Trải nghiệm với thương trường...

VINH ANH 11/05/2017 09:00

Quyết định từ bỏ công việc ổn định để tập trung cho những ý tưởng kinh doanh táo bạo, đã và đang đặt ra thử thách thú vị đối với chàng trai 35 tuổi Nguyễn Duy Thạnh (trú thị trấn Hà Lam, Thăng Bình).

Đam mê

Nhiều người làm công tác đoàn trên địa bàn tỉnh không xa lạ gì với cái tên Nguyễn Duy Thạnh. Bởi, bên cạnh chức vụ Trưởng phòng Xây dựng kế hoạch cơ bản (Công ty Cao su Quảng Nam), Thạnh còn đảm đương vị trí “thủ lĩnh” thanh niên của công ty trong gần 3 năm qua. Với sự nhiệt huyết, hết mình vì phong trào, Bí thư Đoàn Công ty Cao su Quảng Nam Nguyễn Duy Thạnh đã có những đóng góp quan trọng vào thành công của công tác đoàn và phong trào thanh niên đơn vị thời gian qua.

Nguyễn Duy Thạnh (trái) đã mày mò tìm hiểu và tiến hành trồng thử nghiệm giống cây ba kích tím tại huyện Phước Sơn từ nhiều năm trước.
Nguyễn Duy Thạnh (trái) đã mày mò tìm hiểu và tiến hành trồng thử nghiệm giống cây ba kích tím tại huyện Phước Sơn từ nhiều năm trước.

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh) năm 2006 nhưng đến năm 2013 Thạnh mới về làm việc tại Công ty Cao su Quảng Nam. Quãng thời gian trước đó, anh đã thử thách bản thân khi chọn con đường lăn lộn thương trường với những ý tưởng kinh doanh thú vị. Với điều kiện gia đình khá giả (ba Thạnh nguyên là Giám đốc Công ty Cao su Quảng Nam), có lẽ nhiều người sẽ không chọn lựa con đường đi vất vả như Thạnh, bởi thời điểm tốt nghiệp ra trường, anh dễ dàng có “một chân” vào làm việc ngay tại công ty của ba mình. Nhưng Thạnh lại có cách suy nghĩ riêng. Anh chia sẻ: “Ra trường, mình chưa muốn về công ty của ba làm việc, một phần là do không muốn mọi người nghĩ mình dựa dẫm vào thân thế gia đình, nhưng một phần cũng là do mình muốn được trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm bằng niềm đam mê và sở thích kinh doanh ấp ủ từ trên ghế giảng đường”.

Với “máu” kinh doanh, ra trường năm 2006, Thạnh về TP.Đà Nẵng bắt tay ngay vào kinh doanh… phế liệu và phụ tùng xe máy. “Ban đầu mình tính kinh doanh gạo nhưng sau nhận thấy không khả thi nên chuyển hướng ngay. Về Đà Nẵng, mình đã mượn ba mẹ 15 triệu đồng để đi kinh doanh phế liệu. Mình vừa gom phế liệu từ những người thu mua nhỏ lẻ vừa hợp đồng với các tiệm sách, tiệm photocopy… để mở rộng kinh doanh. Một thời gian sau đó mình mở cửa hàng buôn bán các sản phẩm inox dùng để trang trí, bảo vệ xe mô tô. Thời điểm đó dịch vụ này ở Đà Nẵng còn mới nên việc kinh doanh rất thuận lợi” – Thạnh chia sẻ.

Thử thách với yến sào

Năm 2008, dù công việc kinh doanh tại Đà Nẵng đang thuận lợi nhưng Thạnh không cho phép mình dừng lại, anh tiếp tục phiêu lưu với những ý tưởng kinh doanh mới, trong đó có yến sào. Bằng những mối quan hệ của mình, Thạnh kết hợp với một số bạn bè, anh em đi tìm hiểu về việc đầu tư nhà nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh). Ban đầu dự tính đầu tư xây dựng nhà yến nhưng sau khi suy tính kỹ thì Thạnh và một số anh em đã chung vốn để mua hẳn những nhà yến của người dân. Thạnh cho biết: “Việc đầu tư xây dựng nhà yến khá tốn kém mà rủi ro rất cao. Người ta nói “chim trời cá nước” mà! Có khi mình đầu tư xây dựng nhà yến hàng tỷ đồng nhưng yến không đến ở thì công toi. Suy tính kỹ rồi anh em mới thống nhất đi tìm mua những nhà yến đã có thu hoạch”. Được biết, đến bây giờ, Thạnh đã góp cổ phần khoảng 10 nhà yến trải khắp các tỉnh như Ninh Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp…

Sau một thời gian khá dài chỉ dừng lại ở việc thu lợi nhuận từ góp cổ phần vào các nhà yến, đến năm 2012, Thạnh đã mở Công ty TNHH Yến sào Tiên Phong và trực tiếp nhận yến mang về Quảng Nam để sơ chế, đóng gói và xuất bán. “Mỗi cổ đông trong công ty sẽ được chia sản lượng yến thu được từ các nhà yến theo cổ phần đóng góp. Sau một thời gian chuẩn bị, đến nay công ty mình đã tự sơ chế, đóng gói với sản phẩm mang nhãn hiệu yến sào Bảo Trân, trung bình mỗi tháng xuất bán 10 – 15kg yến ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài” – Thạnh nói.

Những dự án kinh doanh đang tiến triển thì đến năm 2013, Thạnh đưa gia đình về sống với ông bà nội tại thị trấn Hà Lam và nhận lời vào làm việc tại Công ty Cao su Quảng Nam. Do công việc khá bận rộn, phải tập trung vào việc kinh doanh của công ty nên Thạnh đã dừng hẳn việc kinh doanh phụ tùng xe máy tại Đà Nẵng và chỉ tiếp tục gắn bó với yến sào. Tuy nhiên, sau gần 5 năm gắn bó, vừa qua, Thạnh đã đưa ra một quyết định khó khăn khiến nhiều người bất ngờ, đó là viết đơn xin nghỉ việc ở Công ty Cao su Quảng Nam. “Đó thực sự là một quyết định khó khăn và tôi đã phải mất nhiều tháng trời để suy nghĩ. Gần 5 năm gắn bó với công ty, tôi đã trải qua những kỷ niệm buồn vui không thể nào quên. Ở đó, tôi có một công việc và vị trí mà có thể nhiều người mơ ước; được lãnh đạo công ty tin tưởng, anh em cán bộ, nhân viên ủng hộ” – Thạnh tâm sự.

Niềm tin với dược liệu

Dự án trồng và chế biến dược liệu 200ha
Một dự án về quy hoạch vùng trồng và chế biến dược liệu với quy mô 200ha dự kiến sẽ triển khai tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức trong thời gian tới. Hiện tại, huyện Hiệp Đức tiến hành các thủ tục để giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, phía doanh nghiệp được giao lập dự án và triển khai thực hiện khi được thông qua là công ty của anh Nguyễn Duy Thạnh. Tại buổi làm việc và ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, anh Nguyễn Duy Thạnh đã đại diện cho phía doanh nghiệp được tỉnh giao triển khai dự án ký kết với các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong việc triển khai dự án trong thời gian tới.

Quyết định rời Công ty Cao su Quảng Nam là Thạnh muốn dành toàn bộ thời gian, sức lực cho những dự định kinh doanh còn dang dở. Anh tâm sự: “Năm nay tôi đã 35 tuổi, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh nếu tôi không dừng lại để nắm lấy cơ hội, dành toàn tâm, toàn lực cho những dự định, những ý tưởng khởi nghiệp đang ấp ủ. Đây cũng là niềm đam mê của cuộc đời tôi và tôi muốn tạo dựng sự nghiệp riêng cho bản thân thông qua công việc kinh doanh độc lập”.

Anh cho biết có 2 dự định lớn mà anh sẽ dành toàn tâm, toàn lực đầu tư, đó là phát triển, mở rộng kinh doanh sản phẩm từ yến sào và đầu tư trồng, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu phục vụ người tiêu dùng. Với sản phẩm yến sào, Thạnh cho biết sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh thông qua việc đầu tư, mở các cửa hàng để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Trước mắt, anh đang triển khai dự án xây dựng cửa hàng tại TP.Tam Kỳ, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối tháng 5. Sau khi thành công sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các cửa hàng tương tự ở những địa phương để quảng bá, giới thiệu sản phẩm yến sào đến người tiêu dùng.

Bên cạnh việc mở rộng kinh doanh yến sào, Nguyễn Duy Thạnh đã ấp ủ và triển khai những ý tưởng, dự định táo bạo về các sản phẩm từ cây dược liệu. Đây hoàn toàn không phải là ý tưởng mới, chưa thực hiện mà cách đây nhiều năm anh đã mày mò tìm hiểu và bắt tay trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu đặc trưng tại Quảng Nam. Vừa qua, chúng tôi được Thạnh trực tiếp dẫn lên xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn (vùng giáp ranh với xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức) để thăm mô hình trồng cây ba kích tím và cây cà gai leo của anh. Tại đây, dưới sự chăm sóc của một kỹ sư lâm nghiệp được Thạnh thuê, gần 1ha cây ba kích tím và cà gai leo sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm đang phát triển rất tốt, nhất là diện tích ba kích được trồng độc lập (không trồng dưới tán rừng). Số ba kích này được nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô do anh Thạnh “đặt hàng” với Viện Công nghệ sinh học Việt Nam để mang về trồng thử nghiệm trên đất Quảng Nam.

Không chỉ trực tiếp trồng dược liệu, thời gian qua, Thạnh đã trực tiếp thu mua một số dược liệu của người dân như cây mật nhân, cà gai leo… để chế biến ra các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Anh cho biết: “Quảng Nam là địa phương có ưu thế đặc biệt về cây dược liệu, nhất là các huyện miền núi, nhưng chưa được phát huy. Thời gian vừa qua, công ty mình đã hợp đồng với Bệnh viện Y học dân tộc cổ truyền Đà Nẵng để bào chế một số cây dược liệu thành sản phẩm cụ thể như viên mật nhân, trà cà gai leo… được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Với tín hiệu tốt từ mô hình thử nghiệm trồng dược liệu tại Phước Sơn và việc chế biến các sản phẩm dược liệu, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện những dự định lớn hơn với cây dược liệu trong thời gian tới”.

VINH ANH

VINH ANH