Xây dựng lưới điện thông minh ở Hội An
Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) chọn Hội An là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh để triển khai đề án “Phát triển lưới điện thông minh”. Theo đó, Điện lực Hội An từng bước xác định mục tiêu hướng tới cung cấp dịch vụ điện một cách hiện đại, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho người dân; đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động của đơn vị.
Phát trển lưới điện thông minh
Phát triển hệ thống lưới điện thông minh (LĐTM) là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Xác định tầm quan trọng của LĐTM, những năm gần đây, Điện lực Hội An không ngừng đầu tư, nâng cấp từ hệ thống cao áp đến mạng lưới điện nông thôn.
Điều kiện thuận lợi cơ bản khi triển khai LĐTM là trước đó, Điện lực Hội An đã được ưu tiên đầu tư từ nguồn JIBIC với hơn 150 tỷ đồng, tiến hành xây dựng mới và cải tạo 78km đường đây 22kV, 123 trạm biến áp (TBA), kéo mới và cải tạo hơn 170km đường dây 0,4kV (trong đó kéo mới 13km cáp ngầm)... Cho nên, lưới điện phân phối trên địa bàn Hội An được đầu tư và cải tạo, nâng cấp một bước.
Điện lực Hội An quản lý, vận hành 136km đường dây trung áp, 304km đường dây hạ áp và 238 TBA phụ tải, cấp điện cho 33.671 khách hàng ở Hội An và 2 phường thuộc Điện Bàn. Sản lượng điện thương phẩm trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 300 triệu kWh. Trong đó, cơ cấu điện năng tiêu thụ trong công nghiệp thành phố đã tăng từ 11% lên 23%, dịch vụ tăng 25%, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hội An, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân toàn thành phố hàng năm trên 13%.
Thực hiện đề án “Xây dựng LĐTM cho Hôi An”, Điện lực Hội An được đầu tư hơn 67 tỷ đồng để tiến hành cải tạo và thay mới toàn bộ dây dẫn trục chính ở các xuất tuyến trung thế (bổ sung cáp ngầm); xây dựng mới các xuất tuyến ở khu vực phố và các vùng phụ cận; cải tạo toàn bộ các TBA công cộng thành các TBA hợp bộ, bổ sung các thiết bị đóng cắt. Nhờ đó, toàn bộ thông tin hiện trường sẽ cập nhật vào ứng dụng kết nối với các phần mềm khác như Hệ thống quản lý kỹ thuật nguồn, lưới điện (PMIS).
Từ đó, Điện lực Hội An dễ dàng phân tích tình trạng thiết bị trên lưới của trụ, TBA để có phương án sửa chữa, cải tạo nhằm ngăn ngừa sự cố hoặc xử lý khi sự cố xảy ra nhanh chóng và chính xác hơn.
Với hệ thống điều hành SCADA có thể chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, Trung tâm điều khiển xa và TBA 110kV ở Hội An được vận hành chế độ không người trực đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống này giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA...
Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng. Hơn nữa trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, bão lũ, việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác cắt điện các đường dây, TBA, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị.
Hiện đại hóa công tơ khách hàng
Một trong những thiết bị LĐTM được Điện lực Hội An triển khai rộng rãi là lắp đặt công tơ điện tử, có gắn hệ thống đo xa (RF-Spider). Đến nay, Điện lực Hội An là đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử cho khách hàng và đọc chỉ số từ xa.
Với hệ thống đo đếm mới, bất kỳ lúc nào và ở đâu, khách hàng đều theo dõi được tình hình sử dụng điện, điện năng tiêu thụ hàng ngày và hóa đơn tiền điện hàng tháng của nhà mình thông qua nhiều hình thức như tra cứu trên ứng dụng thiết bị thông minh chăm sóc khách hàng qua web cskh.evn, cpc.vn, Zalo… Điều này giúp khách hàng hoàn toàn chủ động được việc điều chỉnh sử dụng điện phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả sử dụng điện cao nhất.
Ngoài ra, chỉ số công tơ theo định kỳ được thu thập từ xa và cung cấp trực tiếp đến khách hàng thông qua tin nhắn SMS nên sẽ không còn trường hợp đến gọi cửa làm phiền khách hàng qua việc ghi chỉ số công tơ như trước đây. Công nghệ mới này cũng sẽ giúp khách hàng giảm thời gian mất điện, vì qua theo dõi dữ liệu trực tuyến, ngành điện sẽ sớm phát hiện để xử lý kịp thời sự cố có khả năng gây hư hỏng cho thiết bị điện, lưới điện.
Theo ông Bùi Văn Phương - Giám đốc Điện lực Hội An, trong những năm đến, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn lao động; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; duy trì lộ trình giảm tổn thất điện năng; đảm bảo tiến độ và hiệu quả các công trình đầu tư xây dựng; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng để tiếp tục đồng hành với khách hàng sử dụng điện và góp phần vào sự phát triển năng động của Hội An.