Chi phí sản xuất tăng: Doanh nghiệp càng thêm khó

ĐẶNG NGUYỄN 07/08/2013 08:36

Chi phí đầu vào liên tiếp tăng cao trong thời gian gần đây đang đè nặng lên các doanh nghiệp (DN).

Chi phí đầu vào như điện, xăng, gas... tăng giá sẽ tác động xấu đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Đ.N
Chi phí đầu vào như điện, xăng, gas... tăng giá sẽ tác động xấu đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Đ.N

Chi chí sản xuất tăng

Mặc dù lãi suất ngân hàng giảm dần nhưng hiện nhiều DN tiếp cận nguồn vốn vay không đơn giản, vì thủ tục rườm rà; trong khi đó chi phí đầu vào gia tăng mạnh đang gây sức ép lớn đối với các DN. Mới đây, giá điện tăng thêm 5% cùng với việc xăng, gas... tăng giá tác động dây chuyền đến giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Ông Doãn Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH Tân Bình (Cụm công nghiệp Trường Xuân, Tam Kỳ) cho biết, DN hoạt động trên lĩnh vực xây lắp nên công ty rất lo lắng trước giá cả sắt, thép, xi măng, xăng dầu... dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian đến. Trước nhiều bất lợi đã và đang đặt ra, DN buộc phải chủ động và có phương án điều chỉnh sản xuất kinh doanh. Theo ông Tân, thời điểm này, không riêng gì các DN xây lắp mà nhiều DN ở các ngành nghề khác cũng sẽ gặp không ít khó khăn, khó có nhiều công trình để thi công, để duy trì hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, trước bài toán sống còn, bản thân DN ông cũng đã dự lường khó khăn trước mắt. Trong 3 năm trở lại đây, DN đã tính tới chiến lược phân khúc thị trường, vừa duy trì sản xuất và cũng vừa đầu tư, mở rộng các ngành nghề để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh.

Thành lập mới hơn 400 doanh nghiệp

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – đầu tư, 7 tháng đầu năm 2013 đã cấp 42 giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4.800 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay đã có 413 DN đăng ký thành lập mới, trong khi đó có 133 DN tạm ngừng hoạt động, 73 DN phải giải thể, đồng thời cơ quan nhà nước đã thu hồi hơn 1.000 giấy chứng nhận đăng lý kinh doanh.

Ngành dệt may là ngành hàng xuất khẩu nhưng chủ yếu gia công là chính nên giá cả nguyên vật liệu và chi phí sản xuất đồng loạt tăng đã gây khó khăn cho DN. Một chủ doanh nghiệp may ở Cụm công nghiệp Trường Xuân cho biết, khi ngành điện có thông báo tăng giá thì liền sau đó, DN nhận được thông báo tăng giá cước vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào từ nhiều đối tác cung cấp vật tư. Ngoài ra, DN cũng đang “đau đầu” trong việc đảm bảo được đời sống cho công nhân khi nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá. Trước những thách thức này, DN chấp nhận mức lãi thấp nhất để trả thêm các khoản chi phí do giá xăng, vận chuyển, điện tăng; nhưng quan trọng nhất là làm sao duy trì được hoạt động sản xuất để công nhân có việc làm, đời sống của họ được đảm bảo. Trong khi đó, DN may thường ký kết các đơn hàng sản xuất với các đối tác nước ngoài ngay từ đầu năm hoặc năm trước nên không thể đàm phán, thay đổi đơn giá được.

Khó tiếp cận vốn

Giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cho các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp giảm bớt gánh nặng cho DN. Cụ thể, xem xét gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, giảm thuế, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tiến hành rà soát, phân loại các khoản nợ xấu, đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ. UBND tỉnh cũng giao các ngành liên quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN về lãi suất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời. Theo đó, ưu tiên cho các DN ở các lĩnh vực: nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao... được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Nhiều DN cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng khả năng tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đang còn quá khó. Giữa ngân hàng và DN chưa sát cánh, hỗ trợ và giúp nhau vượt qua thời kỳ gian khó. Ông Nguyễn Tâm - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng (Đại Lộc) cho rằng, nguồn vốn đầu tư của DN chủ yếu từ vốn vay, mặc dù lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay vẫn đang ở mức cao. Nhiều DN đang có nhu cầu bức thiết vay vốn phát triển sản xuất, nhưng để vay được vốn lãi suất dưới 15% không phải là dễ. Trong khi đó, nghịch lý đang tồn tại đối với DN sản xuất hiện nay là chi phí sản xuất tăng cao nhưng giá bán sản phẩm và sản lượng bán ra đều thấp hơn trước. Đây thực sự là một áp lực lớn đối với DN vừa và nhỏ hiện nay. Theo ông Tâm, trong điều kiện khó khăn này, Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên cho vay với lãi suất thấp để cứu DN.

Trước khó khăn, liệu các DN vừa và nhỏ có tính đến chuyện phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động? Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam cho biết: “Đó là giải pháp tiêu cực, chắc chẳng có DN nào chủ động tính đến trừ khi tình hình tồi tệ đến mức không thể cầm cự nổi”. Theo ông Việt, dù khó khăn các DN cũng vẫn tìm cách giữ lao động “vì tìm được người, giữ được lao động mới là bài toán khó đối với DN hiện nay”. Đây không phải là lần đầu tiên các DN Quảng Nam đối phó với khó khăn lạm phát, giá cả tăng cao mà những bài học trong thời khủng hoảng kinh tế trước đây đã phần nào giúp DN tìm được cách thích ứng. Vì sự sống còn, các DN luôn xác định đây là khó khăn chung không chỉ của DN mà cả cộng đồng. Vậy nên với DN, cần tái cấu trúc về quản lý và đầu tư có hiệu quả, giảm tối đa chi phí không cần thiết, sẽ tiết kiệm được nhiều thứ. Chẳng hạn, biết xem xét, tranh thủ những hợp đồng có chi phí đầu vào thấp, đối tác an toàn để duy trì tốt nhất các đơn đặt hàng, hoạt động sản xuất của mình.

ĐẶNG NGUYỄN

ĐẶNG NGUYỄN