Ra Huế, quảng bá làng nghề

LĂNG A CÚI 03/05/2013 08:14

Những làng nghề truyền thống của Quảng Nam vừa hội tụ cùng nhiều làng nghề khác trong cả nước bên dòng Hương giang thơ mộng, đem đến cho chương trình Festival nghề truyền thống Huế 2013 một không gian văn hóa làng nghề đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của đất và người xứ Quảng.

  • Nhiều làng nghề Quảng Nam tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2013
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tham quan “làng lụa” Hội An tại festival. Ảnh: LĂNG A CÚI
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tham quan “làng lụa” Hội An tại festival. Ảnh: LĂNG A CÚI

Gốm nung “hút” khách

Giữa không gian rộng tại công viên Tứ Tượng, nằm bên bờ sông Hương (TP.Huế), khu trưng bày sản phẩm gốm nung của nghệ nhân Lê Đức Hạ (Điện Phương, Điện Bàn) đông nghịt khách đến tham quan, hỏi giá mua. Gian hàng này thu hút khách bởi sản phẩm có nhiều mẫu mã đẹp và mới lạ. Hàng chục kiểu sản phẩm gốm đủ loại mẫu mã, kích cỡ với các hình tượng Phật Di lặc, chân dung các nhân vật nổi tiếng, thiếu nữ Chăm cùng điệu múa Apsara huyền thoại, tháp Mỹ Sơn… được bày trí bắt mắt.

Festival nghề truyền thống Huế 2013 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” diễn ra từ ngày 27.4 đến 1.5 tại TP.Huế (Thừa Thiên  Huế), thu hút 33 làng nghề thủ công truyền thống ở khắp 3 miền đất nước tham gia. Sự kiện này nhằm tôn vinh nghệ nhân và làng nghề Việt thông qua các hoạt động trình diễn của các làng nghề truyền thống độc đáo như dệt zèng, dệt lụa, thổ cẩm, pháp lam, sơn mài, khắc gỗ, gốm...

Theo nghệ nhân Lê Đức Hạ, đây là lần thứ 2 gốm đất nung của ông tham gia Festival nghề truyền thống tại Huế. Lần nào, trước khi tham gia festival ông cũng  tích cực tìm kiếm nguyên liệu đất nung mới để thiết kế nên những bộ sản phẩm gốm mới lạ, đa dạng về mẫu mã,… để thu hút du khách thập phương. Ngoài trưng bày sản phẩm, không gian nghề gốm Lê Đức Hạ còn biểu diễn các công đoạn ra lò nung tại chỗ để hình thành sản phẩm gốm mới khiến nhiều du khách thích thú. “Ở gốm, người xem dễ dàng nhận thấy sự giao thoa giữa cuộc sống và con người, thông qua hơi thở làng nghề truyền thống. Với riêng gốm Lê Đức Hạ, đâu đó luôn có nét đặc trưng giữa nền gốm Chămpa - Kinh” - nghệ nhân Lê Đức Hạ chia sẻ.

Độc đáo “làng” lụa

Cùng với gốm nung Lê Đức Hạ, sản phẩm tơ lụa của làng nghề lụa Hội An cũng đem đến cho festival một không gian làng nghề độc đáo. Ông Lê Thái Vũ - Giám đốc Công ty CP Quảng Nam Silk cho biết, có hơn 10 nghệ nhân của làng lụa cùng tham gia biểu diễn tại festival với các hoạt động ươm tơ, nuôi tằm, dệt lụa,… phục vụ du khách. “Tất cả không gian của làng lụa được tái diễn một cách sinh động, giúp du khách thập phương có thể hiểu rõ hơn về nghề lụa một thời đã làm rạng danh thương cảng Hội An” - ông Vũ nói.

Vừa thao diễn từng động tác ươm tơ, nghệ nhân Lưu Thị Hoa vừa thuyết minh cho du khách về xuất xứ, tuổi đời của nghề lụa Hội An. Trước đây, nghề dệt lụa được người Chămpa cổ coi trọng và duy trì phát triển, hình thành một nét văn hóa truyền thống lâu đời trong đời sống sinh hoạt. Đến thế kỷ XVII, người Việt bắt đầu kế thừa và phát triển nghề lụa và gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Theo nghệ nhân này, để làm nên một sản phẩm lụa đẹp, mịn, đòi hỏi người thợ phải cứng tay nghề và chịu khó miệt mài. Trong đó, công đoạn luộc kén, kéo tơ là khó nhất, rất ít thợ trẻ làm được. “Nước luộc kén phải luôn giữ sôi ở mức nhiệt 90 độ C để kén nhả tơ đều, mịn. Do vậy, người thợ giỏi thường là những người chăm chỉ và tinh tế” - nghệ nhân Lưu Thị Hoa bộc bạch.

Quảng bá làng nghề xứ Quảng

Nghệ nhân Huỳnh Sướng của làng mộc Kim Bồng (Hội An) tỏ ra rất hài lòng với những sản phẩm mà ông cùng các nghệ nhân khác đã chế tác và mang ra tận Huế để quảng bá trong dịp Festival nghề truyền thống Huế 2013. Với mẫu mã sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, nhiều du khách đã bày tỏ sự thích thú khi ghé chân vào “làng” nghề mộc Kim Bồng thu nhỏ bên bờ sông Hương thơ mộng. “Mỗi dịp Festival nghề truyền thống Huế là mỗi dịp làng mộc Kim Bồng có cơ hội được quảng bá sản phẩm đến với công chúng gần xa. Văn hóa nghề mộc vì thế luôn được coi trọng, gìn giữ và phát triển” - nghệ nhân Huỳnh Sướng tâm sự.

Đẹp, lạ và ấn tượng - đó là những chia sẻ của nhiều du khách khi nói về không gian làng nghề của các nghệ nhân xứ Quảng tại Festival nghề truyền thống Huế 2013. Bởi, khi đến với không gian làng nghề Quảng Nam, du khách không chỉ tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo được làm nên từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, họ còn được tự tay học cách làm khi có nhu cầu tìm hiểu. Chị Lê Thị Thúy Vi, một du khách đến từ Bình Định, chia sẻ: “Thật ấn tượng khi lần đầu được chứng kiến các nghệ nhân chế tác nên những sản phẩm nghề truyền thống của Quảng Nam như gốm, lụa, mộc… Họ rất giỏi và đáng được tôn vinh!”.

Mỗi lần mang văn hóa nghề ra Huế tham gia festival nghề truyền thống là mỗi lần các nghệ nhân xứ Quảng thể hiện tài năng của mình đến với du khách. Và cứ sau mỗi lần tham gia các kỳ festival, các nghệ nhân và các nhà quản lý làng nghề đều tỏ ra rất hài lòng. Bởi, họ luôn hướng đến du khách, như một dịp quảng bá tinh hoa làng nghề xứ Quảng đến với công chúng.

LĂNG A CÚI

LĂNG A CÚI