Thận trọng với hàng vỉa hè
Có thể tìm thấy các loại “hàng vỉa hè” như thời trang, thực phẩm… dọc các tuyến đường, tuy rẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thượng vàng hạ cám
Tràn ngập và chiếm lĩnh nhiều nhất trên dọc các tuyến đường nội thị TP.Tam Kỳ phải kể đến mặt hàng may mặc. Từ quần áo trẻ em, người lớn đến chăn ga gối đệm, khăn mặt…, phần lớn được giới thiệu là hàng Việt Nam, hiện đang có đợt xả hàng tồn kho nên giá rẻ. Với tay chọn cho con trai 11 tháng tuổi bộ đồ ấm được treo với giá 25.000 đồng tại ngã ba Phan Châu Trinh - Nguyễn Thái Học, chị Trần Nguyệt Lan (kinh doanh hàng ăn uống tại phường An Mỹ) cho biết: “Trẻ con mặc vài ba bữa là bỏ, mua chi đồ đắt tiền. Mình thấy giá ở đây phù hợp, kiểu dáng cũng bắt mắt, chất liệu thì chắc ở đâu cũng vậy”. Theo những chủ bán hàng tại đây, sản phẩm bày bán được lấy cùng chỗ với các hàng áo quần tại những chợ lớn, nên khách hàng không lo về mặt chất lượng. Thêm vào đó, họ không tốn kém cho chi phí mặt bằng nên bảo đảm giá sẽ “mềm” hơn rất nhiều.
Hàng vỉa hè được bày bán. Ảnh: L.Q |
Tuy nhiên, theo quan sát, các mặt hàng thời trang, đặc biệt là áo quần trẻ em không có nhãn mác rõ ràng. Dù được “quảng cáo” là chất liệu vải mềm, nhưng thực tế là thun cotton loại 2, loại 3 dễ bị xù lông, giặt ra màu; với những trẻ có làn da mẫn cảm rất dễ dị ứng. Chị Hoàng Muội - chủ quầy buôn bán quần áo ở Trung tâm thương mại Tam Kỳ cho hay, những lần ra Đà Nẵng nhận hàng, các chủ đầu mối cho biết phần lớn sản phẩm may mặc bỏ tuồn cho người bán vỉa hè thường giá rất rẻ. Hàng này được các chủ hàng lấy từ Sài Gòn, giá gốc còn thấp hơn nhiều. Theo chị Muội, hầu hết quầy áo quần ở Trung tâm thương mại sụt giảm khách do người bán hàng vỉa hè ngày càng nhiều, mẫu mã cũng phong phú không kém, đặc biệt là giá rẻ.
Giá bán được cho là khá “mềm”, nhưng mức lãi mà chủ hàng vỉa hè thu về vẫn không thấp. Theo một người trong nghề buôn bán hàng may mặc, nguồn gốc của các loại áo quần trẻ em khá đa dạng, khi thì do hàng tồn kho, có lúc được thu mua lại từ các đầu mối trên biên giới nên rất khó phân định hàng nào sản xuất tại Việt Nam. Cũng có khi chính người chủ đầu mối trộn lẫn nhiều kiện hàng với nhau, đính tên doanh nghiệp lên sản phẩm trước khi bán ra. Đối với hàng vỉa hè, mỗi mặt hàng ít nhất phải qua 3 khâu trung gian mới tới được người tiêu dùng, do đó có thể thấy giá thấp nhưng chưa phải đã là giá rẻ.
Tương tự, với các sản phẩm may mặc thời trang người lớn, phần nhiều sản phẩm (chủ yếu hàng Trung Quốc) là hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng. Khi được hỏi về xuất xứ các mặt hàng này, những chủ hàng vỉa hè vẫn đinh ninh đây là hàng Sài Gòn, hàng công ty. Thực ra, ngay bản thân họ vẫn không thể biết được nguồn gốc, bởi tất cả đều qua những chủ đầu mối. Hàng vỉa hè không chỉ có sản phẩm thời trang mà thấy cả thực phẩm, từ trái cây cho đến mực khô, mực xé sợi, ô mai… Lâu nay, báo chí đã cảnh báo nhiều về tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này, tuy nhiên vì ham rẻ, người tiêu dùng vẫn “chuộng”.
Coi chừng hàng dỏm!
Hàng giá rẻ hiện đang xâm nhập nhiều vùng nông thôn. Các bà nội trợ ở quê chấp nhận cảnh chen lấn để mua được đồ dùng cho gia đình với giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng. Từ quần áo, giày dép đến xoong nồi, chén bát, thau inox, thùng nhựa… đang được trung chuyển đến nhiều chợ vùng nông thôn, miền núi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây chủ yếu là hàng “made in China”. So với những thương hiệu đồ gia dụng của Việt Nam thì độ bền, màu sắc của những sản phẩm này rất kém.
Là nạn nhân của “hàng siêu rẻ, chất lượng dỏm”, chị Nguyễn Thị Thủy (Điện Phong, Điện Bàn) cho biết, một bộ nồi inox tại cửa hàng giá trên 500 nghìn đồng, nhưng các xe bán hàng lưu động chỉ bán khoảng hơn 300 nghìn đồng, lại được tặng kèm rổ rá nhựa. “Ham rẻ và ham đồ khuyến mãi nên tôi mua về. Chỉ nấu được thời gian ngắn, xoong nồi bị rạn” - chị Thủy cho biết. Ngoài những mặt hàng gia dụng, hàng mỹ phẩm cũng được đưa về tận chợ xã. Chị dâu của chị Thủy sau một tuần dùng dầu gội của một thương hiệu nổi tiếng với giá gốc 108 nghìn đồng được giảm giá còn 50 nghìn đồng, tặng kèm một chai sữa tắm (tại xe bán hàng lưu động) thì tóc bị xơ rối, da đầu nổi vảy gàu.
Chọn mua sản phẩm siêu rẻ không rõ chất lượng, người tiêu dùng đã tự “mua” thêm nỗi lo lắng và bất an. Với trẻ em, tuy không thể xài những mặt hàng đắt tiền của các thương hiệu nổi tiếng thì cũng nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất liệu không gây dị ứng. Chị Phan Thị Thùy Dương (Quế Trung, Nông Sơn) cứ thắc thỏm khi da con gái gần 1 tuổi bị mẩn đỏ. Đưa con đi thăm khám, chị mới biết cháu bị dị ứng từ sợi vải của áo quần, hậu quả từ đợt mua 5 bộ thun mát giá rẻ chỉ 15 nghìn đồng/bộ.
Đánh trúng tâm lý chuộng hàng giá rẻ, nhiều nhóm người đã tổ chức những xe hàng lưu động về các vùng nông thôn, gom tất cả mặt hàng và “đổ đống” tại các chợ. Người tiêu dùng phải thật tỉnh táo thận trọng mới mong tìm được sản phẩm chất lượng trong đống hàng lộn xộn. Những loại hàng này đã mua rồi thường không thể trả lại, do đó khách hàng cần kiểm tra kỹ các chi tiết trên sản phẩm.
LÊ QUÂN