Nâng hạng sản phẩm OCOP

LÊ QUÂN 27/10/2020 21:44

Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020 vừa được Ban chỉ đạo chương trình tổ chức phân hạng, đánh giá đợt 1. Các tiêu chí về chất lượng, sức mạnh cộng đồng và khả năng thương mại hóa được quan tâm hàng đầu.

Dược liệu được xem là nhóm sản phẩm OCOP chủ lực của vùng núi. Ảnh: L.Q
Dược liệu được xem là nhóm sản phẩm OCOP chủ lực của vùng núi. Ảnh: L.Q

Minh bạch, chặt chẽ

Trong tổng số 135 sản phẩm đăng ký năm 2020 đợt này có 53 sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, việc đánh giá sản phẩm OCOP có nhiều thay đổi, ngày càng chặt chẽ, khoa học hơn.

Theo đó, năm 2020, việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21.8.2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, bãi bỏ Quyết định số 978/QĐ-UBND tỉnh ngày 30.3.2018 về ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP giai đoạn 2017 - 2020. Đây là năm đầu tiên Bộ tiêu chí mới của trung ương bắt đầu đưa vào đánh giá các sản phẩm OCOP. Điều này cho phép các tiêu chuẩn thống nhất trong toàn quốc với 3 nhóm về chất lượng, sức mạnh cộng đồng và khả năng thương mại hóa.

Nguồn gốc nguyên liệu, kỹ thuật sơ chế, năng lực và quy mô sản xuất, các yếu tố về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, tiềm năng sản xuất hàng loạt để phân phối ra sao..., buộc chủ thể OCOP phải có bộ hồ sơ trìnhbày cụ thể. Cùng với đó, từ ý tưởng sản phẩm cho đến hoàn thiện bao bì, tổ chức sản xuất kinh doanh như thế nào để kêu gọi sự tham gia của cộng đồng... đều được Hội đồng đánh giá xem xét như một trong các thành tố chính. Như các năm, sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao sẽ do tỉnh cấp chứng nhận. Các sản phẩm đạt chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn 5 sao sẽ do cơ quan chức năng trung ương xếp hạng cấp quốc gia.

Ông Mai Đình Lợi cho biết, năm nay nhiều đơn vị sản xuất đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp bao bì, tem nhãn sản phẩm với hình thức đẹp và chuyên nghiệp hơn. Trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm đạt chất lượng tốt, luôn chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, quan tâm tới các yếu tố như: tem, nhãn mác, mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ..., việc đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP nhằm giúp các chủ thể có điều kiện phát triển sản phẩm hơn.

Gia tăng giá trị sản phẩm

Chi cục Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án OCOP cho giai đoạn 2021 - 2025 để UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh thông qua và ban hành nghị quyết làm cơ sở thực hiện. Theo đó, OCOP đã cho thấy sự tác động rất nhiều mặt đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, tái cấu trúc một số hợp tác xã. Sở NN&PTNT cho biết, đơn vị này đang điều tra đánh giá lại giá trị gia tăng của những sản phẩm OCOP và doanh thu dòng sản phẩm. Tuy thời gian vừa qua có ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP vẫn đang cố gắng vượt qua, doanh thu của các sản phẩm này vẫn cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng dòng khác từ 1,3 - 1,5 lần.

Các chủ thể OCOP của Quảng Nam hiện nay chiếm chủ yếu vẫn là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã. Nhóm này hiện chiếm 60%, ngoài ra nhóm hộ gia đình và tổ hợp tác chiếm đến 40% trong số 200 chủ thể tham gia chương trình OCOP. Đây là nhóm chủ thể đang gặp khó ở khâu xúc tiến thương mại. Trong thời gian tới, theo đại diện Sở Công Thương, xu hướng là phải khuyến khích, tạo điều kiện để họ phát triển trở thành doanh nghiệp để có tư cách pháp nhân, dễ dàng xúc tiến thương mại hơn.

Tiếp tục nâng cấp, củng cố hơn 200 sản phẩm của giai đoạn 1, trong đó phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm 5 sao - tức là sản phẩm xuất khẩu được hoặc tham gia xuất khẩu... là những hoạt động Chương trình OCOP cấp tỉnh đang thực hiện. Bên cạnh đó, tiến đến xây dựng những dòng sản phẩm chủ lực của từng vùng, bao gồm đồng bằng là các sản phẩm từ ngũ cốc, thực vật hoặc các sản phẩm chế biến từ thịt. Vùng miền núi cao là nhóm sản phẩm dược liệu, phía đông vùng cát ven biển xây dựng sản phẩm chủ lực từ chế biến hải sản.

“Mỗi sản phẩm tốt thì phải làm cho được câu chuyện để bán hàng tốt. Đây mới chính là điều OCOP Quảng Nam đang nỗ lực để hướng tới vào giai đoạn tiếp theo” - ông Mai Đình Lợi nói.

LÊ QUÂN