Hàng Việt tham gia thương mại điện tử
Đưa hàng Việt lên sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí quảng bá, mở rộng thị trường, đem đến nhiều triển vọng kinh doanh.
Xu hướng chung
Ở sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Nam trên website của Sở Công Thương, nhiều danh mục ngành hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước chào bán. Trong đó, nhiều nhất là hàng Việt của các hợp tác xã, doanh nghiệp, làng nghề Quảng Nam.
Làng nghề nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) đã dành những lời giới thiệu sản phẩm hết sức súc tích, thu hút người xem. Quy trình sản xuất nước mắm Cửa Khe được bắt đầu ngay từ trên tàu, cá cơm sau khi khai thác, được rửa sạch bằng nước biển, loại bỏ tạp chất rồi chượp với muối. Cá chượp bảo quản trong hầm tàu, được phủ bằng một lớp muối dày. Khi về đến làng nghề, cá chượp được bốc dỡ cho vào thùng ủ tiếp khoảng 6 tháng - 1 năm, người dân bắt đầu rút nước mắm nhỉ. Vì được muối ngay từ lúc cá cơm còn tươi sống nên nước mắm có giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon hấp dẫn.
Theo ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương, suốt một thời gian dài, những cơ sở chế biến nước mắm của làng nghề phải xoay xở đầu ra sản phẩm. Trong xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, khẳng định thương hiệu, rộng mở thị trường nước mắm Cửa Khe, địa phương rất tâm đắc với sàn giao dịch thương mại điện tử vì không giới hạn không gian, thời gian, trong hay ngoài nước.
Tương tự, các sản phẩm bàn, ghế từ các chất liệu gỗ, sợi, kim loại của Công ty CP Cẩm Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) cũng được giới thiệu trang trọng ở sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Nam. Không khó để có thể nhận thấy những ưu điểm của thương mại điện tử là giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường, cải thiện hệ thống phân phối, giảm chi phí tiếp thị, bán hàng đồng thời tăng sự tương tác giữa người bán và người mua để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Định - Giám đốc Công ty TNHH Nấm lim xanh Quảng Nam (xã Tam Dân, Phú Ninh) đã đưa các sản phẩm nấm lim xanh, khổ qua rừng, sâm cau rừng, chè dây rừng, táo mèo lên sàn thương mại điện tử ở Tiki, Lazada, dự tính sẽ bán hàng qua kênh bán lẻ Amazon trong nay mai. Theo bà Định, chỉ riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng trực tiếp truy cập vào kênh Amazon để tìm kiếm sản phẩm, thậm chí nhận xét, so sánh giá bán các sản phẩm cùng chủng loại tại Amazon với các kênh khác để đưa ra lựa chọn mua hàng.
“Amazon là kênh thương mại đầy hiệu quả, sẽ trở thành xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tận dụng nền tảng thương mại và số lượng khách hàng sẵn có của Amazon sẽ giúp các doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình đến với các nhà phân phối và người tiêu dùng một cách nhanh chóng, tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí. Đó là con đường để doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu ra phạm vi toàn cầu” - bà Định nói.
Cạnh tranh lành mạnh
Thương mại điện tử có đặc trưng là phát triển trên nền tảng công nghệ, phương thức tiếp thị đa kênh, sản phẩm tiếp cận khách hàng dễ dàng, nhanh chóng hơn thương mại truyền thống. Các dịch vụ vận chuyển, giao hàng cũng phát triển nhanh đã hỗ trợ đắc lực cho thương mại điện tử trở thành kênh thương mại quen thuộc của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn thương mại lớn trên thế giới. Hưởng ứng và tiếp nối xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, hàng Việt sẽ ngày càng vươn xa đến thị trường thế giới.
Thương mại điện tử đang phát triển nhờ vào sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp, mang đến nhiều chương trình khuyến mãi uy tín được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận. Chị Phan Trương Hoàng (khối phố Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, rất hay cập nhật các sàn giao dịch thương mại điện tử để lựa chọn mua hàng hóa.
“Những chương trình đưa đặc sản của các vùng, miền, những sản phẩm thuần Việt hay đặc sản xứ Quảng lên sàn thương mại điện tử trông rất thú vị. Chỉ cần click chuột, hoặc gọi điện lên tổng đài, mình đã chọn mua được khá nhiều sản phẩm chất lượng như nước mắm, sâm, các loại dược liệu với giá phải chăng. Thương mại điện tử là kênh bán hàng thông minh để khẳng định uy tín, chất lượng của hàng Việt” - chị Hoàng nói.
Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling đã thống nhất kế hoạch phối hợp trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 với các nội dung chính như triển khai chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử; phát triển thương hiệu trên thương mại điện tử với Amazon; xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử. Trong đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử sẽ nhận được sự hướng dẫn chi tiết từ mở tài khoản, hoàn tất thủ tục xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa, quảng bá sản phẩm để đưa hàng vào hệ thống Amazon thuận lợi, hiệu quả. Theo Cục Xúc tiến thương mại, những doanh nghiệp bán hàng thành công nhất trên Amazon sẽ được lựa chọn vào đoàn xúc tiến thương mại tới Hoa Kỳ vào tháng 10 này.
Theo bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), để tham gia tốt vào các kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt là Amazon, các doanh nghiệp cần trang bị kiến thức, khát vọng thâm nhập thị trường rộng lớn. Đồng thời, sản phẩm kinh doanh phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhất là tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể tận dụng tối đa những lợi thế bán hàng trên các sàn thương mại điện tử bởi tính xuyên biên giới.