Cần đa dạng kênh phân phối hàng Việt

QUANG VIỆT 17/05/2020 06:09

Để triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Quảng Nam cần đa dạng các kênh phân phối hàng Việt.

Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ tạo điều kiện để nước mắm Ngọc Lan (Tam Thanh, tp.Tam Kỳ) đến với người tiêu dùng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ tạo điều kiện để nước mắm Ngọc Lan (Tam Thanh, tp.Tam Kỳ) đến với người tiêu dùng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Doanh nghiệp tiếp sức

Hơn 10 năm qua, Co.opMart Tam Kỳ là “đất lành” để các sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam rộng mở đến người tiêu dùng qua chương trình “Tự hào hàng Việt”. Với quy mô đầu tư cho kệ hàng Việt tăng mỗi năm, Co.opMart Tam Kỳ tập trung thực hiện giảm giá sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu, hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng, qua đó nâng cao uy tín, gia tăng sức mua hàng hóa “made in Quảng Nam”. Thuận tiện đôi đường, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có kênh phân phối hàng hóa hiệu quả còn người tiêu dùng nhiệt tình hưởng ứng, sôi động mua sắm hàng hóa chất lượng.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, luôn tạo mọi thuận lợi để các sản phẩm thuần Việt đến với đông đảo người tiêu dùng. Điều kiện cần là các cơ sở sản xuất của Quảng Nam phải đáp ứng các tiêu chí gồm đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy đăng ký nhãn hiệu, hồ sơ công bố xác nhận hợp quy, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ...

“Chúng tôi tiếp sức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo cách đi vào chiều sâu, thúc đẩy năng lực của các cơ sở sản xuất. Có vậy, người tiêu dùng mới hưởng lợi khi tiếp cận hàng Việt đảm bảo giá cả phải chăng” - bà Trần Thị Như Lai nói.

Ngoài Co.opMart Tam Kỳ, Công ty TNHH Hoa Mai với 2 cơ sở ở 245 Phan Bội Châu và 300 Trưng Nữ Vương (TP.Tam Kỳ) đã liên tục cập nhật các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) để giới thiệu, bán hàng trong và ngoài tỉnh.

Mỗi lần có khách từ phương xa đến hay có chuyến đi ngoại tỉnh, chị Nguyễn Thu Ái (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) đều liên hệ với Công ty TNHH Hoa Mai để mua các sản phẩm nước mắm, ba kích, giảo cổ lam, mật ong, tiêu, nấm lim xanh, bánh dừa... để tặng người thân.

Chị Ái cho biết: “Rất ấn tượng khi người thân, bạn bè thật lòng khen ngợi các sản phẩm OCOP Quảng Nam. Mong muốn có nhiều cầu nối để các sản phẩm đặc trưng xứ Quảng đến với đông đảo khách hàng trong và ngoài nước”.

Đại diện Công ty TNHH Hoa Mai, chị Nguyễn Thị Viễn cho biết, rất tâm đắc với các sản phẩm OCOP vì thuần chất Quảng. Công ty luôn rộng mở đón nhận các cơ sở sản xuất đưa hàng hóa đến để phân phối đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

“Bán hàng cũng là giới thiệu các giá trị văn hóa xứ Quảng. Chúng tôi luôn xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, rộng mở thị trường để các sản phẩm OCOP ngày càng bán chạy” - chị Viễn nói. 

Rộng mở thị trường

Trải qua hơn 10 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng chứng tỏ ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước nói chung, Quảng Nam nói riêng.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết, luôn chú trọng thực hiện các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, bình ổn thị trường để hàng Việt ngày càng dễ dàng đến tay người tiêu dùng.

“Rộng mở thị trường cho hàng Việt luôn là yêu cầu cấp bách. Doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm cơ hội sản xuất hàng hóa chất lượng. Người dân được tiếp cận hàng Việt chất lượng cao và ngày càng củng cố ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng sản xuất trong nước” - ông Đinh Văn Phúc nói.

Quảng Nam do cách trở địa hình từ miền núi, hải đảo, khu vực ven biển và biên giới nên khó khăn trong đưa hàng Việt về nông thôn. Người dân ở các khu vực này khó có điều kiện tiếp cận được hàng Việt có chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Để khắc phục điều đó, theo Sở Công Thương, sẽ vận động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt tổ chức nhiều hơn nữa các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn.

Để giải quyết vấn nạn một số doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt mà “bỏ quên” chất lượng hàng hóa, gây giảm thiểu niềm tin đối với thương hiệu hàng Việt, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường Quảng Nam có phương án, kế hoạch, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, bảo vệ người tiêu dùng. 

Để tiếp sức cho hàng Việt, Bộ Công Thương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tự hào hàng Việt nhằm tạo sự kết nối giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Bộ Công Thương cũng cần có giải pháp để thúc đẩy sự liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước để chủ động nguyên liệu, mở rộng sản xuất, tạo đa dạng kênh bán hàng, nhất là tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.

QUANG VIỆT