Tăng tốc thị trường bán lẻ
Sức mua của người tiêu dùng tăng lên đang tạo lực đẩy để thị trường bán lẻ tăng tốc. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa.
Theo thống kê của Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 3 ước đạt hơn 3.900 tỷ đồng, tăng 8,57% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh khó khăn chung của dịch Covid-19, thị trường nội địa chính là bệ đỡ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Không đợi đến mùa hè nóng nực, ngay từ tháng 3, hàng loạt nhà bán lẻ đã khuyến mãi sâu hàng điện lạnh, kích cầu tiêu dùng, khơi thông thị trường.
Tiêu biểu như Siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn (đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) đã giảm giá đến 50% các mặt hàng tủ đông, máy làm mát, quạt máy, máy lạnh...
Anh Lê Duy Khoa - quản lý Siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu và cạnh tranh gắt gao của các doanh nghiệp cùng kinh doanh hàng điện máy như Điện máy xanh, Nguyễn Kim... thì không thể không khuyến mãi sâu và chăm sóc khách hàng đặc biệt”.
Ở các chợ truyền thống, hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại, phong phú mẫu mã. Ở các chợ Hà Lam (Thăng Bình), Nam Phước (Duy Xuyên), Vĩnh Điện (Điện Bàn) nhộn nhịp người mua kẻ bán các mặt hàng thiết yếu, nông nghiệp, hải sản, hàng công nghiệp nông thôn.
Có thể nhận thấy với xu hướng ưu tiên hiện đại, tiện lợi, sự dịch chuyển mua sắm của người tiêu dùng về phía siêu thị là không thể tránh khỏi nhưng chợ truyền thống vẫn là kênh mua sắm chiếm lượng lớn khách hàng vào thời điểm này.
Theo ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, chợ truyền thống vẫn lôi cuốn, thu hút khách hàng của riêng mình với các tính năng gần gũi với đời sống thường nhật của người dân. Vì vậy ngành công thương cần tính toán, cân nhắc để tổ chức lại hoạt động ở các chợ truyền thống theo hướng tạo môi trường ngăn nắp, thay đổi cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Có thể thấy thị trường nội địa nhiều năm qua đã tạo tính tự chủ cho hàng hóa Quảng Nam, giúp doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh bền vững. Theo Sở Công Thương, về lâu dài, các doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, ngành luôn tạo điều kiện để phát triển mạnh thị trường nội địa. Theo đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng, sản phẩm, nhất là hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các địa phương, ổn định cung cầu, giá cả.
Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang đặt ra cấp thiết nên sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, thực hiện sát sao, góp phần bảo vệ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng lành mạnh trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo Sở Công Thương, không dừng lại ở thị trường trong nước, để thúc đẩy thương mại, sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp, hải quan để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng chủ lực như nông, thủy sản trong thời gian tới.