Vận tải hành khách bằng xe buýt: Nhiều biện pháp chấn chỉnh

CÔNG TÚ 03/12/2013 08:42

Vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại không ít bất cập khiến người dân bức xúc. Lãnh đạo ngành GTVT đang có nhiều giải pháp siết chặt hoạt động.

Xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ luôn nhồi nhét hành khách. Ảnh: CÔNG TÚ
Xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ luôn nhồi nhét hành khách. Ảnh: CÔNG TÚ

Không buông lỏng   

Thời gian qua, bạn đọc có nhiều ý kiến gửi đến Báo Quảng Nam thể hiện sự bức xúc trước hoạt động của các tuyến xe buýt nói chung và tuyến xe buýt 2 chiều Hội An - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Đà Nẵng nói riêng. Trao đổi với chúng tôi sau khi xem nội dung phản ánh, ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở GTVT xác nhận, qua công tác quản lý, kiểm tra hoạt động phục vụ của các tuyến xe buýt Quảng Nam - TP.Đà Nẵng cũng như các tuyến xe buýt nội tỉnh đang khai thác cho thấy đang tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục chấn chỉnh. Đồng thời khẳng định Sở GTVT không buông lỏng đối với loại hình dịch vụ vận tải công cộng.

Theo quy định, giá vé suốt tuyến xe buýt Hội An - Đà Nẵng và ngược lại là 18 nghìn đồng/lượt hành khách và giá vé các chặng trên tuyến đã được niêm yết trên xe. Nhân viên phục vụ xe buýt thu giá vé cao hơn quy định, hành khách có quyền khiếu nại, kiến nghị, phản ánh về cơ quan quản lý tuyến và đơn vị vận tải chủ quản của xe. “Trường hợp nhân viên thu giá vé đi từ đường Điện Biên Phủ qua cầu Trần Thị Lý (TP.Đà Nẵng) là 15 nghìn đồng/lượt hành khách, đề nghị bà con cung cấp thông tin về biển kiểm soát xe và thời gian nào đi xe để ngành kiểm tra, giải quyết xử lý vi phạm theo Quy chế liên sở giữa Sở GTVT Quảng Nam và Sở GTVT TP.Đà Nẵng. Nếu trường hợp xe của đơn vị vận tải TP.Đà Nẵng thì chúng tôi có ý kiến đề nghị Sở GTVT TP.Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm” - ông Cận nói.

Cũng theo ông Trương Văn Cận, công tác kiểm tra (kể cả qua thiết bị giám sát hành trình), giải quyết và xử lý vi phạm chở quá số người quy định, thu giá vé cao, chạy sai hành trình, đậu đỗ tùy tiện, xe chạy đến bến trễ giờ từ 15 phút/chuyến trở lên, chạy quá tốc độ... đã được Thanh tra GTVT của 2 Sở GTVT Quảng Nam và TP.Đà Nẵng thường xuyên thực hiện. Cạnh đó, các phòng chức năng liên quan của 2 sở phối hợp với các đơn vị vận tải đi kiểm tra và tham mưu lãnh đạo ngành xử lý những trường hợp sai trái. Thời gian vừa qua, Thanh tra Sở GTVT ngoài xử phạt hành chính còn đình chỉ phiên, chuyến nhiều xe vi phạm về thời gian, niêm yết, lộ trình... Lực lượng này còn phối hợp với công an xử lý nghiêm theo quy định đối với xe buýt vi phạm.

Nhiều biện pháp

Hiện nay có 8 tuyến xe buýt không trợ giá (Nhà nước chưa hỗ trợ vốn đầu tư phương tiện, đơn vị vận tải phải đầu tư toàn bộ về vốn mua sắm) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Với tần suất bình quân 472 chuyến/ngày tại 2 đầu tuyến, đã đảm bảo cơ bản phần lớn sự đi lại của nhân dân. Đặc biệt, tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng đã phục vụ cán bộ, công nhân, công chức, viên chức sinh sống tại TP.Đà Nẵng vào làm việc tại Quảng Nam và ngược lại. Từ những xe cũ trước đây, các đơn vị vận tải mạnh dạn đầu tư mua sắm mới phương tiện có chất lượng tốt hơn đưa vào thay thế.

Tuy nhiên, thực trạng nhà xe tháo bớt ghế, dồn thúc các ghế lại sau khi đăng kiểm (chứ không thực hiện thời điểm đến đăng kiểm) là việc làm tự ý của một số quản lý xe. Theo ông Trương Văn Cận, vấn đề này cơ quan quản lý tuyến đã yêu cầu lãnh đạo đơn vị vận tải chủ quản, lãnh đạo phụ trách hai đầu tuyến tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết không bố trí hoạt động, không ký giấy đi đường đối với hành vi nêu trên. Trường hợp niêm yết không đầy đủ các thông tin về số điện thoại đường dây nóng, có xe không có, biển báo bị xóa..., qua kiểm tra ý kiến phản ánh của hành khách là có thật. Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục ngay và thường xuyên kiểm tra từng xe, yêu cầu chấn chỉnh trước khi đưa ra hoạt động. Quy định số điện thoại đường dây nóng là số điện thoại cố định khá hợp lý, mỗi đơn vị vận tải đều có số điện thoại riêng. Ý kiến của hành khách bằng văn bản, thư gửi, email, điện thoại gọi đến cơ quan quản lý tuyến, đơn vị vận tải chủ quản đều được kiểm tra, giải quyết, xử lý kịp thời và thông tin lại cho hành khách theo quy định. Ngành cũng đề nghị các đơn vị vận tải cần bổ sung thêm số điện thoại di động, bố trí cán bộ thường xuyên trực đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh.

Vào các ngày và giờ cao điểm, lưu lượng đi lại trên tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng và ngược lại tăng cao, vì vậy 2 sở đã quyết định cho tăng số chuyến từ 64 chuyến/ngày thành 120 chuyến/ngày, bình quân hoạt động 12 phút/chuyến tại mỗi điểm đầu (điểm cuối) tuyến. Đồng thời ngành cho phép mở thêm các tuyến 2 chiều: Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Vĩnh Điện - Đại Lộc, Phú Đa - Nam Phước -  Đà Nẵng, Đại Chánh - Đà Nẵng nhằm giảm áp lực, chia sẻ bớt lượng hành khách đi trên tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng. “Sở GTVT Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho loại hình hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Ngành đang tiếp tục phối hợp với Sở GTVT TP.Đà Nẵng, Trung tâm Quản lý tín hiệu Đà Nẵng quản lý hoạt động phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình và camera trên xe, theo dõi, đề xuất xử lý các vi phạm theo quy chế” - ông Cận nói thêm.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ