Thêm chút hương xuân

PHƯƠNG GIANG - SONG ANH 16/01/2013 08:29

Mẻ hàng đầu tiên của năm được dỡ xuống, vừa vặn 8.000 ông Táo bằng đất nung vàng rực xếp đều đặn chờ quét sơn và xuất xưởng. Những ông Táo đất từ lò gốm của cụ Nguyễn Thị Lan (93 tuổi, ở làng gốm Thanh Hà, Hội An) sẽ đến với từng góc nhà, chái bếp, thêm chút hương xuân cho tết cổ truyền của người dân Quảng.

Cụ Nguyễn Thị Lan làm tượng ông Táo đất bằng chiếc khuôn cha ông để lại.
Cụ Nguyễn Thị Lan làm tượng ông Táo đất bằng chiếc khuôn cha ông để lại.

Xưởng gốm “ông Táo đất”

 Xưởng làm ông Táo đất của cụ Lan nằm sâu trong con đường lát gạch ngoằn ngoèo của làng gốm Thanh Hà. Trong khoảng sân cạnh lò gốm, những ông Táo vừa dỡ khỏi khuôn còn thơm mùi đất sét được xếp ngay ngắn trên từng viên ngói. Trước hiên nhà, chị Trần Thị Hồng cùng con trai và hai người khác đang “đánh vật” với đống đất sét cao quá đầu người. Đất được nhồi kỹ thành từng khối nhỏ bằng nắm tay, rồi được nện chặt vào khuôn bằng một động tác thuần thục. Sau khi khéo léo gạt phần đất thừa bằng dụng cụ hình cái cưa, ông Táo đất được dỡ khỏi khuôn xếp ngay ngắn lên một viên ngói rồi mang ra sân phơi trước khi đưa vào lò nung. Nhìn thì khá đơn giản, nhưng để nhồi được khối đất vừa vặn trong khuôn, rồi ép vào khuôn để đất đủ chặt, không bị gãy vỡ là cả một sự kỳ công. Chị Hồng cho biết: “Đây là xưởng gốm cuối cùng của làng gốm Thanh Hà còn sản xuất loại hàng đặc biệt này. Mỗi năm, xưởng chỉ làm từ ngày 20 tháng 11 âm lịch đến khoảng giữa tháng chạp là nghỉ. Trong khoảng thời gian một tháng, xưởng làm liên tục, sản xuất khoảng 8 nghìn “ông” mỗi mẻ nung nhưng có năm vẫn không đủ cung cấp cho thị trường”.

Chủ xưởng gốm là cụ Nguyễn Thị Lan, nay đã 93 tuổi. Tóc bạc trắng, chân không còn vững nhưng bà Lan vẫn có thể nện đất, ép khuôn một cách thuần thục. Dù mỗi năm chỉ hoạt động một tháng trước tết, nhưng thị trường ổn định cùng với lợi thế là xưởng gốm độc nhất trong làng còn làm ông Táo đất đã giúp bà giữ nghề suốt mấy chục năm nay. “Dù là nhà khá giả hay bần hàn, hễ bếp đỏ lửa, đến 23 tháng chạp đều làm lễ đưa ông Táo về trời. Ở đâu không biết chớ ở Quảng Nam, rất nhiều nhà thờ tượng ba ông Táo đất. Nhờ đó mà lò gốm của bà mỗi độ tết đến xuân về là lại được đỏ lửa” - cụ Lan nói.

“Giữ lửa” lò gốm

Trước khi trở thành một làng nghề truyền thống đặc sắc hấp dẫn khách du lịch, làng gốm Thanh Hà cũng đã trải qua lắm thăng trầm như nhiều làng nghề truyền thống khác. Nghiệp mưu sinh gắn liền với đất, với lò nung của cụ Nguyễn Thị Lan cùng nhiều nghệ nhân khác trong làng cũng lắm phen chìm nổi. Nhưng dù thăng trầm, bấp bênh thế nào, cứ đến tết là lò gốm nhà cụ Lan lại chộn rộn làm ông Táo đất. Những kỹ năng từ việc chọn đất, đánh đất, nhào nặn, ép khuôn… được bà Lan truyền dạy tỉ mỉ cho con cháu bằng tâm huyết của hơn nửa đời người làm gốm.

Ông Nguyễn Văn Chín, con trai cụ Lan cho biết: “Một sản phẩm tượng ông Táo đất bán ra thị trường chỉ khoảng 4 - 5 nghìn đồng, so với nhiều sản phẩm gốm, nhất là gốm mỹ nghệ thì giá quá thấp, trong khi đó để cho ra sản phẩm cũng đòi hỏi lắm công phu nên cả làng chỉ còn gia đình tôi làm. Trung bình mỗi cái tết, xưởng gốm cung cấp cho thị trường khoảng 30 nghìn ông Táo đất. Sản phẩm được đưa đi khắp các huyện trong tỉnh, ra Đà Nẵng và cả Quảng Ngãi, năm mô cũng bán hết hàng”. Ông Chín chia sẻ thêm, năm nay xưởng hoạt động trúng vào đợt rét, thời tiết xấu nên mẻ gốm đầu tiên không phơi kịp, phải mất hơn 10 ngày mới ra lò. Công việc vất vả, chủ yếu lấy số lượng làm lợi nhuận nhưng ông Chín vẫn không chuyển sang sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ du lịch như nhiều lò gốm khác. “Phần vì cái nghề gắn với gia đình đã qua mấy thế hệ, phần vì không còn ai làm ông Táo đất nên theo ước nguyện của mẹ, con cháu vẫn cố gắng giữ nghề” - ông Chín chia sẻ.

Hiện tại, xưởng làm ông Táo đất của cụ Lan vẫn duy trì từ 4 - 6 nhân công. Càng cận tết, xưởng càng tất bật với công việc bởi phải hoàn thành sản phẩm bỏ mối cho các cửa hàng trước rằm tháng chạp.

Lửa nghề

Lúc nào cụ Lan cũng giữ bên mình cái khuôn nặn ông Táo đất của ông cha truyền lại như một báu vật. Chín mươi ba tuổi, đi qua hơn nửa đời người với đất, với lò gốm và “lửa nghề”, với khuôn nặn và những kỹ năng của người thợ làng gốm cổ trứ danh, cụ Lan với xưởng gốm của mình vẫn đang đưa những ông Táo đất đến với từng góc nhà, thêm chút hương xuân cho tết cổ truyền của dân tộc.

Mẹ con chị Trần Thị Hồng là hàng xóm nhà cụ Lan. Được cụ Lan truyền nghề, năm nào cũng vậy, khi xưởng làm ông Táo đất vào mùa là mẹ con chị Hồng trở thành hai nhân công đắc lực. Chị Hồng cho biết, mỗi ngày mẹ con chị làm được 500 sản phẩm thô, cứ 100 sản phẩm được trả 7 nghìn đồng tiền công. “Tuy thu nhập khá thấp, nhưng với cái nghĩa truyền nghề và cái tâm dành cho nghề của cụ Lan, mẹ con tôi cũng quyết bám theo sự sống còn cùng xưởng. Mong rằng, khi cụ Lan không còn, những ông Táo đất vẫn được làm ra từ xưởng gốm này mỗi tết”.

PHƯƠNG GIANG - SONG ANH

PHƯƠNG GIANG - SONG ANH