Đìu hiu những khu du lịch
Được kỳ vọng rất lớn khi có vị trí nằm gần các trung tâm du lịch Quảng Nam nhưng đến nay nhiều khu du lịch như Thuận Tình (Hội An), làng Chăm Mỹ Sơn hay khu du lịch sinh thái Duy Sơn (Duy Xuyên)… hầu như vắng khách, thậm chí không ít nơi đã bị xuống cấp, bỏ hoang.
Những ngôi nhà thơ mộng trong khu du lịch Thuận Tình nay không còn nữa. |
Lây lất, tan hoang
Nằm giữa cồn đất rộng chừng 50ha bốn bề sông nước, khu du lịch sinh thái Thuận Tình (Cẩm Thanh) cách phố cổ Hội An khoảng 3km được xem là nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn của du khách khi đến Hội An. Nhìn từ xa, Thuận Tình như một ốc đảo xanh giữa mênh mông sông nước, bốn mùa đón nhận những cơn gió mát từ biển thổi vào. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến với khu du lịch Thuận Tình là những ngôi nhà nghỉ bằng tranh, tre ẩn trong rừng dừa nước bạt ngàn và rừng dương vi vu trong gió trải dài tít tắp. Dịp cuối tuần, Thuận Tình trở thành nơi lý tưởng cho người dân và du khách đến cắm trại dã ngoại, sinh hoạt tập thể... Nhưng đó là chuyện của 3 năm về trước, còn bây giờ khu du lịch chỉ là một bãi đất hoang khi doanh nghiệp không còn đủ khả năng duy trì sự tồn tại của nó.
Theo những hộ dân sống gần khu du lịch, khoảng năm 2011 khu du lịch sinh thái Thuận Tình đột nhiên đóng cửa, ngưng hoạt động. Ông Nguyễn Mười (Mười Thương), chủ nhân của khu du lịch cũng không thấy xuất hiện. Lợi dụng không ai quản lý, bảo vệ, một số hộ dân Cẩm Thanh đến phá dỡ nhà cửa, vật dụng mang về. Không gian thơ mộng ngày nào nay chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn. “Bây giờ không còn khách nào ra đó nữa, chỉ còn cỏ cây mọc hoang thôi, nhà cửa cũng bị đập phá hết rồi” - ông Lê Công Bé (một người dân gần khu du lịch) nói.
Không bi đát như Thuận Tình nhưng số phận của khu du lịch làng nghề Chăm Mỹ Sơn thuộc Công ty TNHH Mỹ thuật Khải Hoàn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) cũng đang trong trình trạng “sống dở chết dở”. Được xây dựng năm 2005 với đầu tư ban đầu hơn 2 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục như làng nghề chằm nón, dệt thổ cẩm, điêu khắc đá, trại cá sấu..., khu du lịch này được kỳ vọng sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trước và sau khi vào tham quan Khu di tích Mỹ Sơn. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Liên - Phó Giám đốc khu du lịch làng nghề Chăm Mỹ Sơn, từ khi Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho ô tô tự do vào di tích thì khu du lịch trở thành “thừa thãi”. Từ chỗ có hàng chục nhân viên, công nhân làm việc, mỗi ngày đón hơn trăm lượt khách, nay toàn khu chỉ còn 2 nhân viên phục vụ kiêm bảo vệ. “Huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để đa dạng điểm đến cho Mỹ Sơn nhưng lại không hỗ trợ cơ chế thì chúng tôi làm sao tồn tại được” - bà Liên ngán ngẩm.
Chưa có hướng ra
Có thể nói, số phận của 2 khu du lịch Thuận Tình và làng nghề Chăm Mỹ Sơn cũng là thực trạng chung của nhiều khu du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay như khu du lịch sinh thái Duy Sơn, khu du lịch Cát Biển (xã Tam Tiến, Núi Thành) hay thậm chí là khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh… khi thực tế hoạt động vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của doanh nghiệp trước khi đầu tư. Ngoài việc cố gắng duy trì hoạt động, các doanh nghiệp chỉ còn biết chờ đợi các yếu tố như cơ chế, tài chính và nhất là nguồn khách. Bà Liên cho rằng, khu du lịch làng nghề Chăm Mỹ Sơn bây giờ duy trì tồn tại được ngày nào hay ngày đó theo kiểu “bỏ thì thương vương thì tội”. Doanh nghiệp cũng không dám mạo hiểm đầu tư mở rộng vì dự án bến xe khách (đối diện khu du lịch) vẫn còn là một bài học khi Công ty TNHH Mỹ thuật Khải Hoàn đầu tư xây dựng bãi đỗ đậu cho xe khách đến Mỹ Sơn nhưng đang làm dang dở thì huyện yêu cầu dừng lại. “Bao nhiêu tiền vốn đầu tư vào bến xe và khu du lịch rồi nhưng không biết khi nào mới thu hồi lại được” - bà Liên than thở. Hiện, mỗi tháng tổng doanh thu của khu du lịch chưa đến 10 triệu đồng, không đủ trả lương cho nhân viên và các chi phí khác, chưa kể hàng năm doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng để xử lý ẩm mốc và diệt mối mọt các công trình bằng tre gỗ trong khu du lịch. “Bây giờ chúng tôi chỉ mong muốn huyện cho phép tiếp tục xây dựng bến xe cũng như bỏ quy định cho xe vào di tích may ra khu du lịch mới có khách” - bà Liên nói.
Khu du lịch làng Chăm Mỹ Sơn đang trong trình trạng “sống dở chết dở”. Ảnh: V.LỘC |
Còn đối với số phận khu du lịch sinh thái Thuận Tình, theo ông Trương Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, đã bị phá sản hoàn toàn và hiện đang chờ quyết định thi hành án của tỉnh do những vướng mắc về tài chính. “Theo giấy tờ thì khu du lịch vẫn còn thuộc chủ quyền của ông Mười Thương vì dự án thuê đất có thời hạn đến 50 năm nên chỉ sau khi giải quyết xong về mặt pháp lý, thành phố mới có thể tính toán thu hồi hay giao nhà đầu tư khác được” - ông Bay cho biết. Trong khi chờ thi hành án, khu du lịch đã thành bãi hoang cây cỏ mọc um tùm. Còn với những người yêu du lịch, khám phá cảnh sắc thiên nhiên thì không khỏi tiếc nuối về một Thuận Tình lãng mạn nên thơ đã từng hiện diện trên cồn đất này.
Hình thành các khu du lịch nhằm đa dạng điểm đến cho du khách khi đến Quảng Nam là hướng đi phù hợp với chủ trương của tỉnh nhằm giúp khai phá những lợi thế tiềm năng, góp phần tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân tại chỗ. Tuy nhiên, để các khu du lịch tồn tại phát triển không chỉ đòi hỏi năng lực, tầm nhìn và sự tâm huyết của doanh nghiệp mà còn cần sự ủng hộ, tạo điều kiện từ nhiều cấp ngành địa phương, khi đó các khu du lịch mới có thể phát triển ổn định lâu dài.
VĨNH LỘC