Hợp tác xã ở miền núi tham gia OCOP
Tham gia chương trình OCOP, hợp tác xã ở miền núi bước đầu nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Những điểm sáng
Tiền thân là Tổ hợp tác Chơ Chim, năm 2017 Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Thiên Bình (xã Lăng, Tây Giang) thành lập, chuyên ươm giống, sản xuất dược liệu theo hợp đồng liên kết.
Năm 2021, đơn vị đã mở thêm 9ha về trồng vùng nguyên liệu cây ba kích; xây dựng trang trại nuôi 39 con dê, 12 con bò; làm vườn rau lủi, rau dớn rộng 2ha để “lấy ngắn nuôi dài”. HTX tạo việc làm tại chỗ cho 32 người Cơ Tu, lợi nhuận đạt hơn 300 triệu đồng/năm.
“Chúng tôi tham gia chương trình OCOP với sản phẩm mà mình dồn hết tâm huyết là “Cao Ba kích” đã đạt chứng nhận 4 sao. Thời gian tới, HTX sẽ xây dựng trung tâm nuôi cấy mô quy mô lớn để bảo tồn, phát triển hàng hóa dược liệu chính; giải quyết 100 lao động người Cơ Tu.
Hoàn thiện hệ thống sản xuất mặt hàng nông sản sẵn có để đăng ký OCOP; xây dựng vườn dược liệu tập trung 50ha, kết hợp du lịch trải nghiệm dược liệu” - ông Nguyễn Bá Hiển, Giám đốc HTX chia sẻ.
Giai đoạn 2018 - 2020, HTX ở 9 huyện miền núi có 39 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao (31 sản phẩm), 4 sao (8 sản phẩm). Năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục công nhận 4 sản phẩm 4 sao (3 sản phẩm nâng cấp), 8 sản phẩm 3 sao.
Tinh dầu “Quế Trà My - Minh Phúc” được HTX quế Trà My - Minh Phúc (xã Trà Giang, Bắc Trà My) chiết xuất hoàn toàn từ vỏ của cây quế Trà My. Từ kết quả kiểm nghiệm, sản phẩm này có nhiều hoạt chất hỗ trợ miễn dịch tốt, ngăn chặn nhiều vi khuẩn và nấm gây hại nhờ đặc tính cay nóng, kháng khuẩn.
“Quế Trà My - Minh Phúc” còn hỗ trợ điều trị cảm lạnh, cảm cúm và ho…Dày công đầu tư, sản phẩm từ đạt chuẩn OCOP 3 sao thì năm 2021 đã nâng hạng lên 4 sao.
Tại xã Tư (Đông Giang), Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tư - ông Lê Duy Trường cho hay, đơn vị có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm chè dây Ra zéh và trà túi lọc.
Sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc, cải tiến bao bì, xây dựng câu chuyện, quảng bá trên website, phương tiện truyền thông. Năm 2021, chè dây Ra zéh được nâng hạng thành 4 sao.
Theo thống kê, nhiều HTX, tổ hợp tác đã quan tâm tham gia OCOP với gần 100 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao, trong đó có không ít HTX ở miền núi. Nhờ đó, họ đã được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, được hỗ trợ tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, giới thiệu quảng bá...
Từ đây, HTX không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường; huy động nguồn lực mở rộng sản xuất, hoàn thiện và gia tăng giá trị sản phẩm. HTX còn tham dự các hội chợ, sự kiện lớn nhằm làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường.
Còn nhiều rào cản
Theo ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, HTX ở miền núi thông qua OCOP đã thúc đẩy phát triển sản xuất, khơi dậy nội lực trong người dân để sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương.
Kinh tế miền núi dần phát triển theo hướng hàng hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội.
Tuy nhiên, phát triển sản phẩm OCOP là một chương trình mới, bước đầu thực hiện vẫn còn khá lúng túng, một số địa phương chưa thật sự tập trung trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhiều sản phẩm chưa quy hoạch, xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, chưa áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến.
Cùng với đó, chi phí đầu vào thường xuyên tăng, trong khi sản xuất còn mang tính thủ công nên giá thành một số sản phẩm còn cao. Năng lực của HTX, tổ hợp tác là các chủ thể OCOP còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ, hạn chế đầu tư tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất hàng hóa nên ảnh hưởng đến việc giảm giá thành, cạnh tranh về giá và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Quảng bá xúc tiến thương mại ngoài tỉnh chưa nhiều, chưa mạnh; mẫu mã bao bì của một số sản phẩm chưa thật ấn tượng; nội dung câu chuyện sản phẩm chưa đặc sắc, chưa được tư liệu hóa; tinh thần liên kết, hợp tác còn hạn chế.
Để khắc phục thực trạng trên, theo ông Võ Bảy, Liên minh HTX tỉnh đã chuẩn bị kế hoạch bài bản để vận động thành lập mô hình HTX OCOP tỉnh Quảng Nam, nhằm liên kết các chủ thể tham gia OCOP, nhất là khu vực miền núi để cùng nhau hợp tác, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cấp, phát triển sản phẩm. Tư vấn, hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ đầu vào, đầu ra sản phẩm, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
Còn ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình (xã Lăng, Tây Giang) chia sẻ, doanh thu của HTX đều đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, mua máy móc, vốn lưu động hạn chế. Vì vậy, đơn vị kiến nghị các ban, ngành liên quan tạo thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn hoạt động tưng xứng với quy mô sản xuất hàng hóa lớn.
HTX phấn đấu xây dựng trung tâm nuôi cấy mô 1 triệu cây/năm. Do đó, các sở, ban ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ các thủ tục khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao để HTX có được nền tảng phát triển, giải quyết việc làm lao động miền núi.