Chuẩn bị hàng tết

CHIÊU THỤC ANH 08/12/2015 08:52

Dù còn hai tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng các đại lý, cửa hàng, siêu thị đã bắt đầu trữ hàng chuẩn bị bán tết.

Dự báo hàng hóa tết năm nay sẽ dồi dào, giá cả ít đột biến. TRONG ẢNH: khách hàng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ.
Dự báo hàng hóa tết năm nay sẽ dồi dào, giá cả ít đột biến. TRONG ẢNH: khách hàng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ.

Hỗ trợ lãi suất vay

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết đã được Sở Công Thương lên kế hoạch từ tháng 9. Giữa tháng 10, Sở Công Thương có công văn yêu cầu các huyện, thành phố lên danh sách đăng ký nhu cầu, điểm bán, hỗ trợ truyền thông, mặt bằng để sở yêu cầu các doanh nghiệp đưa hàng hóa về. Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, sở cũng đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá để lắng nghe ý kiến của các bên. Những khó khăn, thuận lợi khi tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá được nhiều đại biểu cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp cụ thể để chương trình bình ổn thực hiện hiệu quả hơn. “Ngày 10.11, Sở Công Thương có Công văn số 1391 đề nghị Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ định mức vốn hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp phục vụ Tết Nguyên đán 2016 với tổng mức vốn đề nghị được phân bổ là 50,7 tỷ đồng. Mức lãi vay hỗ trợ là 100% đối với các điểm bán phục vụ tại địa bàn miền núi, 50% đối với các điểm bán phục vụ tại đồng bằng. Và cũng giống như các năm, thời gian hỗ trợ lãi vay là 3 tháng, từ ngày 25.9 đến 25.12 âm lịch” - ông Lâm nói.

Để tránh trường hợp các đối tượng được hưởng ưu đãi lãi suất vay, dùng nguồn vốn vay vào kinh doanh những mặt hàng ngoài danh mục thiết yếu, UBND tỉnh đã quy định bắt buộc một số mặt hàng như gạo, nếp, đậu các loại, hạt dưa, thịt heo, bánh kẹo, rau củ quả, thực phẩm chế biến... Riêng mặt hàng quần áo may sẵn cũng sẽ được hỗ trợ khi bán tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. “Chính sách ưu đãi lãi suất vay cho doanh nghiệp tác động tốt và trực tiếp trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Về phía doanh nghiệp, hộ cá thể là một hình thức hà hơi tiếp sức để khuyến khích doanh nghiệp đưa hàng về vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Chính sách này cũng giúp người dân được hưởng mức giá ngang bằng như bao người tiêu dùng khác, không bị o ép giá với lý do đội phí vận chuyển, kích thích tiêu dùng...” - ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương nói.   

Bắt đầu trữ hàng

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, dự báo thị trường hàng hóa phục vụ tết sẽ dồi dào và không thiếu bất cứ mặt hàng nào. Tuy nhiên, do nhu cầu, thói quen mua sắm, tích trữ hàng hóa của người dân vào những ngày cận tết luôn tạo áp lực về nguồn cung nên giá cả hàng hóa dự kiến sẽ tăng 15 - 20%, có mặt hàng tăng 20 - 25% so với bình thường.

Đến thời điểm hiện tại đã có 7 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá, trong đó có 6 doanh nghiệp được lựa chọn và đề nghị tỉnh phân bổ định mức vốn vay hỗ trợ lãi suất. Đó là các Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng - Quảng Nam, Hợp tác xã Thương mại Điện Thọ, Công ty TNHH Hoàng Nguyên, Công ty TNHH TM&DV Khang Thịnh Quảng Nam, Công ty TNHH TM&ĐT Trần Hoàng. Theo ông Nguyễn Văn Cường - Phó phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), theo kế hoạch, tổng hàng hóa thiết yếu dự trữ bán bình ổn trong dịp tết gần 81 tỷ đồng với 44 điểm bán hàng. Trong đó có 24 điểm bán hàng tại miền núi, 20 điểm bán tại đồng bằng và 9 xe bán hàng lưu động. Riêng Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Tam Kỳ không nhận vốn hỗ trợ lãi suất. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc công ty cho biết: “Có nhiều lý do để chúng tôi quyết định không nhận vốn hỗ trợ lãi suất. Thứ nhất nguồn hàng cung cấp ra thị trường của siêu thị được đưa về từ hệ thống của siêu thị; thứ hai là khi nhận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất bắt buộc phải đảm bảo hạch toán về thời gian, mặt hàng... gây nhiều khó khăn cho siêu thị. Tuy nhiên, siêu thị vẫn tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá với tổng trị giá dự trữ hơn 15 tỷ đồng tại 6 huyện, thị xã”.  

Từ giữa tháng 11, nhiều công ty, đại lý đã bắt đầu lên kế hoạch chi tiết sẽ dự trữ hàng hóa chuẩn bị cho mùa “ăn nên làm ra” nhất trong năm, đảm bảo không thiếu hàng, sốt hàng. Được biết, các cửa hàng, đại lý sẽ dự trữ hàng hóa phục vụ tết bằng hoặc nhỉnh hơn tết năm ngoái 15 - 20%. Theo ghi nhận của chúng tôi ở các xã thuộc huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành, các xe tải bán hàng lưu động cũng đã thực hiện việc đi khảo sát nhu cầu mặt hàng để đặt các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa. Không kể nguồn hàng dự trữ ở các cửa hàng nhỏ lẻ, số lượng các mặt hàng trong nguồn hỗ trợ lãi suất vốn dự tính gồm 114 tấn gạo, nếp 22 tấn, dầu ăn 653 lít, bánh - kẹo - mứt 59,7 tấn, thịt heo - bò - gà - vịt 34 tấn. Năm nay, các hộ cá thể, đại lý không được nhận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất như mùa Tết Nguyên đán 2015 bởi không đảm bảo được việc hạch toán, sổ sách với cơ quan chức năng.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH