Để người Việt chuộng hàng Việt
Tại hội nghị tổng kết công tác của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa tổ chức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho rằng, tại Quảng Nam kết quả cuộc vận động này còn nhiều hạn chế. Vì thế, các ngành chức năng, các địa phương cần năng động, đổi mới tuyên truyền để lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Nhiều người lo ngại chất lượng chả sản xuất trên địa bàn tỉnh không đảm bảo. |
Nhiều bất cập
Tết Kỷ Hợi đang đến gần, chị Nguyễn Thị Định (khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) liên hệ nhiều địa điểm bán chả để mua về dùng. Chị Định lo lắng vì nhiều cơ sở sản xuất chả trên địa bàn tỉnh không đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng chả rất kém, đặc biệt chả có hàn the là chất cấm gây ung thư. “Ngày tết mà không có chả thì thiếu ý vị. Lỡ mua chả về dùng rồi bị ngộ độc thực phẩm sẽ nguy. Tôi cân nhắc, thay thế chả bằng cách mua thịt về gói nem dùng để yên tâm” - chị Định nói.
Ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm đang được người dân quan tâm. Năm qua, đã tiến hành 7 đợt thanh tra 64 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, lấy 38 mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm, xử lý 12 cơ sở, phạt hành chính hơn 100 triệu đồng. Rất báo động với tình trạng hàn the, acid sorbic trong chả; urê, formol, erythorbate, natribenzoat trong cá, mực; benzylaminipurine kích thích sinh trưởng trong giá; metanol, aldehyde trong rượu...
Theo kế hoạch triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ chủ trì, phối hợp với Sở TT-TT hướng thông tin, tuyên truyền sâu rộng trên các chuyên trang, chuyên mục của báo, đài; đăng tải nội dung vận động trên thông báo nội bộ dành cho sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ cơ sở; đăng tin, bài trên Bản tin xây dựng Đảng, cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh; tuyên truyền qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đội ngũ nắm bắt dư luận xã hội các cấp. |
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, trong năm qua, đã tiến hành 3.910 vụ thanh tra, kiểm tra hàng hóa trên địa bàn tỉnh, xử lý 1.587 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 7 tỷ đồng. “Hàng Việt quá hạn sử dụng lưu thông trên thị trường Quảng Nam quá nhiều. Chúng tôi buộc phải tiêu hủy nhiều sản phẩm thuốc lá, rượu, bánh kẹo và nhiều hàng hóa thực phẩm khác” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói. Ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn nhiều yếu kém. Doanh nghiệp ở đồng bằng lên vùng cao lừa gạt đồng bào dân tộc thiểu số mua các loại nồi, chảo kém chất lượng. Một số phòng khám y tế lừa bán thuốc dỏm khiến người dân gặp nhiều sự cố khi sử dụng. Các loại hình dịch vụ, bảo hiểm giả tạo vẫn trà trộn tìm “đất sống”. “Chúng ta vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, hàng của Quảng Nam nhưng còn hình thức. Kế hoạch tuyên truyền của ban, ngành, đoàn thể, địa phương còn chưa bài bản. Các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn còn chưa chú trọng khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Công tác quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ nên hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại từ cuộc vận động là rất thấp” - ông Võ Xuân Ca nói.
Cần đổi mới
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng, cuộc vận động cần có trọng tâm, trọng điểm để đi vào chiều sâu, lan tỏa trong đời sống. Các sản phẩm OCOP của chương trình mỗi xã một sản phẩm đang khẳng định chất lượng, thương hiệu, được xúc tiến, quảng bá cần tuyên truyền sâu rộng để người Quảng sử dụng. Việc này không chỉ thúc đẩy sản xuất mà còn tôn vinh bản sắc xứ Quảng. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cần được các cơ quan, địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn, phát hiện, xử lý mạnh tay để đủ sức răn đe. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cần thay đổi hình thức, nội dung thực hiện sát với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, nhất là miền núi, tránh hô hào, khẩu hiệu. “Thị trường cuối năm diễn biến rất phức tạp. “Rác” thuốc đông y từ Trung Quốc bị rút hết tinh chất, trà trộn vào thị trường trong nước, bán với giá bán rất cao khiến người dùng tiền mất tật mang. Sâm giả, dược liệu giả đang xuất hiện ở Quảng Nam, cần siết chặt kiểm soát. Báo Quảng Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương của tỉnh để đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Hữu Đổng nói.
Ông Đoàn Ngọc Sơn tán đồng ý kiến và chia sẻ, sẽ phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân sử dụng hàng trong tỉnh, trong nước cũng như đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng không đảm bảo chất lượng lan tràn trên địa bàn tỉnh. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sẽ tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp để ổn định sản xuất. Ngành tiếp tục hỗ trợ các địa phương đào tạo chứng chỉ an toàn thực phẩm, xây dựng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Ông Võ Xuân Ca cho rằng, để vận động người dân chuộng dùng hàng trong nước hiệu quả thì trước hết mỗi ban, ngành, địa phương của tỉnh phải tự vận động, khắc phục những khiếm khuyết trong thời gian qua, nâng khát vọng, bứt phá, đổi mới bằng hành động cụ thể, thiết thực. “Người Việt chuộng hàng Việt thì sản xuất sẽ phát triển, việc làm được giải quyết nhanh hơn, ngân sách thu được cao hơn. Theo đó, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ cao hơn, kinh tế - xã hội phát triển hơn” - ông Võ Xuân Ca nhấn mạnh.
VIỆT NGUYỄN