Sôi nổi hội chợ vùng cao
(QNO) - Hội chợ trưng bày, triển lãm, giới thiệu những thành tựu kinh tế - xã hội huyện Đông Giang đã chính thức diễn ra vào ngày 17.7. Điểm nhấn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham quan, mua sắm chính là những sản vật của vùng cao.
Hội chợ diễn ra tại khu vực bến xe Đông Giang. Ảnh: C.T |
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang - ông Phạm Xuân Vân cho chúng tôi biết, để chuẩn bị cho hội chợ diễn ra thành công, với trách nhiệm của mình, đơn vị đã kết nối, gửi thư mời đến các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác hay các hộ sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện (Hội An, Tam Kỳ) tham gia. Đối với 11 xã, thị trấn, địa phương có gian hàng cho riêng mình, chọn trưng bày những sản vật đặc trưng của từng vùng đất, con người bản địa.
“Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hay hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chúng tôi mời có chọn lọc với những sản phẩm, đặc biệt là nông - lâm sản đã khẳng định được thương hiệu, chứ không tiếp nhận tràn lan” - ông Phạm Xuân Vân nói.
Gian hàng đến từ Hội An thu hút đông nhân dân mua sắm. Ảnh: C.T |
Đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, phụ trách bán hàng của Hợp tác xã Nông sản an toàn huyện A Lưới - chị Lê Thị Kim Thoa cho hay, đơn vị mang tới đây nhiều chủng loại sản phẩm như bò một nắng, bò xông khói, rượu cần. Ngoài ra, gian hàng này còn thu hút khá đông nhân dân và du khách tham quan, mua sắm muối ớt tiêu rừng, nếp than, củ kiệu muối… Tại quầy của mình, Bưu điện Đông Giang giới thiệu các sản phẩm tiêu dùng, sách giáo khoa và cả các chương trình huy động vốn mà người dân quan tâm.
Bà Liên nghe cán bộ xã Tư tư vấn sản phẩm. Ảnh: C.T |
Dừng khá lâu tại gian hàng của xã Tư, bà Nguyễn Thị Hồng Liên (76 tuổi) trú thị trấn Prao chia sẻ, bản thân sử dụng chè dây Ra Zéh đã nhiều năm rồi. Bà tâm sự, đặc trưng đã tạo nên thương hiệu cho loại chè uống này chính là tính năng tiêu hóa tốt, ngủ được và ăn được. Mùa nắng nóng, nước chè nấu xong để nguội cho vào bình rồi bỏ vào tủ lạnh sẽ uống được cả tuần vẫn đảm bảo chất lượng và hương vị. Chính vì vậy, bà quyết định mua thêm nhiều gói chè dây về để dành nấu uống. Trực tiếp quản lý gian hàng, một cán bộ Văn phòng UBND xã Tư cho biết, ngoài chè dây Ra Zéh, lần này địa phương còn trưng bày mật ong làng Điềm, sản phẩm giảo cổ lam cũng nấu uống tốt cho sức khỏe.
Thị trấn Prao trưng bày rất nhiều sản phẩm đặc trưng vùng cao. Ảnh: C.T |
Đến với hội chợ, gian trưng bày của thị trấn Prao khá phong phú về mặt hàng, nổi bật có măng chua, gạo Ba Trăng. Ngoài gian hàng của chính mình, hai cơ sở sản xuất đóng chân trên địa bàn thị trấn là Hoàng Oanh và Thu Thảo còn ký gửi hàng hóa tại nhiều gian hàng khác với các loại rượu, nông - lâm sản địa phương để giới thiệu đến khách hàng.
Kể với chúng tôi, chị Tơ rương Thị Chơi (xã Jơ Ngây) hồ hởi giãi bày, bản thân không có ý định mua sắm gì mà chỉ đi dạo tham quan một lượt các gian hàng trưng bày từ đồ gỗ mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, ớt A Riêu, đậu, rượu Tà vạt, đến dịch vụ viễn thông mà VNPT Đông Giang, Viettel Đông Giang cung cấp để hòa mình với ngày hội của vùng cao.
Nhân dân tìm hiểu thành tựu phát triển của địa phương thông qua ảnh. Ảnh: C.T |
Theo ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá những sản phẩm nông - lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trao đổi hàng hóa, ký kết hợp đồng mua bán, cung cấp sản phẩm, góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất. Sự kiện cũng huy động số lượng hàng hóa tập trung lớn phục vụ nhu cầu mua sắm sản phẩm thiết yếu của nhân dân. Đặc biệt, gian hàng của Phòng VH-TT huyện còn trưng bày, giới thiệu những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Đông Giang đến nhân dân, du khách và nhà đầu tư.
Hội chợ trưng bày, triển lãm, giới thiệu những thành tựu kinh tế - xã hội chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập huyện Đông Giang (17.7.1963-17.7.2018) và 15 năm tái lập huyện (17.7.2003-17.7.2018) lần này có tổng cộng 29 gian hàng. Hội chợ kết thúc vào chiều 20.7 đến.
CÔNG TÚ