Chung tay vì sản phẩm OCOP

NG.SỰ - Q.VIỆT 30/11/2020 07:58

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nên hơn 3 năm qua việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Hoạt động trưng bày, triển lãm sản phẩm OCOP thường xuyên được ngành chức năng của tỉnh tổ chức Ảnh: S.V
Hoạt động trưng bày, triển lãm sản phẩm OCOP thường xuyên được ngành chức năng của tỉnh tổ chức Ảnh: S.V

Ông Nguyễn Phi Hồng - cán bộ chuyên trách lĩnh vực OCOP của Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay, năm 2020 này Quảng Nam có tổng cộng 135 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Vừa qua, Hội đồng thẩm định của tỉnh đã tiến hành đánh giá, bình xét đợt 1 và tạm thời có 44 sản phẩm được xếp hạng đạt chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao. Dự kiến, giữa tháng 12.2020 tới Hội đồng thẩm định sẽ tổ chức đánh giá, bình xét đợt 2 đối với số sản phẩm còn lại.     

Theo ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, những năm qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh được Hội đồng thẩm định thực hiện khá bài bản, không hề có sự dễ dãi trong quá trình bình xét, xếp hạng. “Để sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận và có chỗ đứng trên thị trường, các chủ thể sản xuất cần phải hết sức quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì... Tôi đơn cử, nhờ thường xuyên đầu tư nâng cao chất lượng và mẫu mã mà 3 năm qua Công ty TNHH Hoa Nam liên tục nâng hạng sao cho sản phẩm đèn lồng Hội An của mình. Năm 2018 sản phẩm này đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh, đến năm 2019 được nâng lên 4 sao và năm 2020 này đã được Hội đồng thẩm định tỉnh chọn gửi hồ sơ ra Trung ương đề nghị xếp hạng 5 sao” - ông Lợi nói.  

Ông Mai Đình Lợi cho rằng, để kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các chủ thể cần tập trung đẩy mạnh khâu quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, tại hầu hết 18 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam đã có nhiều điểm bán hàng OCOP. Tuy nhiên, đối với việc thiết lập trung tâm trưng bày - cung ứng sản phẩm OCOP thì mới chỉ có 2 huyện Tây Giang, Tiên Phước xây dựng và đưa vào hoạt động. Tùy theo tình hình thực tế, thời gian tới địa phương nào có nhu cầu xây dựng trung tâm trưng bày - cung ứng sản phẩm OCOP thì các đơn vị liên quan của tỉnh sẵn sàng hỗ trợ. Khi các huyện đăng ký và đảm bảo những điều kiện cần thiết như xây dựng kế hoạch hoạt động của trung tâm bài bản, cam kết thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, có hợp đồng với các chủ thể OCOP cũng như sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thì tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng thực hiện những phần việc bên trong của trung tâm gồm lắp đặt trang thiết bị trưng bày sản phẩm, hệ thống lạnh... Ngoài ra, các cấp, ngành liên quan của tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ xây dựng một số điểm, trung tâm trưng bày - cung ứng sản phẩm OCOP tại sân bay, nhà ga, bến tàu, bến xe... để người tiêu dùng dễ tiếp cận, mua sắm; tổ chức tập huấn thương mại điện tử giúp cho các chủ thể OCOP nắm phương thức quảng bá, bán hàng hiệu quả.

NG.SỰ - Q.VIỆT