"Nở rộ" dịch vụ ngân hàng

VIỆT NGUYỄN 28/02/2019 07:05

Hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh đang triển khai đa dạng các dịch vụ đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Khách hàng đến đăng ký thực hiện dịch vụ ở Phòng giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: QUANG VIỆT
Khách hàng đến đăng ký thực hiện dịch vụ ở Phòng giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: QUANG VIỆT

Xu thế tất yếu

Là khách hàng của Agribank chi nhánh Quảng Nam, anh Nguyễn Thế Vịnh (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) đến quầy giao dịch để đăng ký sử dụng dịch vụ Agribank E Mobile Banking. Sau các thủ tục đơn giản, anh Vịnh được cán bộ ngân hàng hướng dẫn cài đặt ứng dụng để có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử. “Giao diện của dịch vụ Agribank E Mobile Banking thân thiện, dễ thao tác, tương thích đa thiết bị. Tôi đăng nhập điện thoại bằng vân tay nên yên tâm về tính bảo mật” - anh Vịnh nói. Dịch vụ này giúp anh Vịnh dễ dàng thực hiện chuyển khoản, thanh toán cước viễn thông, tiền điện, tiền nước, tiền học phí, cước truyền hình và nhiều dịch vụ tài chính khác.

Tại Phòng giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ, chị Nguyễn Thị Hạnh (phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) đến thực hiện các dịch vụ SMS Banking, eBanking, Mobile Banking. Sau khi đăng ký thành công, chị Hạnh thực hiện các giao dịch chuyển khoản, kiểm tra tài khoản, thanh toán hóa đơn, giao dịch tiền gửi, tiền vay ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ với máy tính có kết nối internet, khách hàng của HDBank có thể truy vấn thông tin, thanh toán, mua sắm, chuyển khoản trong và ngoài hệ thống với các tính năng bảo mật hiện đại. Qua liên kết với OnePay, khách hàng mở tài khoản tại HDBank có thể mua sắm tại hàng trăm website bán hàng trong toàn quốc. Khách hàng chỉ mất không quá 5 phút/lần giao dịch và không tốn bất cứ chi phí dịch vụ nào cho các nhu cầu mua vé máy bay, xem phim giải trí, thực hiện dịch vụ viễn thông trực tuyến.

Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan rộng, phủ sóng khắp các lĩnh vực của đời sống nên các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã và đang tận dụng như một xu thế tất yếu, triển khai ngân hàng điện tử, thanh toán di động Mobile banking rất hiệu quả, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh ở Quảng Nam tăng cao cũng đã tạo thuận lợi để các ngân hàng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán di động.

Hạn chế tiền mặt

Theo Thông tư 35/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về quy định an toàn trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet thì hệ thống Internet Banking của các ngân hàng thương mại phải bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo bí mật thông tin khách hàng, tính toàn vẹn dữ liệu giao dịch khách hàng. Các ngân hàng thương mại phải đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống Internet Banking, cung cấp dịch vụ liên tục; đồng thời kiểm tra, đánh giá an ninh, bảo mật hệ thống Internet Banking định kỳ hàng năm, xác định rủi ro, có biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro trong cung cấp dịch vụ.

Ông Đỗ Văn Bảng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ cho biết, đã và đang phối hợp với Công ty CP Chăn nuôi CP, Công ty CP Sữa Vinamilk để triển khai nhiều dịch vụ ưu đãi, giúp nông hộ đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi heo kỳ vọng thu lãi lớn. Hiện tại, đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan nhà nước để triển khai thu tiền điện, tiền nước, chi phí viễn thông qua các dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán di động. Theo đó, đang có nhiều bước đi cụ thể, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hóa thanh toán, tạo dựng niềm tin trong các mối quan hệ. “Chúng tôi chủ động liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như điện lực, cấp nước, bệnh viện để thu hộ dịch vụ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tích cực phối hợp với các tổ chức, đơn vị để thực hiện chi trả lương qua tài khoản ngân hàng” - ông Đỗ Văn Bảng nói.

Ông Trần Quang Hổ cho biết thêm, triển khai thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, chi trả an sinh xã hội của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng di động, thanh toán điện tử, đáp ứng tốt chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu vào tài khoản cá nhân người thụ hưởng. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai lắp đặt thiết bị POS (hệ thống chấp nhận thẻ ngân hàng), thanh toán điện tử đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công trong thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, y tế, giáo dục, giao thông, các dịch vụ công khác. “Hệ thống ngân hàng tại Quảng Nam đã và đang tiếp tục xây dựng kênh tiếp nhận, xử lý thông tin trực tuyến để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước  phản ánh, cập nhật các hành vi gian lận, giả mạo, lừa đảo, qua đó có cách phòng tránh, xử lý nếu không may bị lợi dụng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt” - ông Trần Quang Hổ nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN