Mua hàng về Quảng
Hàng trăm tiểu thương từ Quảng Nam, vượt gần 1.000km đang đổ dồn về chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) những ngày này để mua hàng về quê bán tết.
Khu chợ bán sỉ vốn náo nhiệt này bỗng chốc nhộn nhịp, đông đúc và vui tai hơn bởi ở đây đi đâu cũng nghe người ta nói với nhau bằng giọng Quảng. Nhiều mặt hàng thiết yếu trong dịp tết ở đây theo những chuyến xe ngược về Quảng…
Nhộn nhịp chợ tết
Bình thường phải hơn 8 giờ các sạp hàng ở chợ Tân Bình mới bắt đầu mở cửa đón khách, nhưng hơn 1 tuần trở lại đây mới 5 giờ sáng là người xe đã tấp nập vào ra. Chị Trần Thị Nga, một tiểu thương bán vải ở chợ Nam Phước (Duy Xuyên) cùng em gái đang cắm cúi lựa vải ở quầy của chị Lệ Hằng, cho biết: “Hai tháng trước, tui vô đặt hàng, đã lấy được về một đợt rồi; tháng này 2 chị em vô lại để kiểm hàng và về cú chót để bán cho bà con quê mình. Chuyến xe tụi tui đi vô Sài Gòn lần này toàn tiểu thương Quảng Nam. Đây là chuyến hàng cuối cùng trong năm”.
Nhiều tiểu thương Quảng Nam lựa hàng mua về bán tết.Ảnh: M.K |
Chưa có chợ nào đông như chợ Tân Bình. Những ngày này nếu đi chợ mà đi xe tay ga thì sẽ bị giữ xe từ chối. Dù có trả gấp đôi tiền cũng sẽ bị mấy “anh giữ xe” lắc đầu nói là hết chỗ. Rồi với xe số, nếu có gửi thì chỉ gửi được 1 - 2 tiếng đồng hồ. Nếu hơn khoảng thời gian đó sẽ tính tiền gấp ba, tương đương 1 chiếc xe máy là tiền giữ xe 30 nghìn đồng. Lý do các anh giữ xe đưa ra là chợ gần tết đông lắm, phải đi nhanh mới có chỗ cho người khác. Hơn 20 chỗ giữ xe quanh chợ Tân Bình đều thẳng thừng lắc đầu với xe tay ga, tuyên bố chỉ gửi được 1 giờ đồng hồ, nếu hơn thời gian thì 30 nghìn đồng/chiếc. Chị Thúy Hằng, bán nước sâm lạnh gần chợ cũng mỗi ngày kiếm được hơn 700 nghìn đồng tiền bán nước vì lượng khách đi chợ quá đông. “Tui bán giá ngày thường thôi nhưng người mua liên tục, chủ yếu là mua để cầm vừa lội chợ vừa uống. Mọi ngày chỉ bán khoảng 200 nghìn đồng thôi. Phần lớn người ta mua giải khát rồi mua để cho khuân vác, lái xe uống giải nhiệt…”.
Mua tận gốc
Nhà chị Lê Thị Tú, đường Đông Hồ (quận Tân Bình) mấy hôm nay đông khách. Toàn là bà con tiểu thương ở chợ Vĩnh Điện vào ở nhờ để đi lựa đồ và đặt hàng chở về quê bán tết. Chị Tú cười bảo: “Mình cũng dân Vĩnh Điện, cũng làm nghề buôn bán ở chợ Tân Bình nên tư vấn cho chị em ngoài đó nên mua hàng ở đâu là tốt nhất. Nói rứa chớ bà con mình ngoài đó vô, vào nhà mình ngủ lại vài đêm là vui lắm, vừa giúp đỡ được bà con, vừa nghe được đủ chuyện ở quê mình”. Cũng theo chị Tú, mặc dù tình hình kinh tế năm nay khó khăn nhưng sức mua hàng tết vẫn không giảm là mấy. Thay vì bỏ tiền ra mua các mặt hàng cao cấp giá cao, người tiêu dùng năm nay chọn mua những hàng may mặc của Việt Nam, tuy mẫu mã không đẹp bằng hàng cao cấp nhưng lại phong phú và có thể thỏa sức lựa chọn. Nói về hàng hóa tết năm nay, chị Trần Thị Lãnh - tiểu thương chợ Tam Kỳ đang đi mua hàng ở chợ Tân Bình, cho biết: “Cũng dè dặt lắm chứ không dám mua nhiều như mấy năm đâu. Muốn biết được khách hàng thì đặt mình vào vị trí khách hàng, mua cái gì cũng tính đi tính lại chứ không mua ồ ạt được. May mà giá hàng năm nay cũng không cao lên chứ cao thì có nước tụi tui chỉ mua về bán cho có mà thôi. Mà công nhận mua hàng ở chợ Tân Bình là rẻ nhứt chứ không nơi đâu rẻ bằng, tiểu thương tụi tui đi trên xe nói với nhau là mình lấy rẻ về bán rẻ lại cho bà con để họ còn cái tết mới mẻ, đủ đầy!”.
Với giá 15 nghìn đồng/bộ, gian hàng quần áo trẻ con đông nghịt người. Cứ mỗi một tiểu thương là đi kèm với 2 người khuân vác, lựa được hàng, cho vào bao niêm phong là chở thẳng ra xe tải. Anh Lê Hoàng Vinh - một người khuân vác kiêm xe ôm ở chợ cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là tiểu thương khắp nơi đổ về đây để mua hàng tết, nhưng đông nhất vẫn là người Quảng. Tui cũng dân Quảng nên nhận làm cho đồng hương mình là chính. Mấy hôm nay tôi thức dậy từ 5 giờ sáng, đến 9 giờ mới ăn sáng rồi lại làm tiếp. Cứ liên tục từ đây cho đến khoảng 20 tháng chạp là không làm nữa. Nói chung thấy dân mình buôn bán giỏi và chịu khó lắm! Mà cứ gặp đồng hương là thấy quý, anh em tui làm nhiệt tình không kể ngày đêm, họ cần là mình có thể bốc vác cho kịp hàng về”.
Dọc các con đường lớn quanh chợ, xe tải nhỏ, xe ôm đậu quanh với những chồng hàng cao ngất ngưởng. Nhiều người Quảng xa quê cũng đang náo nức lòng mình hơn khi nghĩ đến những chuyến xe sắp chạy về quê nhà.
Minh Kiệt