Khó quản lý chất lượng thị trường trái cây

Hoàng Tân 20/12/2012 09:00

Trước đây, trái cây ngoại nhập được ưu tiên chọn mua bởi vừa có mẫu mã đẹp, vừa rẻ..., nhưng thời gian gần đây, người tiêu dùng đang chuyển dần sang trái cây trong nước. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng đối với mặt hàng này là điều không dễ.

Tìm mua trái cây nội

Thời gian gần đây, việc cơ quan chức năng phát hiện nhiều mẫu trái cây ngoại nhập, nhất là trái cây Trung Quốc (TQ) có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe thì mặt hàng này không còn được ưa chuộng. Thay vào đó, nhiều bà nội trợ đã chọn mua trái cây trong nước. Chị Hiền, chủ một quầy bán trái cây tại chợ Vườn Lài (Tam Kỳ) cho biết, khoảng 5 tháng nay quầy trái cây của chị chỉ bày bán 3 loại trái cây ngoại nhập của TQ là lựu, bom và lê nhưng khách hàng rất ít hỏi mua. Thường những ngày rằm, mồng một hoặc khi nhà có giỗ chạp thì khách mới mua để bày biện trên mâm cho đủ lễ hoa quả. Hầu hết khách chỉ chọn mua những trái cây trong nước về ăn, nhất là những loại quả gắn với đặc sản của vùng như lòn bon (Tiên Phước), mận đỏ (Hà Nội) hay mãng cầu, chôm chôm, vú sữa từ miền Tây đưa về...

Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi tìm mua trái cây ngoại nhập. Ảnh: H.T
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi tìm mua trái cây ngoại nhập. Ảnh: H.T

Dạo quanh các sạp bán trái cây tại các chợ lớn, trái cây trong nước đang chiếm ưu thế và được trưng bày ở vị trí mặt tiền. Tuy nhiên, một lượng trái cây ngoại, nhất là TQ dù chiếm tỷ lệ ít hơn nhưng vẫn được bày bán, nhất là những người buôn bán ở vỉa hè, xe đẩy. Chị Phương, chủ quầy trái cây tại chợ Trung tâm thương mại Tam Kỳ cho biết, mỗi ngày trung bình bán được khoảng hơn 200kg trái cây thì trái cây nội đã chiếm khoảng 160kg.  “Khách hàng bây giờ rất sành lựa chọn thực phẩm nên dù mình có bóc tem thì họ vẫn biết đó là trái cây ngoại nhập. Nếu mình bán không đảm bảo chất lượng, quầy của mình sẽ không được các bà nội trợ tiếp tục lựa chọn” - chị nói. Tuy nhiên, không phải ai cũng “thiệt” như chị Phương, có nhiều quầy, nhiều nơi để bán được hàng đã thay tem trái cây TQ thành trái cây nội hoặc có xuất xứ từ Mỹ.

Khó quản lý

Riêng tại TP. Tam Kỳ mỗi ngày có hàng tấn trái cây được xuất bán, trong đó có cả trái cây ngoại nhập. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng, xuất xứ mặt hàng này chưa được phân cấp rõ ràng. Ông Nguyễn Cam, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết, hiện đơn vị không quản lý mặt hàng trái cây ngoại nhập. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết ngành cũng không quản lý mặt hàng trên. “Theo Nghị định số 38 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, ở điều 21 thì chỉ quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ đầu mối, đấu giá nông sản. Và nhiệm vụ của chi cục là kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế sản phẩm nông lâm - thủy sản”.

Theo kinh nghiệm của nhiều người cũng như khuyến cáo của ngành chức năng, hầu hết các loại trái cây nhập khẩu đều có chất bảo quản để giữ được lâu trong quá trình vận chuyển. Để hạn chế hóa chất tồn dư, người tiêu dùng nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút, sau đó gọt hoặc bóc vỏ trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn trái cây có ruột bị nhũn, màu khác thường và có mùi lạ. Tốt nhất người tiêu dùng nên sử dụng trái cây trong nước để bảo đảm tươi ngon...

Theo ông Trần Ngọc Mỹ, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1, đội thường xuyên tuần tra, kiểm tra đối với tất cả các mặt hàng, trong đó có trái cây ngoại nhập. Tuy nhiên, cũng chỉ quản lý chung chung, kiểm tra hóa đơn, giấy tờ nhập về. Còn về chất lượng, thường phải phối hợp với các ngành khác mới có thể phân tích làm rõ được, đội không có chức năng này. “Nhưng cũng rất khó quản lý và kiểm tra bởi thường thấy các quầy đều trưng bày trái cây với nhãn mác của Việt Nam, rất khó phân biệt và thường thì chúng tôi phát hiện, thu giữ những xe chuyên chở hàng có dấu hiệu nhập lậu, còn buôn bán ở chợ thì rất khó. Nên trước hết, người dân phải tự cẩn trọng, tìm hiểu trước khi sử dụng...” - ông Mỹ nói.

Ông Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng ban Quản lý chợ Trung tâm thương mại Tam Kỳ cho biết, để quản lý kinh doanh mặt hàng này, ban quản lý chợ đã đề nghị các tiểu thương kinh doanh phải xuất trình giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ khi kiểm tra. Mặt khác, đơn vị cũng thường xuyên tuyên truyền để người bán lẫn người mua nâng cao ý thức trong việc lựa chọn mặt hàng đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm ở những cửa hàng, đại lý có uy tín, sản phẩm phải có bao bì, nhãn mác đầy đủ của doanh nghiệp nhập khẩu để đảm bảo sức khỏe.

Hoàng Tân

Hoàng Tân