Phát triển doanh nghiệp: Nhìn từ Đà Nẵng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh đề xuất: “Năm 2015 phải là Năm doanh nghiệp (DN) để ta làm nhiều hơn cho DN, bởi khi DN không phát triển được thì đất nước cũng không phát triển được”. Từ thực tiễn “Năm DN Đà Nẵng 2014” cho ta thấy rõ hơn chủ trương đúng đắn này.
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu 2014.Ảnh: QUẾ LÂM |
Thấu hiểu và đồng hành
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng, Trưởng ban Chỉ đạo “Năm DN Đà Nẵng 2014” cho biết, năm 2004, Đà Nẵng đã thực hiện Năm DN và 10 năm sau, chính quyền thành phố tiếp tục đồng hành với DN qua chương trình hành động “Năm DN Đà Nẵng 2014”, góp phần tạo nên sự bứt phá ngoạn mục của kinh tế - xã hội thành phố.
Kết quả nổi bật là: Đến năm 2014, cộng đồng DN Đà Nẵng có 14.942 DN đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 74.000 tỷ đồng sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng xấp xỉ 4 lần về số lượng và gấp 9,8 lần về tổng số vốn so với năm 2004. Nộp thuế trên 9.000 tỷ đồng năm 2014, tăng gấp 4 lần so với năm 2004 với mức tăng trưởng bình quân 16%/năm, trong đó khối DN dân doanh đóng góp lớn nhất với hơn 2.200 tỷ đồng, gấp 10,3 lần so với năm 2004. Ngoài ra, dân doanh đóng góp trên 16.000 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014, tăng gấp 3,2 lần so năm 2004. Bên cạnh đó, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp 11.650 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014, tăng gấp 4 lần so năm 2004, tốc độ tăng trưởng 7,2%/năm. Từ đó, tạo kim ngạch xuất khẩu thành phố năm 2014 đạt 1,155 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so năm 2004. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt 11.589 tỷ đồng, vượt 8% dự toán Trung ương giao, trong đó thu nội địa 9.020 tỷ đồng và nguồn thu từ đất chỉ chiếm 19%. Điều này cho thấy, tính bền vững của ngân sách Đà Nẵng và vai trò đóng góp ngày càng quan trọng của đội ngũ DN dân doanh.
Có được kết quả trên, chính là sự đồng thuận, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp triển khai đồng bộ chương trình hành động. Đồng thời các hiệp hội DN và các hội viên DN đã tích cực tham gia, chủ động phát huy nội lực, lợi thế cạnh tranh, ổn định SXKD. Qua đó, các DN đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền thành phố như: về mặt bằng SXKD, trong năm qua thành phố đã thu hồi 20 dự án với diện tích 13,4ha và bố trí lại cho 23 DN. Hiện nay, thành phố đã có 80ha đất sạch, có hạ tầng đầy đủ trong các KCN, sẵn sàng đáp ứng mặt bằng cho các DN. Đặc biệt, về tài chính trong năm 2014, Quỹ đầu tư phát triển thành phố (tổng vốn 200 tỷ đồng) đã giải ngân cho 24 DN vay với tổng vốn 65,8 tỷ đồng. Đồng thời Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa được thành phố thành lập (tháng 4.2014), có vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, đến nay đã bảo lãnh tín dụng cho 10 DN với tổng số tiền 12,26 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã bố trí trên 1 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ kinh phí cho 6 chương trình hỗ trợ DN như: về tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm; khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển tàu du lịch; đổi mới công nghệ; ưu đãi đầu tư vào khu công nghệ cao; xuất khẩu phần mềm; sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch.
Bên cạnh đó, đường dây nóng của chương trình đã tiếp nhận gần 400 câu hỏi, chuyển các đơn vị xử lý hơn 20 trường hợp; tổ chức 2 chương trình đối thoại trực tuyến với DN để giải quyết các kiến nghị của DN. Các Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Hiệp hội DN vừa và nhỏ... đã tích cực phát huy vai trò cầu nối giữa DN và chính quyền với nhiều hoạt động thiết thực như: thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, “Cafe Doanh nhân cuối tuần”..., tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng để tạo điều kiện cho các DN giao lưu, gặp gỡ, liên kết kinh tế và nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của thành phố. Tóm lại, trong 10 năm qua chính quyền thành phố đã thổi một luồng sinh khí mới vào cộng đồng DN, giúp DN có thêm động lực mới để ổn định và SXKD.
Nguồn lực mới
Trong năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có gần 75.000 DN mới thành lập, cao hơn năm trước, song thời gian này cũng có 68.000 DN ngừng hoạt động. Điều này phản ánh, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn còn thiếu sự đầu tư đúng mức và chính sách hỗ trợ cần thiết từ chính quyền và xã hội. So với các DN trong nước và khu vực, các DN Đà Nẵng còn hạn chế cả về tiềm năng tài chính, khả năng quản trị và tính chuyên nghiệp chưa cao, vẫn còn một khoảng cách khá xa về năng lực cạnh tranh.
Vận hành chính quyền điện tử phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. |
Mới đây, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức lễ tổng kết “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, tôn vinh cống hiến của 100 DN, 15 doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội thành phố năm 2014. Đồng thời khẳng định cam kết chính quyền tiếp tục đồng hành với DN phát triển SXKD nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN trong giai đoạn mới. Cụ thể, ngay đầu năm 2015, thành phố đã ban hành đề án “Phát triển DN thành phố đến năm 2020” với 6 nhóm giải pháp thiết thực. Bà Đồng Thị Bích Chính, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho biết, mục tiêu phát triển DN cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là phát triển chất lượng; khuyến khích các DN mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển thành phố cho biết, trong năm 2015, với lãi suất cho vay 6%/năm, DN chỉ cần báo cáo quyết toán thuế, không cần báo cáo kiểm toán; có dự án đầu tư, phương án SXKD hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay đúng hạn... Phấn đấu Quỹ đầu tư phát triển thành phố đạt 1.000 tỷ đồng vào năm 2020 để hỗ trợ các DN nhỏ thành vừa, DN vừa thành DN lớn, đồng thời thu hút các tập đoàn kinh tế tổng công ty đặt trụ sở tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xúc tiến phát triển DN khoa học và công nghệ; đầu tư xây dựng các tổ chức tư vấn về công nghệ và hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động SXKD. Đặc biệt, thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm giữa các DN, nhất là các tập đoàn lớn nước ngoài với DN thành phố; tăng cường hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố. Đơn cử như cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế không chỉ là sự kiện phục vụ du lịch mà còn quảng bá hình ảnh Đà Nẵng ra thế giới. “Cộng đồng DN và doanh nhân thành phố cần phát huy mọi tiềm năng và lợi thế, năng động trong SXKD, tăng cường kết nối và hợp tác nâng cao giá trị sản xuất trong nước, từng bước xây dựng uy tín DN để thật sự trở thành thành phần trụ cột, là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng TP.Đà Nẵng thịnh vượng trong thời kỳ mới” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Duy Khương chia sẻ thêm.
QUẾ LÂM