Nâng chất tín dụng chính sách xã hội

Việt Nguyễn 24/10/2019 11:18

Hôm qua 23.10, chủ trì buổi làm việc của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam về hoạt động trong 9 tháng qua, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã quyết định nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng CSXH.

Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở là hoạt động thiết thực, hỗ trợ kịp thời nguồn tín dụng từ Ngân hàng CSXH. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở là hoạt động thiết thực, hỗ trợ kịp thời nguồn tín dụng từ Ngân hàng CSXH. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Khả quan

Tổng nguồn vốn đến hết quý III.2019 của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đạt gần 4.589,8 tỷ đồng, tăng gần 277,8 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động đạt hơn 609,6 tỷ đồng (chủ yếu được huy động từ các tổ chức, cá nhân theo lãi suất thị trường), đạt 47%. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là hơn 240,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là gần 201,7 tỷ đồng, vốn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố hơn 38,3 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã bổ sung vốn 45 tỷ đồng, nhiều địa phương bổ sung vốn đạt kế hoạch, đáng kể là TP.Hội An bổ sung thêm 2 tỷ đồng, nâng mức vốn ủy thác lên 3 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với kế hoạch. Đến hết quý III, có 5 địa phương chưa hoàn thành kế hoạch chuyển vốn đến Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam là Phú Ninh, Duy Xuyên, Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước. Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, trong 9 tháng qua, đã tạo điều kiện giúp 34.144 lượt hộ vay vốn; giúp 2.745 lao động có việc làm; 304 học sinh, sinh viên được vay vốn phục vụ học tập và 952 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng ở khu vực nông thôn.

Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đánh giá, tín dụng CSXH ổn định chất lượng trong 9 tháng qua. Trong tổng số 3.705 tổ tiết kiệm & vay vốn, có 3.202 tổ xếp loại tốt (86,4%), 470 tổ xếp loại khá (12,67%), 31 tổ xếp loại trung bình, cá biệt có 2 tổ ở huyện Thăng Bình và Phú Ninh xếp loại yếu. Về hoạt động giao dịch cấp xã, rất khả quan khi có 8 đơn vị đạt loại tốt, tăng 4 đơn vị so với đầu năm, 10 đơn vị đạt loại khá, không có trung bình và yếu. Chất lượng tín dụng CSXH cấp huyện cũng rất khả quan, 17/18 phòng giao dịch đạt loại tốt, 1 đạt loại khá. Đáng kể, toàn tỉnh có 2 địa phương không có nợ quá hạn là TP.Hội An và huyện Phước Sơn. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh đến hết quý III là hơn 6,3 tỷ đồng, chiếm 0,14% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 0,05%.

Nâng cao chất lượng

Trong quý III.2019, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đã tập trung các nguồn lực, thực hiện hiệu quả việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với các chương trình tín dụng CSXH theo quyết định của Ngân hàng CSXH ngày 22.2.2019 với mức vay mới là 100 triệu đồng, thời gian vay là 120 tháng. Theo đó, đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bình xét công khai, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay được đúng đối tượng, mục đích. Đến nay có 12/18 phòng giao dịch ngân hàng CSXH cấp huyện đã giải ngân vốn vay với số tiền hơn 31,5 tỷ đồng.

Đến hết quý III.2019, các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý dư nợ ủy thác cho vay là gần 4.560,1 tỷ đồng. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nhận ủy thác hơn 1.875,8 tỷ đồng (41,14%). Bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết, thực tiễn cho vay tín dụng CSXH cho thấy, nợ quá hạn tăng từ đầu năm đến nay có nguyên nhân chủ yếu từ khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú. Trong khi đó, công tác theo dõi, quản lý tại cơ sở rất kém, rất khó thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến chất lượng tín dụng. Ngoài ra, chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở chủ yếu là người già cả, neo đơn nên việc thu hồi nợ khó khăn, chủ yếu là khoanh nợ rồi chấm dứt nợ khi họ qua đời. Bà Lộc đặt vấn đề, với các hạn chế kể trên, phải chăng công tác kiểm tra, giám sát của ban đại diện Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có vấn đề, chưa thực hiện hết trách nhiệm được giao? “Nên chăng các Chủ tịch UBND cấp xã gương mẫu và chịu trách nhiệm trong xét duyệt vay vốn tín dụng CSXH cũng như kiểm tra, giám sát sau khi giải ngân nguồn vốn, hạn chế nợ quá hạn, nợ khoanh” - bà Trương Thị Lộc nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, băn khoăn khi TP.Hội An không có hộ nghèo nhưng bổ sung ngân sách vượt 2 tỷ đồng so với kế hoạch, trong khi đó huyện Núi Thành có nguồn thu cao lại tăng vượt bậc so với mọi năm mà lại “lơ là” bổ sung vốn CSXH. Bởi vậy, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam khẩn trương tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các địa phương còn nợ bổ sung nguồn vốn CSXH nhanh chóng thực hiện theo kế hoạch. Ban đại diện Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp làm việc với các tổ vay vốn & tiết kiệm xếp loại yếu, tìm hiểu nguyên nhân, chấn chỉnh hoạt động, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH trong thời gian tới. “Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cần nhanh chóng có lịch làm việc với Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí thêm nguồn vốn ngân sách triển khai hiệu quả chương trình cho vay xuất khẩu lao động nói riêng cũng như thông qua kế hoạch sử dụng vốn ngân sách ủy thác tín dụng CSXH năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2022 nói chung để phục vụ tốt hộ nghèo, hộ chính sách” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.

Việt Nguyễn