Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Gấp rút cho ngày khởi công

Công Tú 14/05/2013 08:16

Các bên liên quan đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị để dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khởi công xây dựng vào ngày 19.5 tới đây, nhân kỷ niệm 123 năm sinh nhật Bác Hồ.

  • Ngày 19.5 sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
  • 45 tỷ đồng giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
  • Xây dựng khu tái định cư Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
  • Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Quảng Nam đăng ký giải ngân gần 493 tỷ đồng trong năm 2012
Nhà thầu gấp rút san ủi mặt bằng để tổ chức khởi công.Ảnh: C.TÚ
Nhà thầu gấp rút san ủi mặt bằng để tổ chức khởi công.Ảnh: C.TÚ

Dự án chiến lược

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một bộ phận của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai nghiên cứu khả thi từ năm 2000. Do thiếu kinh phí nên đến tháng 9.2010, Bộ GTVT mới phê duyệt dự án đầu tư với nguồn vốn viện trợ ODA do Chính phủ vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Toàn bộ tuyến có tổng chiều dài 139,52km. Trong đó, bao gồm tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 131,5km với điểm đầu tại Km0+000 thuộc địa phận thôn Túy Loan (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), điểm cuối tại Km131+500 thuộc địa phận xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi); đoạn nối tuyến cao tốc với quốc lộ 1 có chiều dài 8,02km. Tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc có tốc độ thiết kế 120km/giờ; giai đoạn đầu, quy mô mặt cắt ngang đường gồm 4 làn xe, giai đoạn hoàn thiện là 6 làn xe.

Việc triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc này có tầm quan trọng chiến lược. Theo ông Lê Trọng Độ - Phó ban Điều hành dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc Ban Quản lý dự án 85, Bộ GTVT), dự án không chỉ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp (KCN) của TP.Đà Nẵng, 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi mà còn mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Trung, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các KCN, du lịch dọc tuyến. Điển hình là các KCN Liên Chiểu, Hòa Khánh (TP.Đà Nẵng), Khu Kinh tế mở Chu Lai, KCN phía tây TP.Tam Kỳ, KCN Quảng Phú, Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Tuyến đường hoàn thành cũng góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế (Lào - Campuchia - Việt Nam) qua hành lang kinh tế Đông Tây đến các cảng biển miền Trung nước ta. Ngoài ra, tuyến đường đóng góp quan trọng cho việc đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp nhân dân trong khu vực vốn thường xuyên bị ngập lụt nặng nề vào mùa mưa lũ...

Chuẩn bị ngày khởi công

Theo Quyết định số 2656/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn I có tổng mức đầu tư 1,472 tỷ USD (tương đương 28 nghìn tỷ đồng) từ các nguồn vốn vay của WB, JICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.074 tỷ đồng (ở Quảng Nam là 457 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 - 2017.
Công tác GPMB được tách thành 3 tiểu dự án độc lập và giao UBND 3 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện. Ông Lê Trọng Độ cho biết, công tác GPMB, TĐC cho toàn tuyến có khối lượng rất lớn với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 963ha, thuộc địa phận 62 thôn, 57 xã thuộc 13 huyện, thành phố của 3 tỉnh, thành phố. Tại Quảng Nam, tuyến đường đi qua địa bàn 28 xã của 7 huyện, thành phố với tổng chiều dài khoảng 91,5km. Gói thầu 3A thuộc Km16+880 - Km18+100, được nhà thầu là liên doanh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 và Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long đảm nhận thi công, thực hiện 34 tháng với giá trị hợp đồng 1.416 tỷ đồng.

Xác định thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB, TĐC) là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, thời gian qua UBND tỉnh cùng ban ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư triển khai nhiều giải pháp theo nguyên tắc “dân chủ - công khai - đúng luật”. Đặc biệt, Điện Bàn là địa phương được tập trung nguồn vốn không nhỏ để tổ chức thực hiện GPMB, TĐC tại 3 xã Điện Tiến, Điện Thọ và Điện Quang. Huyện đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác này, nhất là sau khi thôn Kỳ Long (xã Điện Thọ) được chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chọn làm địa điểm tổ chức lễ khởi công xây dựng gói thầu 3A cũng như cho toàn bộ dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn, huyện đã chi trả bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp cho 96 hộ dân bị ảnh hưởng của xã Điện Tiến; lập phương án bồi thường, hỗ trợ với kinh phí dự toán là 11,5 tỷ đồng đối với 24 hộ bị giải tỏa trắng; dự kiến bố trí 30 lô vào Khu TĐC thôn 2 Thái Sơn. Tại Điện Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã - ông Nguyễn Văn Hùng cho hay, huyện đã tiến hành chi trả bồi thường, hỗ trợ cho hầu hết hộ dân bị ảnh hưởng đất nông nghiệp (757 hộ); khảo sát để chuẩn bị di dời các công trình điện, nước, thông tin liên lạc… phục vụ khởi công gói thầu 3A. Địa phương cũng lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho 22 hộ dân bị ảnh hưởng bởi gói thầu này với số tiền khoảng 13 tỷ đồng. Còn ông Trần Công Quảng - Chủ tịch UBND xã Điện Quang thì thông tin, đến nay huyện đã tiến hành chi trả bồi thường, hỗ trợ cho hầu hết các hộ dân ảnh hưởng đất nông nghiệp (213 hộ); lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho 30 hộ dân bị ảnh hưởng do gói thầu 3A với số tiền khoảng 8,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Quảng cho biết thêm, ngoài các hộ dân nằm trong kế hoạch phải di dời đến nơi ở mới, hiện có thêm 39 hộ dân khu vực thôn Kỳ Lam có kiến nghị được xem xét bố trí TĐC.

Để chuẩn bị chu đáo cho lễ khởi công xây dựng dự án đường cao tốc tại Km17+000 vào dịp 19.5 tới đây, những ngày này, cán bộ và nhân dân thôn  Kỳ Long luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện theo sự chỉ đạo của các cấp. Bí thư Chi bộ thôn - ông Phan Thành Long bày tỏ, bà con ai ấy đều phấn khởi. Triển khai dự án này, hàng trăm hộ của thôn bị ảnh hưởng về đất sản xuất nông nghiệp, gần 40 nhà bị giải tỏa trắng. “Xác định đó là công trình mang tầm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nên không ai phàn nàn mà luôn đồng tình ủng hộ. Sau khi khởi công, nếu nhà thầu đầu tư mở rộng đường dân sinh để làm đường công vụ thi công gói thầu, chúng tôi sẽ cố gắng vận động bà con hiến đất, chỉ cần đền bù cây cối, vật kiến trúc bị ảnh hưởng. Qua đây, nhân dân mong muốn chủ đầu tư, nhà thầu quan tâm đền bù thỏa đáng cho hạng mục cổng chào mà chúng tôi đã đóng góp kinh phí làm từ năm 2003” - ông Long tâm sự.

Công Tú

Công Tú