Tìm chút hương xưa
Qua các làng nghề truyền thống có tuổi đời vài trăm năm như chiếu cói Tam Thăng (Tam Kỳ), đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn)… dịp này, màu sắc, thanh âm của tết hiển hiện trong sự hối hả của người dân nơi đây khi chạy đua với thời gian để kịp giao hàng tết…
Cái chiêng “khủng” của làng đúc đồng Phước Kiều sắp trình làng của nghệ nhân Lê Minh Hiệp. Ảnh: P.PHƯƠNG |
Tất bật Phước Kiều
Đi dọc quốc lộ 1 qua địa phận xã Điện Phương (Điện Bàn) những ngày giáp tết, có hàng chục cơ sở bày bán sản phẩm làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều với mẫu mã đa dạng, tinh xảo. Khu trưng bày sản phẩm của nghệ nhân Dương Ngọc Thắng tấp nập người mua vì sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ông Thắng cho biết, công ty của ông hiện có khoảng 1.000 sản phẩm khác nhau, được đúc bằng đồng. “Không chỉ sản xuất theo các khuôn mẫu có sẵn của làng nghề, tôi và đội ngũ nhân công nghiên cứu, tạo nhiều mẫu mới. Bà con muốn làm mẫu nào, kiểu nào, thậm chí có người còn đưa tới sản phẩm đồ cổ gia tiên yêu cầu làm lại theo mẫu, tôi vẫn có thể làm theo ý khách. Đó là cách giữ nghề, sinh tồn giữa lúc làng nghề truyền thống gặp khó” - nghệ nhân Thắng nói. Không chỉ đáp ứng thị hiếu của thị trường trong tỉnh, trong nước, cơ sở của ông Thắng còn đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ, Úc khó tính. Ông còn kết hợp và làm sản phẩm cho nhiều tập đoàn, cơ sở lớn như Tập đoàn Vingroup, làm tượng cho khu du lịch Bà Bà Hills, các khách sạn lớn Đà Nẵng, những cơ sở bán tượng đồng ở Đà Nẵng… để giữ danh tiếng làng nghề.
Tại các cơ sở đúc đồng nằm rải rác nơi làng nghề, thời điểm này, nghệ nhân Lê Minh Hiệp hoàn thiện những công đoạn cuối cho các sản phẩm mang hơi hướng truyền thống như các bức tranh đồng, chuông, chiêng đồng với những hình ảnh mang đặc trưng vùng miền, các tượng danh nhân xứ Quảng… để kịp giao hàng. Nghệ nhân Hiệp và thợ đúc đồng cũng đang đúc và lắp ráp một cái chiêng lớn do tỉnh Đăk Lăk đặt hàng với giá vài trăm triệu đồng, khối lượng 700 - 800kg, đường kính 4m mang biểu tượng đặc trưng của tỉnh này. “Cái chiêng này tốn 120 nhân công (giá 1 ngày công 350.000 đồng), hoàn thành trong thời gian 2 tháng, được đúc bằng đồng nguyên chất, không pha bất cứ kim loại nào” - ông Hiệp nói.
Nơi làng đúc đồng, một vài nghệ nhân làng nghề và thợ đúc nhờ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo cũng đã “thổi hồn” vào những khối đồng tạo những sản phẩm độc đáo, mang đậm màu sắc quê hương như Chùa Cầu - Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn… Đến làng đúc đồng Phước Kiều những ngày này, tiếng gõ, nện búa chan chát, tiếng xịt màu, âm thanh của lửa và nước… là nét đẹp của làng nghề trong tiết xuân.
Hối hả làng chiếu Tam Thăng
Làng nghề chiếu cói Thạch Tân (xã Tam Thăng) hiện còn vài chục hộ duy trì nghề, trong đó có gần 10 hộ duy trì sản xuất quanh năm. Chiếu cói ở vùng này chủ yếu có 2 loại chiếu thưa và chiếu trổ (có hoa văn đẹp). Làng nghề đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng kể từ khi có Khu công nghiệp Tam Thăng mọc lên trên địa bàn. Bà Phan Thị Huệ là một trong số người duy trì, gắn bó với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống, thủ công. Mỗi ngày, nếu làm từ sáng tới tối, bà Huệ có thể làm ra được 2 chiếc chiếu trổ có giá thành 170 - 200.000 đồng/chiếc. Sản phẩm chiếu trổ của bà Huệ không chỉ được thị trường ưa chuộng mà ngay cả những người dân làng nghề ưa chuộng, đặt để nằm, nhất là dịp lễ tết. Dù lượng đặt chiếu tết rất nhiều song bà Huệ chỉ dám nhận những mối quen, nhận làm cho người dân trong làng. “Chiếu làm ra đến đâu, người làng tới lấy đến đó. Nếu có sức nhận hàng thì tháng tết có thể nhận cả trăm chiếc là thường nhưng tôi chỉ dám nhận 30 - 50 chiếc thôi vì tất cả các công đoạn chỉ mình tôi làm. Loại chiếu này sang trọng, rất dày, nằm cả mấy năm chưa hư nên nhiều người chuộng. Cả làng hiện chỉ có mỗi mình tôi biết làm chiếu này bởi chiếu trổ công phu lắm” - bà Huệ nói.
Chị Lê Thị Hiền, một người buôn chiếu cho hay, chiếu Thạch Tân có giá thành cao hơn từ 30 - 50.000 đồng/chiếc so với các loại chiếu khác do sản xuất hoàn toàn thủ công, khó cạnh tranh. Việc ứng dụng máy móc mỗi ngày giúp một người làm ra gần 10 chiếc chiếu, nhưng nếu dệt bằng tay thì chỉ được 2 chiếc, trừ nguyên liệu, chỉ đủ ngày công lao động nhưng làm chiếu nhọc nhằn nên nhiều người đã bỏ nghề, bán máy dệt. Nguyên liệu cói gần đây khan hiếm dần nên nhiều hộ đã chuyển sang làm dịch vụ, công nhân, buôn bán, hoặc chỉ dệt lúc rảnh rỗi... Cũng theo chị Hiền, dịp tết, nhu cầu về chiếu thị trường tăng gấp 3 so với ngày thường, mỗi tháng cơ sở chị bỏ mối 400 - 500 chiếc chiếu. Với sức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay, cả làng Thạch Tân nếu thu gom cả tháng tết cũng chưa đủ 100 đôi chiếu. “Để đủ hàng tết, tôi phải gom chiếu từ các làng nghề ở vùng Duy Vinh, Thăng Bình với số lượng cả nghìn chiếc chiếu mới đủ bỏ mối cho khách và bỏ lại cho những người bán chiếu dạo. Riêng loại chiếu trổ ở làng Thạch Tân rất được thị trường chuộng dù giá cao nhưng cả làng chỉ có hộ duy nhất làm chiếu đẹp, không có để lấy” - chị Hiền nói.
H.LIÊN - P.PHƯƠNG