Đưa sản phẩm OCOP ra thị trường
Sau các khâu về hình thành sản xuất sản phẩm, ý tưởng và phương thức kinh doanh được xem như yếu tố then chốt để đưa sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ra thị trường...
“Chợ phiên Hội An” vừa tổ chức thử nghiệm hồi cuối tuần qua, góp phần tạo cơ hội đưa nông sản, sản phẩm hữu cơ, hàng thủ công ra thị trường. TRONG ẢNH: Gian hàng bánh đậu xanh Bông - một chủ thể OCOP Hội An tham gia phiên chợ. Ảnh: XUÂN HIỀN |
Nhìn nhận rằng cơ hội thị trường cho sản phẩm nông nghiệp ngày một rộng mở, kể cả việc đưa sản phẩm xuất ngoại, các chuyên gia về OCOP cho biết, ở thị trường trong nước và xuất khẩu, nhu cầu sử dụng nông sản đang tăng cao từng ngày... Điều này buộc người sản xuất phải có chiến lược kinh doanh, xác định phân khúc thị trường và liên tục cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của việc tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và kinh doanh.
Đánh giá, xếp hạng sản phẩm
Xác định OCOP sẽ trở thành chương trình kinh tế quan trọng, Quảng Nam đã tính toán, chủ động thực hiện và đưa ra các giải pháp để nâng tầm sản phẩm của chương trình, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh việc đánh giá và thi xếp hạng cho sản phẩm của các địa phương. Muốn như vậy thì chủ thể OCOP lẫn các cấp chính quyền phải nắm rõ về chu trình cũng như cách thức để có một sản phẩm hoàn chỉnh với bao bì, tem điện tử cũng như các mã chứng nhận từ địa phương. “Dự kiến Quảng Nam sẽ triển khai phần mềm quản lý chương trình và sản phẩm bằng tem điện tử thông minh, ứng dụng VNPT check, phần mềm quản lý... Kế hoạch, giải pháp cho từng nhóm sản phẩm chủ lực sẽ bắt đầu được thực hiện ngay sau khi khâu đánh giá xếp hạng được thực hiện” - ông Mai Đình Lợi nói.
Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm là bước thứ 5 trong chu trình OCOP thường niên, định kỳ mỗi năm tổ chức một lần dựa trên danh mục các sản phẩm được cấp cơ sở lựa chọn. PGS-TS. Trần Văn Ơn - chuyên gia tư vấn OCOP Quảng Nam chia sẻ, ý nghĩa của việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm nhằm đảm bảo nguyên tắc địa phương hướng đến toàn cầu. Bởi thông qua đánh giá, xếp hạng đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, người dân có thể cải tiến cũng như cung cấp cho cộng đồng về các tiêu chuẩn để nghiên cứu phát triển sản phẩm. Sẽ có 16 bộ tiêu chí đánh giá dựa trên đặc thù của 6 nhóm sản phẩm OCOP được phân loại trước đó. Trong đó, các tiêu chí về nguồn nguyên liệu, theo hướng khuyến khích sử dụng nguyên liệu địa phương, đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất sản phẩm hay câu chuyện về kết nối sức mạnh cộng đồng thông qua việc khuyến khích người địa phương tham gia quản trị và sản xuất... sẽ được nhìn nhận là các yếu tố đầu tiên để đưa sản phẩm có sao xếp hạng cao hay thấp.
Tiếp cận thị trường
Các sản phẩm nằm trong danh mục 35 sản phẩm OCOP được lựa chọn trong năm 2018 của Quảng Nam vốn dĩ đã tổ chức kinh doanh tại các chợ truyền thống hoặc trong phạm vi địa phương. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc chơi của sản phẩm OCOP thì gần như họ phải xác định lại một cách bài bản các phương thức tiếp thị của mình. Cũng như vậy, hàng loạt vấn đề ở những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... của Quảng Nam đều được nhìn nhận khá rõ ràng thông qua các lớp tập huấn kỹ năng cũng như những đợt khảo sát hiện trạng của Ban điều hành OCOP các cấp. Bà Nguyễn Thị Bông - Chủ cơ sở bánh đậu xanh Bông (Hội An) chia sẻ, dù bà đã có 30 năm làm sản phẩm này, tuy nhiên chủ yếu vẫn thông qua các kênh bán hàng truyền thống, chưa nghĩ đến việc phải cải tiến bao bì hay tham gia vào các hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại. “Khi được lựa chọn là sản phẩm OCOP của Hội An, được hỗ trợ đầu tư máy móc cũng như được tạo điều kiện thay đổi bao bì, thiết kế logo sản phẩm... thì cơ sở bắt đầu nghĩ tới chuyện sẽ hoàn thiện thêm sản phẩm để đưa vào các kênh bán hàng lớn hơn như siêu thị...” - bà Nguyễn Thị Bông nói.
Hồi tháng 11, tại hội thảo quốc tế về OCOP, TS. Morihiko Hiramatsu - Chủ tịch danh dự Ủy ban Trao đổi OVOP Quốc tế, “cha đẻ” của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” trên thế giới cho rằng, sản phẩm nông dân làm ra không hề thua kém giá trị của những sản phẩm công nghiệp đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, cơ hội thị trường của nông dân tiếp cận được lại gần như bằng “0” nếu không có sự trợ lực của Nhà nước lẫn các tổ chức khác. Ông Hiramatsu cho rằng, sản phẩm tốt sẽ không lo thị trường tiêu thụ, nếu khâu quảng bá thương mại tốt, hình thành các điểm bán hàng OCOP. “Điều đặc biệt là ở các cửa hàng lưu động, điểm bán hàng OCOP, nông dân được quyền định giá sản phẩm chứ không phải do thị trường” - TS. Morihiko Hiramatsu nói.
Thời gian tới, Quảng Nam sẽ có nhiều hơn các hội chợ xúc tiến thương mại đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán. Đây sẽ là cơ hội cho các sản phẩm của OCOP tham gia đánh giá xếp hạng.
XUÂN HIỀN