Dịch vụ tự phát tăng giá

VIỆT QUANG 14/03/2018 09:14

Giá một số loại hình dịch vụ như ăn uống, giữ xe tăng tự phát trong những ngày qua. Hiện tại, công tác ổn định thị trường, cân đối cung cầu, khống chế tăng giá bất hợp lý được các ngành chức năng, địa phương chú trọng triển khai.

Ông Đoàn Ngọc Sơn trực tiếp kiểm tra nguồn gốc hàng hóa được bày bán trên thị trường. Ảnh: V.Q
Ông Đoàn Ngọc Sơn trực tiếp kiểm tra nguồn gốc hàng hóa được bày bán trên thị trường. Ảnh: V.Q

Giá dịch vụ tăng cao

Theo quan sát của chúng tôi, giá cả các loại hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống đều được bán với giá ổn định trên nhiều huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Tại TP.Hội An, dịch vụ giữ xe tại các chợ đều được niêm yết với giá 2.000 đồng/lượt cho xe máy và 1.000 đồng/lượt cho xe đạp. Nếu gửi xe qua đêm, giá được tăng lên là 5.000 đồng/lượt cho xe máy và 2.000 đồng/lượt cho xe đạp. Tuy nhiên, tại một số bãi giữ xe tự phát ở phường Minh An - nơi diễn ra nhiều lễ hội ở các chùa - giá cả tăng cao. Nhiều khách tham quan đã than vãn khi giá gửi xe máy tăng lên 10 -15 nghìn đồng/lượt. Tình trạng trên cũng đã xảy ra trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Một số khách tham quan làng bích họa Tam Thanh bị chèo kéo giữ xe với mức 10 nghìn đồng/lượt. “Tôi không ngại gì khi trả 10 nghìn đồng để tham quan khu làng tuyệt đẹp. Điều khó nghĩ là chủ giữ xe đã đột ngột tăng giá gấp mấy lần. Đó là tình trạng lợi dụng không nên có” - anh Tuấn, một khách tham quan cho biết.

Nhiều hàng quán ven biển từ TP.Hội An đến TP.Tam Kỳ, dọc theo đường ven biển 129 đã tăng giá đột biến trong những ngày qua và không hề niêm yết giá các món ăn để khách biết trước khi lựa chọn. Tại một quán ăn ở Tỉnh Thủy (TP.Tam Kỳ), một thực khách đã đôi co với chủ quán khi giá tiền được tính cho mấy món ăn nhẹ quá cao. Cụ thể, với 3 dĩa cá cam hấp, nghêu, mực ống, chủ quán tính thành tiền là 1.200.000 đồng. Chủ quán này nói: “Các món đều có được nhờ ngư dân bắt ở biển ngang này, hiếm nên đắt, thì so bì chi”.

Ổn định thị trường

Trong tháng 2 và đầu tháng 3, ngành công thương đã tổ chức 380 vụ kiểm tra hàng hóa, xử lý vi phạm 312 vụ, phạt hành chính gần 840 triệu đồng, sung công quỹ. Các hành vi vi phạm của doanh nghiệp là không có giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh (104 vụ), vi phạm ghi nhãn hiệu hàng hóa (91 vụ), vi phạm về niêm yết giá (16 vụ), vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (33 vụ), tịch thu hàng hóa nhưng không có người đến giải quyết (2 vụ), giã mạo nhãn hiệu hàng hóa (1 vụ), vi phạm về hàng cấm (3 vụ)...

Trao đổi với chúng tôi, ông  Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho rằng, tình trạng tăng giá giữ xe hay dịch vụ ăn uống có thể diễn ra ở mọi nơi chứ không riêng TP.Tam Kỳ. Đây chỉ hiện tượng tự phát, cục bộ của một số ít người cơ hội, lợi dụng lúc khách tham quan đông. “Trong thời gian qua, chúng tôi triển khai nhiều biện pháp để đưa buôn bán, thực hiện dịch vụ trên địa bàn đi vào nền nếp. Giá giữ xe đều phải được niêm yết, dán ở chỗ khách dễ quan sát nhất khi chủ bãi giữ xe trúng thầu. Các mặt hàng thương mại, dịch vụ cũng phải được niêm yết rõ ràng, minh bạch, không để vàng thau lẫn lộn, đánh tráo khách hàng” - ông Đỗ Văn Minh nói. Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, sẽ khảo sát, chấn chỉnh ngay tình trạng tăng giá đột biến một số loại hình dịch vụ trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành chức năng cần kiểm tra tốt giá của các loại hình dịch vụ, tránh hiện tượng “té nước theo mưa” khi mật độ lễ hội diễn ra dày đặc hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, cân đối cung cầu, bình ổn thị trường luôn được ngành công thương xem là nhiệm vụ trọng tâm. Để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, khống chế hiện tượng tăng giá bất hợp lý, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, quản lý, điều hành chặt chẽ  giá các mặt hàng nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá như xăng dầu, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi..., hạn chế lạm phát. “Chúng tôi áp dụng đồng bộ 3 giải pháp lớn là đảm bảo hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát, điều tiết của nhà nước; tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất, lưu thông hàng hóa, thực hiện dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; yêu cầu các ban quản lý chợ kiểm tra gắt gao, bảo đảm hàng hóa bán theo giá niêm yết” - ông Nguyễn Quang Lâm nói.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, trong thời gian qua, các đội quản lý thị trường trực thuộc đã tăng cường trinh sát, đấu tranh chống lưu thông hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường Quảng Nam. “Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ quan trực thuộc chủ động bám sát địa bàn, theo dõi, tổ chức trinh sát, nắm rõ các thủ đoạn vận chuyển, lưu thông, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không rõ nguồn gốc xuất xứ để đấu tranh, ngăn chặn. Cùng với đó là cập nhật tình hình biến động giá cả hàng hóa, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG