Khát vọng Việt Nam thời kinh tế số
Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt những thành tựu ấn tượng. Song nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu trước khát vọng trở thành “nước thu nhập trung bình cao” vào năm 2035.
Thành tựu
Công cuộc đổi mới, bắt đầu từ năm 1986, đã mang lại diện mạo mới cho đất nước với những thành tựu ấn tượng. Từ một nước nghèo, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2010. GDP bình quân 100 USD/người năm 1990 đã tăng lên 2.500 USD năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 70% vào giữa những năm 1980 xuống dưới 5% năm 2018. Cùng với đó là sự nổi lên của tầng lớp trung lưu, nhất là ở các đô thị lớn.
Từ một nền kinh tế tương đối thuần nông, Việt Nam đã chuyển mạnh nền kinh tế định hướng công nghiệp chế tác và dịch vụ với giá trị gia tăng cao hơn. Năm 1991 nông nghiệp chiếm tỷ trọng 41% GDP; năm 2018 còn 15% nhưng vẫn là nước có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Từ một nền kinh tế khép kín, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới - xét theo tỷ lệ giá trị thương mại trên GDP (năm 2018 là gần 200%) và vai trò FDI trong nền kinh tế (đóng góp 20% GDP, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu). Hiện Việt Nam có quan hệ với hầu hết quốc gia trên thế giới, là thành viên WTO (từ 2007) và đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do FTA, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, hay Hiệp định Thương mại EU - Việt Nam EVFTA (ký ngày 30.6.2019).
Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã chuyển sang một nền kinh tế định hướng thị trường cùng với khoảng 700.000 doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển đất nước. Sau Đại hội XII (1.2016) đến nay, đất nước khởi sắc; kinh tế tăng trưởng hơn 7%. Năm 2018, nước ta hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản; nâng GDP lên hơn 250 tỷ USD, bình quân 2.580 USD/người, tăng gần 200 USD so với năm 2017.
Thách thức và rủi ro
Đến nay, tròn 50 năm xây dựng đất nước theo Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam chẳng những chưa sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong muốn mà còn tụt hậu so với nhiều nước phát triển.
Nhờ đổi mới, Việt Nam đã từ một nước nghèo, kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. Để đi được chặng đường này, nếu tính từ năm 1975, Việt Nam đã mất 35 năm. Trong khi đó, Hàn Quốc từ một nước kém phát triển năm 1975, GDP/người chỉ là 608 USD, điều kiện tự nhiên lại khó khăn hơn, nhưng chưa đầy ¼ thế kỷ, Hàn Quốc đã trở thành một nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OCED.
Không chỉ vậy, so với nhiều nước ASEAN, chúng ta vẫn bị tụt hậu. Cụ thể, trong 10 nước ASEAN, chúng ta đang đứng thứ 7 về trình độ phát triển. Sau 15 năm (2000 - 2014), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng thêm 1.600 USD, trong khi đó Thái Lan tăng thêm 3.600 USD (gấp 2,7 lần), Malaysia tăng thêm 6.500 USD (gấp 5,3 lần). Mặc dù, thu nhập đầu người cao hơn Việt Nam nhiều lần, nhưng Thái Lan, Indonesia và Philippines vẫn chưa thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Tạo đột phá mới
Mục tiêu phát triển đến năm 2035: Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD. Và như vậy, tăng trưởng GDP/người giai đoạn 2016 - 2035 phải đạt 6,8%/năm, hay tăng trưởng GDP là 7,5%/năm. Mục tiêu là khá cao. Tuy nhiên mục tiêu này đặt ra khi làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những phát triển nhảy vọt chưa tràn vào Việt Nam. Làn sóng 4.0 mang đến cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, những cơ hội to lớn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức nặng nề. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng lần này hay tiếp tục bỏ lỡ và tụt hậu xa hơn?
Trong cuốn sách “Việt Nam thời chuyển đổi số” do TS. Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư làm chủ biên, nhóm Think tank VINASA trình bày quan điểm, kiến giải về những việc cấp thiết Việt Nam cần làm vào 9 nhóm vấn đề: (1) Phát triển hạ tầng số thông minh, an toàn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số và tạo môi trường sống cho con người; (2) Trí tuệ nhân tạo là công nghệ số trọng tâm để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam; (3) Phát triển nền kinh tế số là cơ sở để Việt Nam bắt kịp và tiến cùng thời đại; (4) Vấn đề văn hóa, xã hội trong thời chuyển đổi số; (5) Xây dựng đô thị thông minh; (6) Nguồn nhân lực số và kỹ năng lao động mới; (7) Thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; (8) Cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền, hiệu lực hiệu quả; (9) Thực hành chuyển đổi số doanh nghiệp.