Đưa hàng Việt về nông thôn

VIỆT NGUYỄN 27/06/2018 09:17

Hội chợ thương mại và đưa hàng Việt về nông thôn Duy Xuyên 2018 được Công ty CP Truyền thông Cenavi phối hợp với Trung tâm khuyến công & xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) và Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên tổ chức, nhằm đem đến nhiều lựa chọn hàng Việt cho người tiêu dùng.

Người dân mua sắm tại hội chợ vào tối 25.6. Ảnh: V.N
Người dân mua sắm tại hội chợ vào tối 25.6. Ảnh: V.N

Được tổ chức từ ngày 25 đến 30.6 tại sân vận động Gò Dỗi (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), hội chợ có quy mô lớn với 200 gian hàng bày bán các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông thôn và tiểu thủ công nghiệp làng nghề truyền thống, hàng điện, điện tử, công nghệ - thông tin, thời trang, nội thất, các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu... Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo quan sát của chúng tôi, hội chợ đã đáp ứng các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, lực lượng dân quân tự vệ và Công an xã Duy Sơn đã nhiệt tình hỗ trợ ban tổ chức, túc trực tại hội chợ để đảm bảo an ninh trật tự, giúp người tiêu dùng yên tâm đến mua sắm. Hàng hóa phong phú mẫu mã, đa dạng chủng loại thu hút được người tiêu dùng. Dạo quanh hội chợ, ông Trần Văn Hiền (thị trấn Nam Phước) đã chọn mua nhiều vật dụng nhu yếu phẩm và hàng trang trí nội thất với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại cho rằng, hội chợ ở Duy Xuyên thực chất là một chương trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đưa hàng Việt về nông thôn là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở rộng mạng lưới phân phối, giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng cao, giá ổn định, qua đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Mỹ - chủ cơ sở sản xuất chổi đót và dầu mè, dầu phụng Nhất Tuấn (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh) cho biết: “Vận chuyển chổi đót và dầu mè, dầu phụng đến hội chợ không tốn kém nhiều chi phí. Tôi tin chắc sẽ bán được nhiều sản phẩm, vừa thu lợi vừa tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm”. Tại gian hàng này, chổi đót được bán với giá 30 nghìn đồng/sản phẩm, dầu mè được bán với giá 250 nghìn đồng/lít còn dầu phụng được bán 100 nghìn đồng/lít.

Nhiều doanh nghiệp rất kỳ vọng về hàng Việt tại hội chợ lần này. Chị Trần Thị Mỹ Phước - đại diện Công ty TNHH Đầu tư thương mại & xây dựng Minh Hưng (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) đem đến bán tại hội chợ nhiều sản phẩm bản địa là nấm lim xanh, mật ong rừng, sâm đương quy, sâm dây, sâm cau, chuối rừng, ba kích, ớt Booprơ, hạt tiêu rừng, giảo cổ lam, gạo lức. Chị Phước cho biết: “Đến hội chợ bán sản phẩm, doanh thu của chúng tôi sẽ tăng lên đáng kể. Quan trọng hơn đây là dịp để doanh nghiệp góp phần cùng với các cơ quan chức năng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cái được lớn nhất đối với chúng tôi qua hội chợ này là khẳng định thêm thương hiệu và mở rộng thị trường buôn bán các đặc sản của người dân vùng núi chúng tôi” - chị Phước nói. Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên, hội chợ góp phần tạo dấu ấn về hàng Việt trong người tiêu dùng trên địa bàn, tăng xu hướng mua sắm hàng Việt trong người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Toàn - Giám đốc Công ty CP Truyền thông Cenavi cho biết, sẽ phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều hơn nữa những hội chợ thương mại và đưa hàng Việt về nông thôn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. “Tâm lý lựa chọn hàng Việt sẽ giúp người dân dần xác lập thói quen, tập quán dùng hàng Việt chất lượng, có xuất xứ rõ ràng hơn trong thời gian đến” - ông Toàn nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN