Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chưa đáp ứng tiến độ
Mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chỉ đạo, song, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Từ chính sách
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài 139,52km (qua địa bàn Quảng Nam dài 91,5km). Công tác GPMB được tách thành 3 tiểu dự án độc lập và giao UBND các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP.Đà Nẵng tổ chức thực hiện với chi phí là 1.074 tỷ đồng. Trong đó, Quảng Nam là 457 tỷ đồng. Thời gian qua, UBND tỉnh cùng các cấp, ban ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai nhiều giải pháp về GPMB theo nguyên tắc “dân chủ - công khai - đúng luật”. Song nhìn chung, tiến độ thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Giải phóng mặt bằng chậm khiến tiến độ xây dựng đường cao tốc bị ảnh hưởng. Ảnh: C.T |
Điện Bàn là địa phương đầu tiên trong các huyện, thành phố của tỉnh thực hiện sớm GPMB, giúp chủ đầu tư khởi công gói thầu 3A thuộc km16+880 - km18+100 (thôn Kỳ Long, Điện Thọ). “Vì đi trước, chúng tôi luôn gặp “bối rối” bởi nhiều vướng mắc phát sinh khi triển khai thực tế” - ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn chia sẻ. Đến nay, địa phương này đã bàn giao 9km đất nông nghiệp tại các gói thầu số 2, 3A, 3B và 7,5ha qua nút giao Mỹ Sơn (tuyến ĐT609 với đường cao tốc) cho VEC. Thế nhưng, câu chuyện chung quanh về suất đầu tư hạ tầng, giá cả đền bù, diện tích lô TĐC đang là rào cản tiến độ khi đụng đến đất ở, nhà cửa của nhân dân.
Những điều chỉnh qua việc tháo gỡ vướng mắc điển hình ở Điện Bàn đã được tỉnh nhân rộng ra các huyện, thành phố có dự án đường cao tốc đi qua. Nhưng theo ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, thực tế lại phát sinh, người dân so sánh giá đất lúa giữa xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) với xã Tam Đại có thửa nằm liền kề chênh lệch quá cao (vị trí 1 ở xã Tam Ngọc 55.000 đồng/m2, còn Tam Đại chỉ 28.600 đồng/m2). Vậy nên, họ không thống nhất nhận tiền đền bù khi áp giá. Đối với Quế Sơn, giá thay thế ở các khu cải táng mồ mả chưa ban hành nên địa phương không thể áp dụng đơn giá bồi thường.
...đến con người
Qua kiểm tra thực tế GPMB dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng đoàn công tác UBND tỉnh, chúng tôi nhận thấy ở một số địa phương chưa huy động được sự vào cuộc đồng bộ. Điển hình như Núi Thành, trong quá trình thực hiện, nhiều vấn đề khó khăn nảy sinh tại cơ sở đã không kịp thời tháo gỡ. Phương pháp vận động để các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng hiểu được chủ trương thu hồi đất phục vụ dự án chưa linh hoạt, sâu sát. Công tác tuyên truyền, giải thích thiệt hơn giúp cho người dân thống nhất hình thức lựa chọn nhận suất đầu tư hạ tầng hoặc vào các khu tái định cư (TĐC) chưa được quan tâm đúng mức. Thế nên, việc xác định số hộ cần bố trí TĐC tập trung rồi lập dự án, đầu tư xây dựng khu tương ứng với quy mô giải tỏa bị động, dẫn đến mặt bằng bàn giao diễn ra không đúng như dự kiến.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi hoàn thành sẽ thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân của cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng. Tuyến đường hoàn thành cũng góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế (Lào - Campuchia - Việt Nam) qua hành lang kinh tế Đông Tây đến các cảng biển miền Trung. Ngoài ra, tuyến đường đóng góp quan trọng cho việc đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp nhân dân trong khu vực vốn thường xuyên bị ngập lụt nặng nề vào mùa mưa lũ. |
Tương tự, tiến độ triển khai GPMB ở một số huyện như Quế Sơn, Núi Thành... cũng bị ảnh hưởng khi các đơn vị sở hữu hạ tầng kỹ thuật trên tuyến (nước, viễn thông, điện lực...) chậm lập hồ sơ thủ tục, phương án bồi thường, tổ chức di dời. Điều này khiến địa phương không thể chủ động trong việc bàn giao mặt bằng cho VEC. Ngoài ra, nhà thầu chưa cho thấy thiện chí hợp tác, đồng cảm chia sẻ khó khăn cùng địa phương và nhân dân vùng dự án nhằm giải quyết rốt ráo các vấn đề an sinh quanh khu vực công trường. Đáng nói, doanh nghiệp đảm nhận thực hiện gói thầu 3A ở phía bắc cầu Kỳ Lam (thôn Kỳ Long) là Cienco 4 mượn đường dân sinh qua 2 thôn Kỳ Long, Kỳ Lam (Điện Thọ) để làm đường công vụ vào công trình đã gây xuống cấp nặng tuyến đường này như báo Quảng Nam phản ánh.
Mặc dù đã có kết luận về mức độ thiệt hại do rung chấn, phía UBND huyện Điện Bàn đề nghị doanh nghiệp ký quỹ (3,1 tỷ đồng) đền bù; tuy nhiên, công ty này không đồng ý. Sự chần chừ, so đo “thiệt - hơn” từ phía nhà thầu khiến địa phương chưa thể tổ chức họp thông báo cho người dân thống nhất nội dung liên quan mà yên tâm tháo dỡ gác chắn. “Chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công dự án trong thời gian dài cần tích cực phối hợp, hợp tác cùng chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền GPMB, làm tốt công tác an dân. Làm sao đó khi thi công phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người dân, không thể để họ chịu thiệt thòi” - ông Lê Trí Thanh nói.
CÔNG TÚ