực hiện chở đúng tải. Họ sợ “dính” sẽ vừa mất nhiều tiền, giấy phép lái xe bị tạm giữ trong khi nó là “cần câu cơm” của cánh tài xế. Về lâu dài, ông Trương Văn Sơn cho rằng nên đặt cân ở trạm thu phí qua địa bàn tỉnh, các thiết bị hiện đại sẽ giúp lực lượng chức năng kiểm soát được phương tiện vi phạm. Điều này không những giảm tải cho thanh tra viên mà còn tiết kiệm khoản chi phí khá lớn cho hoạt động của trạm. Còn theo nguyên Giám đốc Sở GTVT - ông Trương Văn Cận, việc tuần tra, kiểm soát phương tiện vi phạm cần thực hiện ngay tại các cảng biển. Ngành chức năng phải có chế tài đối với cảng biển nào “thờ ơ” với xe chở quá trọng tải cho phép.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ